Mục tiêu phấn đấu tới năm 2030, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân cả nước sẽ đạt trên 6,5%/năm. Tốc độ tăng năng suất lao động của các vùng kinh tế trọng điểm và 5 thành phố trực thuộc Trung ương cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động trung bình cả nước trong giai đoạn 2023-2030; phấn đấu nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á về tốc độ tăng năng suất lao động; tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo tăng trung bình 15%/năm đến năm 2025 và tăng trung bình 20%/năm đến năm 2030...
Đánh giá thực trạng năng suất lao động ở Việt Nam hiện nay, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế kiêm Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết: Tại nhiều doanh nghiệp hiện nay đang ghi nhận chất lượng lao động khá thấp. Đây là 1 thách thức lớn khi tỷ lệ người lao động có trình độ từ cao đẳng hoặc đại học trở lên chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 15%. Chất lượng lao động còn có thể xem xét qua thước đo là năng suất lao động, thể hiện qua số lượng sản phẩm được tạo ra tính trên một đơn vị người lao động làm việc hoặc giờ lao động.
Đồng quan điểm, TS.Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định: năng suất lao động của Việt Nam đã thu hẹp được khoảng cách tương đối với các nước trong khu vực ASEAN có trình độ phát triển cao hơn. Tuy vậy, vẫn thấp hơn nhiều so với năng suất lao động của Singapore, Malaysia, Thái Lan chứ chưa nói tới nhiều quốc gia khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc hay Anh, Pháp, Mỹ.... Năng suất lao động của Việt Nam thấp là do cơ cấu lao động theo ngành kinh tế chưa hợp lý, chưa phát huy được vai trò chủ đạo của năng suất lao động nội ngành. Năng suất lao động của khu vực doanh nghiệp thấp, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh còn hạn chế, máy móc thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu; nguồn nhân lực còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao năng suất lao động để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Để hòa nhịp với xu hướng thay đổi của kinh tế thế giới và cũng để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, theo TS. Nguyễn Bích Lâm cần định kỳ đánh giá, bổ sung và cập nhật Chương trình quốc gia về năng suất lao động cho phù hợp với những biến đổi của kinh tế thế giới. Chỉ có tăng năng suất lao động một cách vượt trội, Việt Nam mới có thể cạnh tranh với các nền kinh tế trong khu vực và thế giới. Cùng với đó, các ngành và địa phương cần chủ động dự báo những biến cố hoặc đánh giá tác động của những cơ hội, thách thức đến từ những thay đổi của nền kinh tế toàn cầu - yếu tố ngoại sinh đối với Việt Nam. Từ đó, đưa ra những giải pháp giúp ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao năng suất lao động và thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững.
TS.Nguyễn Bích Lâm khuyến nghị cần tiếp tục cải cách và hoàn thiện thể chế nhanh hơn, hiệu quả hơn để khơi thông và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực. Đồng thời, tạo môi trường pháp lý đồng bộ để tất cả các loại thị trường đều phát triển và cạnh tranh lành mạnh; xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi và đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện giải pháp đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới.
Song song đó, hoàn thiện Chiến lược tăng trưởng hướng tới xuất khẩu để tận dụng tối đa lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do hay xây dựng Chiến lược quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ, ưu tiên nhóm công nghệ số, công nghệ cao, thiết kế hay đổi mới sáng tạo...
Về phía các doanh nghiệp, TS.Nguyễn Bích Lâm cho rằng, mỗi doanh nghiệp cần xây dựng và thực thi chiến lược nâng cao năng suất lao động dựa vào tri thức, công nghệ; tập trung đầu tư cho đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất và quản trị doanh nghiệp. Cùng với đó, liên tục tích cực đổi mới quy trình sản xuất, sắp xếp lại quy mô doanh nghiệp cho phù hợp với từng ngành và từng vùng kinh tế.
Doanh nghiệp cũng cần đánh giá cụ thể từng công đoạn của quy trình sản xuất để cơ cấu lại bức tranh lao động của doanh nghiệp mình; phát triển quy trình sản xuất tự động hoặc đầu tư sử dụng robot công nghiệp và trí tuệ nhân tạo giúp nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, năng suất lao động luôn là một thách thức và phụ thuộc rất nhiều vào trình độ, năng lực, kỹ năng cũng như chuyên môn của người lao động. Vì vậy giáo dục người dân, phổ cập và nâng cao trình độ, chất lượng của hệ thống giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực; trong đó, có định hướng ưu tiên đào tạo các tài năng, kỹ năng mới nổi cũng sẽ là quốc sách hàng đầu đối với Việt Nam trong giai đoạn phát triển kế tiếp.