"Lạm phát dường như đang vượt ra khỏi tầm tay ở hầu hết các nền kinh tế tiên tiến, khi giá cả hàng hóa tăng cao và lao động ngày càng trở nên khan hiếm. Nhiều nhà đầu tư rơi vào tình thế khó khăn và thị trường tài chính đang bán tháo. Việt Nam được cho là có những lợi thế nhất định nhưng để có được thành công, cần nỗ lực nghiên cứu, rút ra những bài học kinh nghiệm từ sự phát triển lẫn những va vấp của các nền kinh tế khác”.
Đó là chia sẻ của ông Moritz Kraemer, nguyên Giám đốc toàn cầu của bộ phận xếp hạng tín nhiệm các quốc gia tại S&P Global, hiện là Kinh tế trưởng và Trưởng Bộ phận Nghiên cứu của ngân hàng Landesbank Baden Wuerttemberg (LBBW) khi trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam.
Dịch COVID-19 còn nhiều diễn biến khó lường, thế giới lại đang có những biến động mạnh, bất thường về kinh tế, chính trị, xin ông cho biết nhận định về vấn đề này?
Thế giới đang biến động bởi cuộc chiến tranh đang diễn ra ở châu Âu và có thể leo thang đến mức độ nghiêm trọng vào bất cứ lúc nào. Đại dịch COVID-19 vẫn là một mối đe dọa kéo dài khiến kinh tế thế giới, đặc biệt là một số nước trong khu vực châu Á gặp khó khăn. Mô hình toàn cầu hóa cũ đang bị thử thách nghiêm trọng khi các chuỗi cung ứng đáng tin cậy trước đây bị phá vỡ và dường như không chấp nhận hàn gắn.
Hơn thế, lạm phát cũng đang vượt ra khỏi tầm kiểm soát ở hầu hết các nền kinh tế tiên tiến, khi giá cả hàng hóa tăng cao và lao động ngày càng trở nên khan hiếm. Các nhà đầu tư rơi vào tình thế khó khăn và thị trường tài chính đang bán tháo. Mô hình “huyền thoại” về một trật tự thế giới hài hòa toàn cầu dựa trên sự tán thành đồng nhất của chủ nghĩa tư bản, thương mại tự do, dân chủ đã được bóc trần rõ ràng và thực chất khi các chuyên gia chính trị, mà không phải các nhà kinh tế, đang làm chủ các diễn biến thị trường. Tuy nhiên, tôi hy vọng rằng mọi thứ sẽ dần trở lại ổn định.
Vậy theo ông, đâu là lợi thế của Việt Nam so với các quốc gia khác?
Chúng ta cần nhìn nhận một cách sáng suốt bởi các công ty hoạt động trên quy mô toàn cầu, dưới áp lực của những sự phức tạp nêu trên, đang xem xét kỹ lưỡng về độ tin cậy và khả năng xoay xở của họ. Các doanh nghiệp nước ngoài sẽ từng bước tìm kiếm các điểm đến mới nhằm đa dạng hóa nguồn cung ứng, sau khi nhận thức rõ ràng về rủi ro xảy ra khi tập trung hết vào một vào thị trường.
Việt Nam chính là thị trường tiềm năng mà các doanh nghiệp nước ngoài đang hướng tới nhờ vào sự ổn định về chính trị và tiền tệ; sự cởi mở về kinh tế, lực lượng lao động dồi dào và giá nhân công cạnh tranh.
Theo nhận định của nhiều nhà kinh tế, Việt Nam sẽ phát triển nhanh hơn một số nước trong khu vực châu Á. Điều này có thể được thể hiện ở việc dòng vốn đầu tư đang đổ vào Việt Nam. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ròng đạt trung bình 5% GDP hàng năm và cho tới nay đây là tỷ lệ cao nhất trong khu vực.
Cùng với đó, là quá trình công nghiệp hóa đã được tăng cường; tỷ trọng của ngành sản xuất trong GDP đã tăng lên hơn 17%, từ mức khoảng 13% của một thập kỷ trước. Việc thu hút đầu tư nhờ nguồn lao động dồi dào và tương đối rẻ đưa Việt Nam trở thành cường quốc xuất khẩu.
Vậy, bài học đặt ra cho Việt Nam trong phát triển kinh tế để có những thành công bền vững là gì, thưa ông?
Vào thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn có tiềm năng đầy hứa hẹn. Việc tổ chức tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng “Ổn định” gần đây cho thấy, Việt Nam có khả năng là “ngôi sao đang lên” và có thể đạt được mức xếp hạng đạt chuẩn đầu tư đầu tiên trong vài năm tới.
Tôi cho rằng, để đạt được thành công bền vững, các nhà lãnh đạo của đất nước thận trọng trong việc đưa ra các chiến lược để phát triển kinh tế và con người. Bởi nếu không, các nhà đầu tư hiện đang đổ vào Việt Nam có thể chuyển sang tìm kiếm “những đồng cỏ xanh hơn ở các ngôi sao mới lên khác”. Nếu có thể thực hiện tốt những điều này, tôi tin tưởng Việt Nam sẽ là một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Trân trọng cảm ơn ông!
Ông Jens Ruebbert, Giám đốc điều hành, Tổng Giám đốc khu vực Châu Á Thái Bình Dương của ngân hàng LBBW: Về nhiều mặt, TP Hồ Chí Minh giống Thượng Hải hai mươi năm trước. Một nơi mà tiềm năng dường như vô hạn. Việt Nam áp dụng chính sách dân số phù hợp đã giúp tránh cuộc khủng hoảng lao động, tạo ra nguồn nhân công dồi dào so với nhiều nước trong khu vực.
Tuy nhiên, dân số năng động của Việt Nam sẽ dẫn đến những thách thức khác. Mạng lưới Dấu Chân Toàn cầu, một tổ chức tư vấn quốc tế về môi trường đã ước tính dấu chân sinh thái của người Việt Nam trung bình hiện lớn hơn khả năng sinh học hiện có trên mỗi đầu người, điều này thể hiện tác động của dân số Việt Nam đến môi trường cao, nên cần phải kiểm soát để đảm bảo phát triển bền vững.
Do đó, nếu Việt Nam áp dụng những chính sách phù hợp sẽ giúp giảm thiểu ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, sức khỏe con người, gia tăng hiệu quả và năng suất kinh tế. Điều này cho thấy nhu cầu cấp thiết về định hướng phát triển bền vững, hướng tới sự thịnh vượng cũng như nâng cao trình độ, kỹ năng của người dân, đẩy nhanh quá trình tăng trưởng chuỗi giá trị. Hàn Quốc và Singapore là những quốc gia có thể chia sẻ cho Việt Nam một số kinh nghiệm về khía cạnh này.