Theo đó, kinh tế Việt Nam dự báo tăng trưởng 6,1% trong năm 2024 và 6,5% trong hai năm 2025 và 2026, cao hơn so với mức 5% của năm 2023, theo báo cáo Điểm lại.
Báo cáo cho thấy khả năng chống chịu của kinh tế Việt Nam trong bối cảnh thách thức ngày càng gia tăng trên toàn cầu. Với tiêu đề "Vươn tới tầm cao mới trên thị trường vốn", báo cáo ghi nhận nền kinh tế vẫn chưa quay lại lộ trình tăng trưởng như giai đoạn trước đại dịch. Do đó, cần đẩy mạnh đầu tư công để vừa kích cầu ngắn hạn, vừa góp phần giải quyết vấn đề thiếu hụt hạ tầng - đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng, giao thông và logistics - vốn đang là nút thắt cản trở tăng trưởng. Bên cạnh đó, báo cáo cũng cho rằng cần theo dõi sát sao chất lượng tài sản của các ngân hàng do nợ xấu gia tăng.
"Trong nửa đầu năm nay, kinh tế Việt Nam được hưởng lợi do nhu cầu hàng xuất khẩu phục hồi. Để duy trì đà tăng trưởng từ nay đến cuối năm và các năm tới, các cấp có thẩm quyền cần tiếp tục cải cách thể chế, đẩy mạnh đầu tư công, đồng thời quản lý, giảm sát các rủi ro trong thị trường tài chính", ông Sebastian Eckardt, Trưởng Ban Kinh tế Vĩ mô, Thương mại và Đầu tư khu vực Đông Á Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới cho biết.
Phát biểu tại buổi họp báo, bà Dorsati Madani, Chuyên gia Kinh tế cấp cao của WB tại Việt Nam, cho rằng dự báo tăng trưởng 6,1% là rất tích cực, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn chưa quay về quỹ đạo tiềm năng đầy đủ. Bà Madani cho rằng sau khi phục hồi mạnh trong nửa đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam sẽ chậm lại trong thời gian tới, chịu ảnh hưởng từ xu hướng tăng trưởng chậm lại của các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.
Đại diện của WB khuyến nghị Việt Nam cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công để tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế. Bên cạnh đó, cần khuyến khích các ngân hàng cải thiện hệ số an toàn vốn, đồng thời cải thiện xây dựng hạ tầng để thu hút đầu tư tư nhân. Việc đa dạng hóa thương mại để tăng cường hội nhập hơn nữa cũng sẽ là yếu tố giúp cải thiện khả năng chống chịu của kinh tế Việt Nam.