Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, xuất khẩu (XK) gạo tính đến ngày 3/12 sẽ đạt 6,334 triệu tấn, kim ngạch trị giá 2,705 tỷ USD. Dự kiến trong tháng 12/2010, VFA sẽ tiếp tục XK từ 450.000 - 500.000 tấn gạo, nâng tổng lượng gạo XK cả năm 2010 đạt từ 6,7-6,75 triệu tấn. Đây là mức XK gạo cao nhất từ trước đến nay của Việt Nam cả về số lượng và giá trị.
Năm 2010 - bội thu
Theo VFA, thực tế số hợp đồng XK gạo đã ký đạt 7 triệu tấn, bao gồm các hợp đồng thương mại và hợp đồng tập trung gối tiếp sang năm 2011. Điều đáng nói là XK gạo tăng khoảng 10% về sản lượng, nhưng giá trị XK tăng tới gần 16%, đã đưa năm 2010 trở thành năm thành công trong XK gạo của Việt Nam. Hiện giá lúa thường ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) dao động từ 6.050 - 6.200 đồng/kg, giá gạo nguyên liệu loại I khoảng 8.250 - 8.400 đồng/kg. Theo ông Võ Tấn Giáp - nông dân trồng lúa huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), do năm nay lúa được giá nên người trồng lúa thu lãi cao nhất từ trước đến nay.
Tập kết gạo xuất khẩu tại Công ty cổ phần Gentraco (Cần Thơ). |
Với những diễn biến thuận lợi của thị trường, mới đây nhất, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) lại quyết định tăng giá sàn lần thứ 6 trong năm đối với các loại gạo XK. Cụ thể, giá sàn gạo 5% tấm tăng từ 475 - 540 USD/tấn, gạo 25% tấm tăng thêm 35 USD, lên 480 USD/tấn. Nhận định về xu hướng giá trong thời gian tới, ông Phạm Văn Bảy - Phó chủ tịch VFA cho rằng, giá gạo sẽ rất khó giảm, vì nhu cầu NK gạo rất lớn vào đầu năm sẽ là đòn bẩy để giữ, thậm chí nâng giá cao hơn mức hiện nay. Khẳng định này ngoài yếu tố cung - cầu, còn dựa trên cơ sở giá thành sản xuất lương thực trên thế giới tăng mạnh trong nửa năm nay do nguyên liệu đầu vào như phân bón, thuốc trừ sâu tăng. Giá thành đầu vào tăng, cộng với những bất ổn về sản lượng đã khiến cho giá hầu hết các mặt hàng lương thực trên thế giới tăng rất mạnh.
Theo ông Trương Thanh Phong - Chủ tịch VFA, thị trường XK gạo sắp bước vào mùa sôi động khi hàng loạt quốc gia có nhu cầu nhập khẩu (NK) số lượng lớn đang cần NK. Đến thời điểm này, một số nước đang có nhu cầu NK gạo rất lớn như Inđônêxia, Iran, Philíppin, Bănglađét và các nước châu Phi... Theo kế hoạch, trong năm 2011, Philíppin sẽ NK khoảng 1,5 triệu tấn gạo từ Việt Nam; Bănglađét trong quý I/2011 cũng có nhu cầu NK 300.000 tấn gạo của Việt Nam, còn Inđônêxia yêu cầu nhập thêm 200.000 tấn... Các nước khác là Iran, Irắc liên tục có nhu cầu NK gạo. Ngoài ra, có dự báo nguồn gạo tồn kho ở Cuba, các quốc gia châu Phi và Trung Đông còn khá thấp cũng khiến các thị trường này phải đẩy mạnh việc mua gạo dự trữ. Điều này cho thấy nhu cầu NK gạo vào những tháng đầu năm 2011 là rất lớn. Ông Trương Thanh Phong cũng cho rằng, thương mại lúa gạo năm 2011 tùy thuộc vào ba yếu tố: Tồn kho toàn cầu, giá dầu ảnh hưởng nguyên liệu đầu vào và chính sách của các nước XK gạo, trong khi đó vấn đề dễ thấy nhất hiện nay là tồn kho của các quốc gia có nhu cầu NK lương thực đều đang ở mức thấp nên sẽ khuyến khích thương mại và tăng giá XK.
Năm 2011 - thận trọng
Giá gạo trên thế giới đang cao, nhu cầu NK của nhiều quốc gia tăng mạnh, thị trường gạo thế giới đang nhộn nhịp và dự báo sẽ tiếp tục sôi động trong những tháng đầu năm 2011. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia ngành hàng lúa gạo vẫn đưa ra những nhận định thận trọng về XK gạo năm 2011. Theo nhìn nhận của ông Trịnh Văn Tiến, Chuyên gia về ngành hàng lúa gạo của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn (IPSARD), thời gian qua tình hình thời tiết diễn biến khá phức tạp, lũ lụt ở khu vực Nam Trung bộ đã khiến lịch thời vụ bị lùi lại. Tại miền Bắc, vụ đông xuân đang đối mặt với tình hình khô hạn. Trên thị trường giá vật tư, phân bón lại tăng cao. Vì thế, chưa thể tính toán chính xác về sản lượng lúa gạo cả nước sẽ thu hoạch được trong thời gian tới.
Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, vụ đông xuân năm nay toàn vùng ĐBSCL sẽ gieo sạ trên 1,5 triệu ha. Tuy nhiên, vụ sản xuất có sản lượng lớn nhất trong năm này lại đang đối mặt với nhiều khó khăn do dịch hại và thời tiết xấu. Do lũ về muộn, mức lũ thấp, nên đồng ruộng không được vệ sinh, dẫn đến nguy cơ dịch bệnh phát sinh cao, đồng thời năm nay do lũ nhiều nên không bù đắp được lượng phù sa dẫn đến việc chi phí sản xuất bị “đội” lên do lượng phân bón phải sử dụng nhiều hơn. Bên cạnh đó, giá thành sản xuất lúa vụ đông xuân 2010 - 2011 ở các tỉnh ĐBSCL dự kiến cũng sẽ cao hơn năm trước do hiện nay giá phân bón tăng trung bình trên 30% so với vụ hè thu và đang có xu hướng tiếp tục tăng. Nếu như tháng 6/2010 giá phân urê chỉ ở mức 6.000 đồng/kg thì hiện đã lên đến 9.000 đồng/kg. Giá phân DAP cũng tăng 200.000 đồng/bao (loại 50kg) lên mức 700.000 đồng/bao. Các loại thuốc trừ sâu khác cũng tăng ít nhất 10%. Vì vậy, người dân lo ngại với mức chi phí sản xuất tăng như hiện nay, sản xuất lúa sẽ không có lời.
Cũng từ 1/1/2011, khi Nghị định số 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh XK gạo có hiệu lực, doanh nghiệp (DN) kinh doanh XK gạo sẽ phải đáp ứng đủ các điều kiện như có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc; có ít nhất một cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ... Đến thời điểm đó, DN không đáp ứng đủ các điều kiện kinh doanh XK gạo sẽ không được hoạt động. Đây cũng là một trong những yếu tố ít nhiều làm “xáo trộn” thị trường lúa gạo trong nước, trong bối cảnh thực tế đến thời điểm này có không ít DN XK gạo còn chưa biết “xoay sở” ra sao với những điều kiện này.
“Tuy nhiên, với việc thị trường đầu ra sáng sủa, giá gạo thế giới dự kiến đứng vững mức cao, nông dân có thể yên tâm với giá lúa vụ đông xuân sắp tới. Chúng ta không phải lo thị trường, lo giá lúa thấp mà cần xuống giống tối đa diện tích, tập trung đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng lúa”, ông Phạm Văn Bảy, Phó chủ tịch VFA, đưa ra khuyến cáo với người sản xuất lúa trước vụ đông xuân - vụ lúa đầu tiên của một năm sản xuất.
Phạm Thanh Hương