Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước, diện tích cây điều trên địa bàn tỉnh gần 152.000 ha, năng suất 1,15 tấn/ha, sản lượng 170.000 tấn. Cây điều là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Bình Phước.
“Nhiều năm gần đây, trên địa bàn xuất hiện những mô hình trồng xen canh dưới tán điều gồm các loại cây trồng, vật nuôi để gia tăng hiệu quả sản xuất như: trồng xen canh ca cao, hồ tiêu, cà phê, cây ăn trái; chăn nuôi gà, nuôi vịt khô dưới tán điều; tận dụng quỹ đất trống dưới tán điều để làm chuồng trại nuôi gia súc như: trâu, bò, dê...
Tuy nhiên, diện tích trồng xen canh, chăn nuôi dưới tán còn rất hạn chế do các đối tượng trồng xen canh chủ yếu cần nước tưới, chăn nuôi dưới tán yêu cầu vùng sản xuất phải đáp ứng các điều kiện về vệ sinh an toàn dịch bệnh”, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Phước cho biết.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp Bình Phước, hiện nay trên địa bàn có khoảng 8.000 ha cây trồng được trồng xen canh đa canh dưới tán điều; trong đó chủ yếu là cà phê, ca cao và một số loại cây ăn trái. Một số ít nông hộ nuôi gà thả dưới tán điều để phục vụ sinh hoạt gia đình.
Điển hình như mô hình trồng xen ca cao dưới tán điều của hộ gia đình tại xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng. Với diện tích 4,5ha, hộ gia đình trên đã trồng xen ca cao dưới tán điều. Mỗi năm vườn điều cho sản lượng khoảng 10 tấn hạt, thu nhập 200 triệu đồng. Ngoài ra, dưới tán điều trồng xen hơn 1.000 cây ca cao, cho thu nhập hơn 150 triệu đồng. “Nhờ được hưởng lợi từ nước tưới và phân bón từ chăm sóc ca cao, nên năng suất cây điều đã tăng gần gấp đôi so với trồng độc canh như trước đây”, hộ gia đình trên cho biết.
Để cải thiện hiệu quả sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng trong ngành nông nghiệp, UBND tỉnh Bình Phước vừa quyết định phê duyệt dự án “trồng xen canh, chăn nuôi dưới tán điều giai đoạn 2023 - 2025”.
Theo đó, dự án phấn đấu đến năm 2025, tổng diện tích xen canh/đa canh dưới tán điều toàn tỉnh là 10.000ha. Trong đó, huyện Bù Đăng 8.000ha, huyện Bù Gia Mập 1.000ha, các huyện, thị xã, thành phố còn lại 1.000ha. Các loại cây trồng xác định trồng xen canh/đa canh dưới tán điều gồm: cà phê, ca cao, cây dược liệu; các loại vật nuôi dưới tán điều: gà, vịt, dê. Đến năm 2030, nâng diện tích xen canh/đa canh dưới tán điều toàn tỉnh lên 15.000ha.
Dự án tập trung vào đối tượng là các tổ chức, cá nhân trồng xen canh/đa canh, chăn nuôi dưới tán điều. Cùng với đó, thực hiện triển khai tại 11 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay diện tích cây điều của Bình Phước hiếm hơn 24% diện tích đất nông nghiệp, 34 % diện tích đất sản xuất nông nghiệp và 35% diện tích cây lâu năm của toàn tỉnh. Trên địa bàn có hơn 1.400 cơ sở chế biến, kinh doanh hạt điều; toàn ngành điều của Bình Phước giải quyết việc làm cho khoảng 50.000 lao động.
Mỗi năm tổng giá trị của ngành điều Bình Phước mang lại đạt khoảng trên 33.000 tỷ đồng (tương đương 1,5 tỷ USD) .
Theo UBND tỉnh Bình Phước, tổng giá trị gia tăng ước tính của cây điều, bao gồm cả khâu chế biến cộng với lượng điều được nhập khẩu thì cụm ngành điều đang tạo ra hơn 10 % GRDP toàn tỉnh, đây là một tỷ phần rất đáng kể.