Theo đó, tháng 5/2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 45,1 nghìn tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: vốn Trung ương quản lý đạt 8,8 nghìn tỷ đồng, tăng 28,4%; vốn địa phương quản lý 36,3 nghìn tỷ đồng, tăng 15,8%.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt hơn 177 nghìn tỷ đồng, bằng 25,5% kế hoạch năm và tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 bằng 24,9% và tăng 10,8%).
Cụ thể, vốn đầu tư thực hiện do Trung ương quản lý ước đạt 33,6 nghìn tỷ đồng, bằng 25,3% kế hoạch năm và tăng 30,2% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư thực hiện do địa phương quản lý ước đạt 143,4 nghìn tỷ đồng, bằng 25,6% kế hoạch năm và tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, 5 tháng đầu năm 2013, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước của một số địa phương có mức tăng cao là: Bình Dương đạt 4,820 tỷ đồng, tăng 95,8%; Hải Phòng đạt 4,313 tỷ đồng, tăng ,9%; TP Hồ Chí Minh đạt 10,260 tỷ đồng, tăng 25,4%...
Tuy nhiên, bên cạnh những địa phương có mức tăng cao, có một số địa phương có mức giảm là: Quảng Ninh đạt 4,729 tỷ đồng, giảm 17,7%; Hà Nội đạt 14,898 tỷ đồng, giảm 4,2%; Nghệ An đạt 3,073 tỷ đồng, giảm 3,6%...
Theo lý giải của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguyên nhân chậm giải ngân vốn của các địa phương hầu hết là do vướng mắc liên quan đến chính sách quy định Luật Đầu tư công, Luật Đất đai. Cùng với đó, vướng mắc nhiều nhất là liên quan đến quản lý đất đai.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, thủ tục thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư phức tạp; trong đó, triển khai tái định cư phức tạp, mất nhiều thời gian. Vì vậy, Bộ này cho rằng, công tác xây dựng nhà ở tái định cư đáng lẽ cần được xem xét xã hội hóa để tháo gỡ đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án nhưng thực tế thì Luật Đất đai không quy định xã hội hóa xây dựng nhà ở tái định cư.
Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong các tháng tiếp theo và đảm bảo chỉ tiêu kết thúc năm 2023 đạt 95% kế hoạch vốn được giao theo Nghị quyết của Chính phủ và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quán triệt và yêu cầu lãnh đạo các địa phương cần vào cuộc, nghiêm túc triển khai các biện pháp tổ chức thực hiện theo Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh trực tiếp chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức triển khai dự án đầu tư công. Đặc biệt, việc bồi thường giải phóng mặt bằng, công tác tái định cư phải đi trước một bước để người có đất bị thu hồi được ổn định đời sống; có cơ chế linh hoạt giao cho họ đất nền để tự làm nhà hoặc nhà nước xây nhà do người dân lựa chọn.
Bên cạnh đó, công tác kiểm đếm, lập phương án đền bù, bồi thường hỗ trợ tái định cư phải làm trước, không chờ phê duyệt dự án mới thực hiện các bước kiểm đếm, lập phương án bồi thường.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng yêu cầu các địa phương tăng cường công tác kiểm tra hiện trường để kịp thời chấn chỉnh, giải quyết khó khăn vướng mắc, ban quản lý dự án, nhà thầu phải có tiến độ tổng thể, chi tiết, cam kết về tiến độ thực hiện dự án.
Các địa phương cũng cần thực hiện công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu theo tháng, phù hợp với diễn biến thị trường, tạo điều kiện để xác định đúng chi phí cho đầu tư công theo đúng hướng dẫn của Bộ Xây dựng. Đồng thời, nâng cao năng lực, trách nhiệm thực thi công vụ, gắn trách nhiệm, đánh giá mức độ hoàn thành công việc với tiến độ thực hiện giải ngân của dự án.
"Kiên quyết cắt giảm vốn các dự án không có khả năng giải ngân để bố trí cho các dự án quyết toán, các dự án hoàn thành nhưng còn thiếu vốn, các dự án có tiến độ giải ngân tốt, đúng quy định pháp luật", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Cùng với đó, các sở, ban ngành, các chủ đầu tư rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật liên quan đến dự án đầu tư công không còn phù hợp với thực tế như pháp luật về đầu tư công, xây dựng, đấu thầu, đất đai, quy hoạch...