Tại diễn đàn Thương hiệu biển Việt Nam lần IV với chủ đề “Tiềm năng kinh tế và sinh thái môi trường các đảo, quần đảo Việt Nam” do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 7/6, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhiều ý kiến cho rằng, cần tăng tốc phát triển kinh tế biển đảo.
Dồi dào tiềm năng
Với diện tích vùng biển và thềm lục địa rộng hơn 1 triệu km2, Việt Nam lại có chiều dài bờ biển hơn 3.260 km, khoảng 4.000 đảo và quần đảo lớn nhỏ phân bổ ở hầu khắp các tỉnh ven biển từ Bắc đến Nam. Dọc bờ biển có hơn 100 cảng biển; 48 vũng, vịnh có vị trí chiến lược; 125 bãi biển có cảnh quan thiên nhiên đẹp...
Mô hình nuôi tôm trên cát ở các huyện ven biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. |
“Đây là những khu vực lãnh thổ đặc biệt, gắn kết chặt chẽ với biển và vùng ven biển tạo thành một thể tự nhiên thống nhất của nước ta. Xuất phát từ những điều kiện này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về Chiến lược biển đến năm 2020, trong đó xác định kinh tế biển, đảo là 1 trong 5 bước đột phá về tăng trưởng; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển vùng biển, ven biển, hải đảo và phát triển nội địa theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa…”, ông Chu Phạm Ngọc Hiển, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết.
Một trong số tài nguyên biển quan trọng của nước ta là dầu khí, khi hơn 1/2 diện tích vùng biển được xác định triển vọng có dầu khí và chiếm đến 25% tổng trữ lượng dầu dưới đáy Biển Đông. Ngoài hơn 370.000 ha mặt nước các loại có khả năng nuôi trồng thủy sản, vùng biển còn có nhiều khoáng sản quý như cát thủy tinh, thiếc, đất hiếm… Năm 2011, chỉ tính riêng về xuất khẩu thủy sản đã đạt gần 5 tỷ USD; du lịch những vùng ven biển ước tính hơn 4,4 tỷ USD; doanh thu từ xuất khẩu dầu thô khoảng 12,1 tỷ USD… “Thu nhập từ kinh tế biển đang mang lại những giá trị to lớn cho nền kinh tế. Được xếp vào nhóm quốc gia có tiềm năng lớn về phát triển kinh tế thủy sản trong khu vực và quốc tế, vùng biển Việt Nam được đánh giá là 1 trong 10 trung tâm đa dạng sinh học biển, 1 trong 20 vùng biển có nguồn lợi hải sản giàu có nhất toàn cầu”, ông Hiển nói thêm.
Xây dựng thương hiệu cho biển
Tiềm năng biển của nước ta rất lớn nhưng hiệu quả khai thác chưa được như mong đợi. Thực tế cho thấy, giá bán sản phẩm thủy sản trong nước thường thấp hơn so với những sản phẩm cùng loại của các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaixia… Nguyên nhân chính là do thương hiệu thủy sản quốc gia “Made in Vietnam” chưa thật sự tạo được niềm tin và đi vào lòng người tiêu dùng, đặc biệt ở những thị trường khó tính như Bắc Âu, Bắc Mỹ… Theo TS Phạm Anh Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản - khách hàng ngày càng có ý thức cao trong định hướng tiêu thụ sản phẩm. Các sản phẩm thủy sản phải sạch, được khai thác, nuôi trồng, bảo quản, chế biến thân thiện với môi trường. Quốc gia xuất khẩu phải áp dụng những biện pháp bảo vệ, bảo tồn những hệ sinh thái và các loài động thực vật thủy sản quý cũng như thúc đẩy được hoạt động kinh tế thủy sản phát triển bền vững… Dựa trên các yêu cầu trên, thương hiệu biển cho sản phẩm thủy sản của Việt Nam đang được các ngành chức năng xúc tiến xây dựng, trong đó yếu tố về chất lượng được đặt lên hàng đầu.
Nuôi cá lồng tại huyện Cát Hải (Hải Phòng). Ảnh: An Đăng – TTXVN |
Có cái nhìn trực diện hơn, ông Trần Ngọc Thới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho rằng các sản phẩm biển hiện vẫn chưa thật sự thân thiện với môi trường như yêu cầu khắt khe của nhiều đối tác; trong khi đó, hiện trạng môi trường biển chưa được giải quyết triệt để dẫn đến gia tăng tình trạng ô nhiễm, tác động không nhỏ đến chất lượng, hình ảnh sản phẩm biển của nước ta. Hiện việc xây dựng thương hiệu biển chỉ dừng ở cấp độ từng ngành, từng địa phương, mà chưa có sự thống nhất phương án hoặc liên kết thực hiện, tạo hình ảnh xuyên suốt. “Nhu cầu ngày càng khó tính của thị trường, đặc biệt là ngành thủy hải sản đang đòi hỏi chúng ta phải có thương hiệu xứng tầm. Việc tạo dựng và khai thác tốt giá trị thương hiệu sẽ giúp doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh hơn và tạo điều kiện Việt Nam hội nhập với các nước trong khu vực và thế giới sâu rộng hơn. Muốn được như trên, các ngành chức năng, địa phương có biển cần ngồi lại, nghiêm túc tìm một tiếng nói chung về xây dựng, quảng bá cũng như nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng hưởng lợi từ thương hiệu biển”- ông Thới đề nghị.
Thương hiệu biển Việt Nam được nhìn nhận như là sự hòa quyện giữa con người và các lợi ích từ biển, cũng như hình ảnh những vùng ven biển, từng hòn đảo, sản phẩm do con người tạo dựng ra… Xu thế chung trên thế giới hiện nay và tương lai, người tiêu dùng khó tính thường nhìn từ góc độ tài nguyên, môi trường, trong đó hướng nhiều đến thương hiệu và sản phẩm hàng hóa dưới dạng truy xuất nguồn gốc không còn cấp độ địa phương như trước đây mà nâng tầm cao hơn ở cấp độ quốc gia. Ông Tuấn cho biết: “Thể hiện rõ Việt Nam là một quốc gia có trách nhiệm trong việc quản lý hoạt động khai thác thủy sản theo hướng bền vững đi kèm với bảo vệ tốt môi trường, nguồn tài nguyên, tiến tới xây dựng thương hiệu biển hiệu quả… Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng, trình Chính phủ ban hành và tổ chức, triển khai thực hiện nhiều quy định về khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Trước đó, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cũng đã xúc tiến xây dựng một "bộ công cụ" nhận dạng thương hiệu biển bao gồm biểu trưng, giấy chứng nhận xanh, những tiêu chí nhận dạng cho các loại thương hiệu cấp quốc gia…”.
Phát triển kinh tế hải đảo
Khác với thời gian dài trước đây khi quy mô kinh tế còn nhỏ lẻ, hoạt động kinh tế chủ yếu xoay quanh 2 lĩnh vực đánh bắt, chế biến thủy hải sản và sản xuất nông nghiệp; những năm gần đây hoạt động kinh tế của các huyện đảo, xã đảo đang trở nên sôi động hơn. Nhờ vào yếu tố thuận lợi về vị trí địa lý, sự phong phú các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên đảo và các vùng biển bao quanh, hiện những ngành kinh tế đặc trưng như: nghề cá, du lịch và dịch vụ biển đang phát triển mạnh và trở thành nguồn thu nhập chính của người dân địa phương. Trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, trước mắt chủ trương của Chính phủ sẽ tập trung xây dựng một số đảo có điều kiện để tạo sự bứt phá, nhanh chóng hình thành các sản phẩm mũi nhọn phù hợp với lợi thế như du lịch, dịch vụ biển, khai thác và nuôi trồng hải sản… để nâng cao mức đóng góp của kinh tế đảo vào cơ cấu kinh tế chung.
Theo khảo sát của ngành nông nghiệp, hiện nhiều đảo có tiềm năng đã và đang có sự chuyển dịch mạnh về kinh tế, tạo nguồn thu không nhỏ và là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế của nhiều địa phương. Cụ thể như các đảo: Cô Tô, Phú Quý, Côn Đảo… đã xây dựng những khu vực tránh gió bão, hình thành những xưởng sửa chữa tàu thuyền, thu mua sản phẩm và gia công chế biến nhằm hỗ trợ và thúc đẩy nghề cá xa bờ. Với các đảo khu vực Bái Tử Long, Phú Quốc, Cát Hải… đã sớm phát triển loại hình du lịch, thể thao thu hút đông đảo khách du lịch. Đặc biệt, nhiều đảo còn gắn với những khu bảo tồn biển như: Vịnh Nha Trang (Khánh Hoà), Cồn Cỏ (Quảng Trị)… Sự phát triển của các hải đảo không chỉ giúp người dân ổn định được cuộc sống mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh quốc phòng và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.
PGS TS. Bùi Tất Thắng thuộc Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho rằng, lĩnh vực ưu tiên trước hết là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng trên các đảo. Đây là khâu đột phá để thu hút đầu tư và khuyến khích người dân ra định cư và lao động dài ngày. Trong hệ thống kết cấu hạ tầng, lĩnh vực giao thông cần chú trọng phát triển, kể cả những công trình kết nối với đất liền và các tuyến nội bộ. Song song đó cần khảo sát, chọn ra những đảo lớn, mang ý nghĩa trọng điểm về kinh tế để có sự đầu tư thỏa đáng, tạo sự bứt phá về phát triển kinh tế mang tầm cỡ khu vực và quốc tế. “Ví dụ như có thể đầu tư phát triển đảo Phú Quốc (Kiên Giang) trở thành điểm nhấn của tam giác kinh tế ở phía nam; cụm đảo Vân Đồn (Quảng Ninh) thành hạt nhân của Vòng cung kinh tế quan trọng ở vùng biển Đông Bắc; cụm đảo Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) thành khu kinh tế - du lịch và dịch vụ chất lượng cao; cụm đảo Cát Bà - Cát Hải (Hải Phòng) là trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá của vùng Bắc bộ…”, ông Thắng gợi ý.
Lê Nghĩa