Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng về cơ sở, chính sách vượt trội và sự kỳ vọng từ Khu kinh tế - Thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan.
Thưa ông, việc xây dựng Đề án Khu kinh tế - Thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan (Đề án) có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển của Quảng Trị thời gian tới. Vậy Đề án được xây dựng trên cơ sở pháp lý và thực tiễn như nào?
Quảng Trị có lợi thế nằm ở điểm đầu về phía Việt Nam trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây, tiếp giáp với nước bạn Lào và các nước khác trong khu vực. Ngày 3/11/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về “Phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó xác định: “Đẩy mạnh hợp tác kinh tế qua các cửa khẩu trong vùng gắn với Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC). Nghiên cứu thí điểm mô hình khu kinh tế cửa khẩu qua biên giới trên EWEC”.
Trong Quy hoạch Tổng thể quốc gia được Quốc hội thông qua năm 2023 đã cập nhật các khu thương mại xuyên biên giới trên tuyến EWEC. Các Nghị quyết của Tỉnh ủy Quảng Trị, Chương trình hành động và ý kiến kết luật của Thủ tướng Chính phủ, của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến làm việc tại Quảng Trị; Đồ án quy hoạch chung tỉnh Quảng Trị đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 cũng đều xác định chiến lược, vai trò, vị trí và còn nhiều dư địa của tuyến EWEC, nhất kế thừa Khu kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo và Khu thương mại Densavan. Nhận thấy tầm quan trọng của Đề án, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị đã thành lập Tổ công tác (Tổ 626) để xây dựng Đề án Khu kinh tế - Thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan. Phía tỉnh Savannakhet cũng thành lập Tổ công tác để cùng phối hợp xây dựng Đề án.
Trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào dài 2.067 km hiện đã hình thành 8 cặp cửa khẩu quốc tế; trong đó, chỉ riêng tỉnh Quảng Trị có 2 cửa khẩu quốc gồm Lao Bảo và La Lay. Cũng trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào, chỉ duy nhất ở khu vực cửa khẩu Lao Bảo - Densavan đã thành lập 2 khu kinh tế (Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo và Khu thương mại biên giới Densavan) đối xứng nhau. Đây là điều kiện thuận lợi để hai tỉnh Quảng Trị và Savannakhet đề xuất Chính phủ hai nước cho phép thí điểm xây dựng Khu kinh tế - Thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan, qua đó mở ra triển vọng hợp tác ở nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam - Lào.
Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo thành lập từ năm 1998. Khu kinh tế thương mại đặc biệt này có tổng diện tích trên 15.800 ha, trải dài qua 5 xã và 2 thị trấn dọc tuyến EWEC đoạn qua huyện Hướng Hóa. Đây là mô hình kinh tế tổng hợp, vừa mang tính chất như khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế cửa khẩu và là “khu phi thuế quan đặc biệt” được áp dụng cơ chế, chính sách thí điểm với mức ưu đãi cao nhất theo quy định hiện hành của luật pháp Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia.
Trải qua 25 năm, Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo Bảo thu hút trên 880 tỷ đồng từ ngân sách đầu tư vào hệ thống kết cấu hạ tầng với 50 công trình; đồng thời thu hút gần 3.700 tỷ đồng của doanh nghiệp đầu tư vào các dự án sản xuất, kinh doanh với gần 60 dự án. Chính sách ưu đãi đã giúp Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo có những đổi thay mạnh mẽ về hạ tầng, dịch vụ. Lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, người và phương tiện xuất nhập cảnh ra vào khu kinh tế thương mại đặc biệt này ngày càng tăng; qua đó thúc đẩy hoạt động giao thương trên tuyến EWEC qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, giúp tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, tạo lan tỏa trong kết nối vùng và quốc tế.
Ngoài ra Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo và Khu thương mại biên giới Densavan đã góp phần làm thay đổi diện mạo khu vực biên giới hai nước Việt Nam - Lào nói chung, sự phát triển ở vùng biên giới hai tỉnh Quảng Trị và Savannakhet nói riêng. Bên cạnh những kết quả đạt được, Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo còn có những hạn chế, bất cập cần được tháo gỡ về cơ chế chính sách để tiếp tục tạo động lực cho khu vực Cửa khẩu Lao Bảo - Densavan phát triển tương xứng với tiềm năng, phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu.
Như ông đã đề cập là cần có cơ chế, chính sách vượt trội ở khu vực Cửa khẩu Lao Bảo - Densavan để phát triển tương xứng với tiềm năng. Vậy những chính sách vượt trội dự kiến được thực hiện ở Khu kinh tế - Thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan là gì, thưa ông?
Đề án chúng tôi thiết kế có kết cấu 3 phần chính gồm: Thứ nhất giới thiệu tiềm năng, dư địa và cơ sở pháp lý để xây dựng Khu Kinh tế - Thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan. Thứ hai là so sánh những chính sách hiện hành giữa Việt Nam và Lào, để đề ra chủ trương chính sách vượt trội như: Quy trình thủ tục thu hút đầu tư, chính sách tín dụng, chính sách cho người lao động và chính sách khu phi thuế quan. Thứ ba là phối hợp để ban hành một Hiệp định song phương giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào, đồng bộ và tương thích với pháp luật; trong đó có những chính sách vượt quy định của pháp luật thì phải báo cáo với Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội của hai nước cho ý kiến trước khi Hiệp định ban hành.
Về vận hành, dự thảo Đề án Khu kinh tế - Thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan, dự kiến xây dựng mô hình “hai nước một khu kinh tế”; có chung cơ chế, chính sách và quản lý vận hành; có chính sách ưu đãi đặc biệt với nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi; tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.
Trên cơ sở tuân thủ yêu cầu pháp lý của cả hai bên và thông lệ quốc tế, Khu kinh tế - Thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan thống nhất trong một quy hoạch khu vực chung, tổ chức và vận hành chung, xây dựng hạ tầng chung trong khu trung tâm, cơ sở hạ tầng kết nối trong và ngoài khu trung tâm; tạo thuận lợi cho kết nối vận tải, logistics xuyên biên giới; thiết lập và triển khai cơ chế “ba trong một”. Đó là đồng chính sách, đồng quy tắc, đồng tiêu chuẩn và một chung là chung một khu; áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi cao nhất mà Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào đang áp dụng tại các khu kinh tế, thương mại hai nước.
Các cơ chế chính sách đặc biệt mới, hấp dẫn về đầu tư, giải pháp “phi thuế quan” của hai nhà nước Việt Nam - Lào sẽ khắc phục những rào cản, tạo thuận lợi về lao động, thủ tục đầu tư, vay vốn cho các dự án, thu hút doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đến đầu tư.
Thưa ông, tỉnh Quảng Trị đã và đang chuẩn bị những gì để xây dựng và thực hiện thành công Đề án Khu kinh tế - Thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan, cũng như kỳ vọng của địa phương về mô hình này?
Tỉnh đã và đang huy động nguồn vốn đầu tư, thu hút đầu tư để phát triển hạ tầng giao thông kết nối từ khu vực đồng bằng lên Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Đó là các dự án: Đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo dài 56 km, tổng vốn đầu tư khoảng gần 14.000 tỷ đồng; nâng cấp Quốc lộ 9 (hiện 2 làn đường) thêm 2 làn đường để người dân, du khách và phương tiện vận chuyển hàng hóa di chuyển thuận lợi hơn; thu hút đầu tư xây dựng hệ thống kho bãi, chợ biên giới, dịch vụ hậu cần logistics; xây dựng khu vực tập kết, trung chuyển hàng hóa Việt Nam, xuất nhập khẩu hàng hóa của các nước trên EWEC qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Densavan. Trong tương lai cũng tính đến việc xây dựng tuyến đường sắt Đông Hà - Lao Bảo kết nối với tuyến đường sắt Densavan - Savannakhet của nước bạn Lào, qua đó hình thành tuyến đường sắt trên EWEC.
Để hoàn thiện Đề án, giữa tháng 3/2024, hai tỉnh Quảng Trị và Savannakhet phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Densavan, nhằm khảo sát thực địa với sự tham gia của các nhà khoa học, nhà quản lý, lãnh đạo bộ, ngành của hai nước Việt Nam - Lào, qua đó nghiên cứu vị trí để đưa vào quy hoạch chung, hình thành một khu thương mại xuyên biên giới; đồng thời thảo luận mở để tham vấn, góp ý trực tiếp vào Đề án và dự thảo Hiệp định song phương giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào, để tiếp tục hoàn thiện và báo cáo Chính phủ hai nước.
Thời gian qua, chúng tôi đã dày công nghiên cứu, tham vấn chuyên gia và nhà khoa học, doanh nghiệp để tổng hợp dư địa có thể phát triển được như: phát triển vùng nguyên liệu nông lâm nghiệp; phát triển điện gió; quỹ đất để thu hút các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo, công nghiệp công nghệ cao; đặc biệt là sản phẩm hàng hóa của các nước trên thế giới nhập vào khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung, để hưởng ưu đãi về thuế quan. Kỳ vọng ở Đề án là xây dựng vùng biên giới Lao Bảo - Densavan trở thành điểm nhấn ở đầu cầu của Hành lang kinh tế Đông - Tây về phía Việt Nam là mô hình kiểu mẫu về thương mại xuyên biên giới quốc gia, theo đúng Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị và Quy hoạch tổng thể quốc gia.
Ngược dòng thời gian, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đường 9 tức EWEC là tuyến đường huyền thoại về ý chí, khát vọng Độc lập - Tự do - Thống nhất đất nước. Ngày nay EWEC nằm trong “hệ thống mạch máu” giao thông vùng duyên hải miền Trung, trở thành hành lang kinh tế nối Việt Nam - Lào - Thái Lan và Myanmar, nối đôi bờ Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương như biểu tượng, động lực cho quan hệ hữu nghị, hợp tác và phát triển; góp phần hiện thực hóa khát vọng hùng cường, thịnh vượng của đất nước. Việc xây dựng thành công Khu kinh tế - Thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan, cũng góp phần thắt chặt mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”.
Trân trọng cảm ơn ông!