Đó là thông tin do đại diện Đội đường sắt Đèo Cả (thuộc Công ty Cổ phần Đường sắt Phú Khánh) cho biết ngày 24/4.
Đây là kết quả của việc kiểm tra và nâng tốc độ dần lên từng đợt. Cụ thể, sau khi xử lý xong sự cố sạt lở hầm, ngành Đường sắt đã tiến hành thử tải và nâng dần tốc độ chạy tàu theo các mức: 5km/giờ - 10km/giờ - 15km/giờ.
Theo Đội đường sắt Đèo Cả, bình thường, các tàu khi qua hầm Bãi Gió có tốc độ tối đa cho phép là 50km/h. Khi triển khai dự án kiên cố hóa hầm này, các nhà thầu đã đăng ký tốc độ tối đa với bên đường sắt cho chạy tàu là 15km/giờ.
Trước đó, ngày 12/4, ngay khi phát sinh sạt lở hầm đường sắt qua đèo Cả, các đơn vị đã khẩn trương vào cuộc xử lý, tăng cường dọn và gia cố vỏ hầm. Tuy nhiên, sau đó lại phát sinh sạt lở ở vị trí đã được xử lý do địa chất bên trên lớp vỏ hầm có kết cấu yếu. Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các đơn vị lập tổ chỉ huy tiền phương, tổ công tác của Bộ cùng với các chuyên gia, đơn vị họp thống nhất phương án kiên cố hóa vỏ hầm, củng cố địa chất trên vỏ hầm để chống sạt lở.
Đến 18 giờ 15 phút ngày 21/4, đường sắt Bắc - Nam qua khu vực đã được thông tuyến, tàu chạy bình thường. Hầm đường sắt qua đèo Cả có chiều dài khoảng 400m, được người Pháp xây dựng từ năm 1936. Sau gần 100 năm khai thác, sử dụng, hầm đã xuống cấp nặng và hiện đang được sửa chữa, gia cố theo gói thầu số 11A, dự án “Gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang”.
Liên quan đến cải tạo, sửa chữa các hầm đường sắt, trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Trần Thiện Cảnh, Cục trưởng Cục Đường sắt cho biết, hiện nay, đường sắt quốc gia có 39 hầm đường sắt; trong đó tuyến đường sắt Bắc - Nam chiếm 27 hầm. Việc cải tạo, sửa chữa các hầm đường sắt cũng như cơ sở hạ tầng đường sắt nói chung còn gặp nhiều hạn chế do nguồn kinh phí hàng năm chỉ đáp ứng được khoảng 40 - 50% so với nhu cầu thực tế.
Sự cố tại hầm Bãi Gió đã gây ra thiệt hại nặng nề cho hạ tầng và giao thông vận tải đường sắt. Khoảng 30 ngàn hành khách trên 110 chuyến tàu đã phải chuyển tải bằng ô tô qua đèo Cả, mất thêm thời gian và kinh phí. Hàng chục chuyến tàu hàng cũng phải trung chuyển hàng hóa qua điểm sạt lở.