Việt Nam - vùng đất lành cho các tập đoàn lớn

Những cam kết dành sự đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn và đầy đủ cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư hai bên trong Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) vừa ký kết được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam trở thành vùng đất lành cho các tập đoàn lớn đến đầu tư.

Để hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xung quanh nội dung này.

Chú thích ảnh
Dây chuyền sản xuất sợi tại Công ty TNHH Dệt nhuộm Jasan Việt Nam, Khu công nghiệp dệt may Phố Nối B (Hưng Yên). Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Thưa ông, cùng với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), EVIPA được xem sẽ là cú huých lớn đối với nền kinh tế Việt Nam. Xin ông cho biết, EVIPA sẽ đem đến cho Việt Nam những cơ hội nào trong thu hút vốn đầu tư?

Điểm nổi bật trong lần ký kết EVIPA là quá trình đàm phán Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư đã gắn liền với quá trình đàm phán, tiến tới ký kết cùng lúc 2 Hiệp định EVFTA và EVIPA.

Theo đó, các cam kết tại EVFTA về thương mại, dịch vụ cao hơn so với cam kết WTO cũng như của EU với các đối tác khác: như xóa bỏ thuế nhập khẩu của Việt Nam sang EU (sau 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xoá bỏ đối với 99,2% số dòng thuế), góp phần thúc đẩy đầu tư từ EU và các nước khác vào Việt Nam.

Hơn nữa, các cam kết sâu rộng về đầu tư trong EVIPA sẽ thay thế các Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương giữa Việt Nam với các nước thành viên EU, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư EU hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. 

Ngoài ra, các lĩnh vực mà Việt Nam cam kết thuận lợi hơn cho EU gồm một số dịch vụ chuyên môn, tài chính, viễn thông,  vận tải, phân phối cũng như các lĩnh vực mà EU có thế mạnh như công nghiệp chế tạo, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo… sẽ là những lĩnh vực được các nhà đầu tư EU quan tâm đầu tư trong thời gian tới.

Thưa ông, đâu là những điểm khác biệt của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) và các Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký với các nước thành viên EU trước đây?

Hiệp định EVIPA được rà soát pháp lý vào tháng 8/2018 và được chuyển từ song phương sang đa phương vì Hiệp định này phải được sự phê chuẩn của cả Nghị viện châu Âu và Nghị viện các nước thành viên EU mới có thể thực thi. Phần lớn các cam kết song phương đều được tôn trọng, cả EU - Việt Nam đều cam kết sẽ dành đối xử quốc gia, đối xử tối huệ quốc với đầu tư của nhà đầu tư bên kia cũng như đối xử công bằng, thỏa đáng, bảo hộ an toàn và đầy đủ, cho phép tự do chuyển vốn và lợi nhuận từ đầu tư ra nước ngoài, cam kết không trưng thu, quốc hữu hóa tài sản của nhà đầu tư mà không có bồi thường thỏa đáng…

Đặc biệt, cam kết trong EVIPA được xây dựng chi tiết hơn và tiến bộ hơn so với các Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký với các nước thành viên EU trước đây, giúp Việt Nam đạt được cân bằng giữa việc thu hút đầu tư và bảo vệ lợi ích quốc gia.

Chẳng hạn, có tiêu chí rõ ràng cho từng hành vi mà nhà nước không được thực hiện; bổ sung một số quy định nhằm bảo đảm quyền điều chỉnh chính sách của quốc gia nhận vốn đầu tư, nhất là đối với các chính sách về bảo vệ sức khỏe cộng đồng, an toàn môi trường, người tiêu dùng, đa dạng văn hóa...; xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư thường trực thay cho cơ chế theo vụ việc.

Theo đó, tranh chấp được giải quyết tại cơ quan xét xử thường trực với 2 cấp xét xử sơ cấp và phúc thẩm với các thành viên do Việt Nam và EU lựa chọn…

Vì vậy, việc ký kết EVIPA là một thắng lợi to lớn trong quan hệ kinh tế, chính trị và đầu tư quốc tế của Việt Nam, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, từ đó thúc đẩy vốn đầu tư từ EU và các nước khác vào Việt Nam trong giai đoạn tới.

Theo ông, khi vốn đầu tư từ EU đổ mạnh vào Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có những khó khăn gì? Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp Việt Nam cần có sự chuẩn bị như thế nào?

Thực tế đã cho thấy, trong bất kỳ hoàn cảnh nào thuận lợi và thách thức luôn đan xen. Tuy các doanh nghiệp Việt Nam còn có các điểm yếu hơn so các doanh nghiệp - nhà đầu tư đến từ EU như phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu vốn, thiếu công nghệ kỹ thuật cao, kinh nghiệm quản lý và thông tin về thị trường còn thấp hơn các nhà đầu tư EU... Nhưng ham học hỏi, thông minh và quyết tâm vươn lên thì doanh nghiệp Việt Nam không thiếu.

Cơ hội ở đây là các nhà đầu tư EU có công nghệ, vốn, thị trường và có tâm trong kinh doanh cũng như ý thức trách nhiệm trong đầu tư quốc tế nhất là trong việc minh bạch thực thi luật pháp, cam kết đầu tư kinh doanh tại nước sở tại...

Vì vậy, nếu các doanh nghiệp Việt Nam biết nắm bắt cơ hội từ EVFTA và EVIPA mang đến, biết liên kết để có đủ vốn, kinh nghiệm quản trị và nắm bắt được xu thế thị trường quốc tế, tận dụng được các ưu đãi mà Chính phủ đang tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt phát triển, tự tin chủ động tìm ra các dự án phù hợp với doanh nghiệp của mình thì các doanh nghiệp Việt sẽ thành công trong hợp tác đầu tư với các nhà đầu tư EU.

Thưa ông, để tận dụng được những cơ hội từ EVIPA, Việt Nam cần phải làm những gì?

Theo tôi, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện, nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư cũng như tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách liên quan đến đầu tư, doanh nghiệp, đất đai, quy hoạch…; đồng thời tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công…

Bên cạnh đó, Việt Nam cần có chương trình hành động quốc gia triển khai Hiệp định quan trọng về đầu tư này để nâng cao chất lượng dòng vốn ngoại vào Việt Nam (không quá chú trọng vào số lượng vốn đăng ký). Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam hướng tới nền kinh tế số và thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 và vẫn còn khoảng 150 tỷ USD vốn FDI đăng ký trong nhiều ngành nghề hiện tại chưa được giải ngân.

Ngoài ra, Việt Nam cần có các giải pháp phù hợp để loại bỏ, phòng tránh các nhà đầu tư nước ngoài khác lợi dụng EVFTA và EVIPA để đầu tư vào Việt Nam nhằm hưởng lợi từ các Hiệp định này, làm ảnh hưởng đến uy tín, sức cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt Nam.

Xin cám ơn ông!

Thúy Hiền (TTXVN (Thực hiện))
Hiệp định EVFTA và EVIPA: Cơ hội cho doanh nghiệp mở rộng thị trường
Hiệp định EVFTA và EVIPA: Cơ hội cho doanh nghiệp mở rộng thị trường

Sáng 1/7, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp cùng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức diễn đàn “Đối thoại về Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu: Cơ hội cho các doanh nghiệp”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN