Tại hội thảo, các đại biểu đã tâp trung thảo luận về những cơ hội, thách thức cũng như tiềm năng, lợi thế về thương mại và đầu tư của ngành chè Việt Nam. Từ đó, đề xuất những những giải pháp phù hợp nhằm thúc đẩy phát triển ngành chè theo hướng bền vững; phát triển thương hiệu chè gắn với phát triển du lịch ẩm thực, du lịch nông nghiệp.
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Việt Nam là nước có lợi thế sản xuất chè, đây cũng là ngành hàng chủ lực của Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về sản lượng chè xanh và thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu chè. Ngành chè Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển khi tận dụng phát huy các lợi thế trong sản xuất và chế biến chè.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, cần tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành chè theo hướng tăng năng suất đảm bảo chất lượng đa dạng hóa sản phẩm gia tăng giá trị xuất khẩu, phát triển cảnh quan sản xuất chè gắn với du lịch nông nghiệp. Bên cạnh đó, tăng cường các biện pháp khuyến khích các địa phương phát triển thương hiệu chè, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý đối với các vùng sản xuất chè cổ, chè đặc sản.
Đồng thời, tập trung đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chọn tạo và áp dụng trồng các giống chè mới có năng suất cao, bảo tồn các giống chè bản địa, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, để tăng năng suất, phẩm cấp để nâng cao phục vụ nội tiêu và xuất khẩu.
Theo ông Ramaz Chanturiya, Chủ tịch Hiệp hội chè Nga, để phát triển ngành chè cần thúc đẩy những nhà sản xuất lớn khi có hỗ trợ về thuế để tạo ra những đơn vị/nông hộ trồng chè quy mô nhỏ, trồng và tạo ra chè đẳng cấp, chất lượng, tạo ra những câu chuyện marketing về chè cho từng đơn vị, phù hợp với những thị trường chè chủ chốt. Cung cấp hỗ trợ cho các nông trang cùng tham gia những hội chợ quy mô lớn, ít nhất 3 năm liên tiếp. Đồng thời, tạo ra hệ thống kiểm soát xuất khẩu chè cao cấp, chất lượng; xây dựng một công ty quy mô lớn để thúc đẩy chè Việt Nam chất lượng đẳng cấp cả trong nước và nước ngoài.
Năm 2018, diện tích trồng chè của Việt Nam đạt khoảng 125.000 ha, tập trung nhiều ở Thái Nguyên, Hà Giang, Phú Thọ, Tuyên Quang, Lâm Đồng, Yên Bái...; trong đó, diện tích chè kinh doanh là 110.000 ha. Sản lượng chè xanh của Việt Nam hiện đứng thứ 2 thế giới sau Trung Quốc, khoảng 935.000 tấn/năm. Khối lượng xuất khẩu chè chính ngạch năm 2018 ước đạt 145.000 tấn với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 245 triệu USD. Tiêu thụ trong nước khoảng 45.000 tấn, doanh thu 5.500 tỷ đồng.
Hiện nay, Việt Nam có hơn 100 giống chè; nhiều mô hình chuỗi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ gắn với tiêu thụ, phát triển thương hiệu chè. Việc phát triển du lịch trên các đồi chè có cảnh quan đẹp đã được phát triển tại Đà Lạt, Mộc Châu và văn hóa ẩm thực tỉnh Thừa Thiên – Huế, bước đầu có hiệu quả. Tuy nhiên, ngành chè vẫn còn nhiều khó khăn thách thức như thiếu hụt nguồn lao động trong nông nghiệp do phải cạnh tranh với các ngành kinh tế khác; giảm diện tích do phải cạnh tranh với các cây trồng khác.