Đồng thời, xem xét có thể nâng tốc độ tối đa cho phép để đồng nhất 120km/giờ với tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Sau gần 1 tháng phát vé không thu tiền để thử nghiệm việc thu phí, từ 0 giờ ngày 15/10, Công ty cổ phần BOT cầu Bạch Đằng đã chính thức tổ chức thu phí đối với các phương tiện qua cầu Bạch Đằng để thu hồi vốn đầu tư.
Cầu Bạch Đằng và đường dẫn, nút giao thông cuối tuyến là dự án giao thông trực tiếp nối hai tỉnh Quảng Ninh với thành phố Hải Phòng, được khởi công xây dựng vào tháng 9/2014 theo hình thức BOT (Xây dựng - khai thác - chuyển giao) vố tổng mức đầu tư 7.277 tỷ đồng, do Công ty cổ phần BOT cầu Bạch Đằng làm chủ đầu tư (gồm liên danh 7 công ty).
Đây là cây cầu lớn nhất nằm trên tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, góp phần làm rút ngắn quãng đường, giảm thời gian lưu thông từ Hải Phòng đi Quảng Ninh xuống gần 1/2 so với việc lưu thông trên Quốc lộ 18 và Quốc lộ 10.
Từ đầu tháng 9 vừa qua, Quảng Ninh đã đưa cầu Bạch Đằng cũng như tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng vào hoạt động, góp phần kết nối thuận lợi Quảng Ninh với các tỉnh phía Bắc. Từ đó, tạo điều kiện đi lại an toàn cho nhân dân, làm giảm sức ép về giao thông đối với các tuyến quốc lộ 10, 18.
Có 5 mức thu áp dụng cho từng loại phương tiện, dao động từ 35.000 - 180.000 đồng/lượt. Mức phí sẽ được điều chỉnh theo phương án tài chính sau 3 năm/lần, hệ số tăng 1,18% bắt đầu áp dụng từ năm 2021.
Theo báo cáo từ Công ty cổ phần BOT Cầu Bạch Đằng, việc đầu tư, xây dựng, nghiệm thu công trình đều đã hoàn thành. Đơn vị đã xây dựng đầy đủ các thủ tục pháp lý để đưa vào thu phí hoàn vốn công trình như: quy trình tổ chức quản lý, khai thác và bảo trì; thực hiện thẩm tra an toàn giao thông, hệ thống biển báo, thiết bị tín hiệu, chỉ dẫn giao thông giai đoạn trước khi đưa vào khai thác; tuyển dụng và đào tạo nhân sự, vận hành chạy thử Trạm thu phí; triển khai tổ chức đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, các phương án cứu nạn, cứu hộ, phòng cháy chữa cháy...