Qua đó, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm, gian lận trong sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu; triển khai chương trình giám sát hàng năm về an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn chất lượng đối với sầu riêng.
Cục Bảo vệ thực vật đề nghị các địa phương xây dựng giải pháp kỹ thuật để quản lý tốt các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, giám sát và thực hiện nghiêm việc tạm dừng hoặc thu hồi mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng đối với các trường hợp vi phạm theo quy định.
Chủ sở hữu các vùng trồng và cơ sở đóng gói phải tuân thủ quy trình kiểm soát chất lượng, kiểm tra ngẫu nhiên các lô hàng trước khi chuyển tới nhà đóng gói hoặc trước khi xuất xưởng. Ngoài ra, thực hiện nghiêm việc giám sát nội bộ; phối hợp với các cơ quan quản lý để thực hiện giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói theo quy định; tập huấn kỹ thuật cho người sản xuất để nắm được các quy định. Đồng thời, tổ chức tốt chuỗi liên kết sản xuất thực chất từ vùng trồng, cơ sở đóng gói, cơ sở xử lý kiểm dịch thực vật, xuất khẩu để tạo ra sản phẩm chất lượng.
Cục Bảo vệ thực vật cho biết: Hiện cả nước có 708 mã số vùng trồng với trên 26.000 ha và 1 mã số cơ sở đóng gói. Tuy nhiên, tỷ lệ mã số vùng trồng được giám sát đạt 52%, cơ sở đóng gói đạt 47,6%.
Các tỉnh có tỷ lệ giám sát mã số vùng trồng cao như: Lâm Đồng (100%), tiếp đến là Gia Lai, Đắk Lắk... Các tỉnh có số lượng mã số vùng trồng nhưng tỷ lệ giám sát thấp như: Đắk Nông, Bình Phước, Vĩnh Long, Bình Thuận, Hậu Giang, Tiền Giang và Đồng Tháp. Tỉnh có tỷ lệ giám sát mã số có sở đóng gói cao như Đắk Lắk, Lâm Đồng, Tiền Giang. Các tỉnh có tỷ lệ giám sát thấp như Long An, Đồng Nai.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, ngay sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân cấp toàn bộ việc cấp và giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu cho các địa phương và từ báo cáo tổng hợp của các địa phương cho thấy: Các địa phương chưa thực sự chủ động trong việc kiểm tra, giám sát các mã số xuất khẩu sau khi được cấp theo đúng quy định của Nghị định thư sầu riêng. Tỷ lệ giám sát thấp, thậm chí nhiều mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói không thực hiện giám sát theo quy định.
Bên cạnh đó, việc xử các trường hợp vi phạm quy định của Nghị định thư chưa kịp thời, triệt để. Chất lượng giám sát chưa được cải thiện nhiều, giám sát lỏng lẻo, hình thức. Một số địa phương mặc dù có tỷ lệ giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cao nhưng vẫn vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của Trung Quốc theo thông báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc trong thời gian qua.
Nhiều địa phương, doanh nghiệp và tổ chức cá nhân chỉ quan tâm đến hướng dẫn cấp mới mà chưa tập trung nguồn lực (con người và tài chính) cho giám sát các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng sau khi được phê duyệt.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, đây cũng là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thực tế có nhiều lô hàng sầu riêng nhận được cảnh báo vi phạm về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm trong thời gian qua có dấu hiệu gia tăng.
Vừa qua, Cục Bảo vệ thực vật đã thông tin về kết quả xác minh 30 lô sầu riêng của Việt Nam bị Trung Quốc cảnh báo nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định. Ông Huỳnh Tất Đạt - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, sau khi nhận được cảnh báo, Cục Bảo vệ thực vật đã yêu cầu các địa phương và doanh nghiệp rà soát. Cùng với đó, lập đoàn kiểm tra đi lấy mẫu tại các vùng trồng sầu riêng có trong danh sách cảnh báo nhiễm cadimi.
Đoàn đã kiểm tra kỹ lưỡng từ mẫu đất, nước, phân bón, vật tư, thuốc kích thích sinh trưởng, hóa chất xử lý sầu riêng... Kết quả, không phát hiện mẫu nào vượt ngưỡng cadimi như Trung Quốc cảnh báo, ông Đạt thông tin.
Năm 2023, tổng diện tích sầu riêng cả nước gần 151.000 ha. Ước tính, có khoảng 50% diện tích sầu riêng đang cho thu hoạch với sản lượng sầu riêng năm 2023 đạt gần 1,2 triệu tấn. Trong một vài năm tới, khi diện tích cho thu hoạch tăng lên, sản lượng sầu riêng Việt Nam có thể sẽ tăng gấp đôi.