Theo ông Nguyễn Văn Quý, Phó Giám đốc Công ty cổ phần BOT và BT Đức Long Đắk Nông, những ngày qua, công ty đã phối hợp với chính quyền địa phương và một số hộ dân liên quan đào múc các rãnh thoát nước; đào bỏ, di chuyển các khối đất được san lấp trái phép và bị đánh giá là nguyên nhân chính gây ra lún, nứt tại 3 vị trí ven đường Hồ Chí Minh. Hiện các vết lún, nứt đều nằm ngoài hành lang an toàn đường bộ hoặc đã cơ bản được xử lý, kết cấu hạ tầng đoạn đường này đã cơ bản ổn định.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Quý, Công ty cổ phần BOT và BT Đức Long Đắk Nông đang tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền các địa phương liên quan tăng cường quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng, hành lang an toàn giao thông và xử lý nghiêm các trường hợp san lấp mặt bằng trái phép trên toàn tuyến. Riêng với đoạn vừa xảy ra lún, nứt, công ty đang tiếp tục theo dõi diễn biến để xử lý và báo cáo kịp thời các cơ quan chức năng. Việc xử lý các vị trí lún, nứt trong các ngày qua cũng gặp một số khó khăn do một số chủ đất không có mặt tại địa phương.
Trước đó, như TTXVN đã thông tin vào ngày 19/9, UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền địa phương và đơn vị quản lý tuyến đường phải xử lý nghiêm các hành vi đào đắp, san lấp mặt bằng trái phép ven đường Hồ Chí Minh, đoạn qua xã Quảng Tín, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông. Đây là một trong số các điểm đen về tai nạn giao thông trên đường Hồ Chí Minh.
Theo các ngành chức năng tỉnh Đắk Nông, san lấp mặt bằng trái phép tại các khu vực có độ dốc lớn, địa chất phức tạp mà không có các giải pháp kỹ thuật phù hợp là nguyên nhân chính gây sụt lún, sạt lở tại đây.
Đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14 cũ) là tuyến giao thông huyết mạch kết nối Đắk Nông nói riêng và các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum với các tỉnh miền Đông Nam Bộ và TP Hồ Chí Minh. Thời gian qua, nhiều vị trí, đoạn trên đường này đã bị sụt lún, nứt và có nguy cơ sạt lở; trong đó, nghiêm trọng nhất là đoạn qua thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông với 2/4 làn đường bị chia cắt, không thể lưu thông từ tháng 9/2023.