Đây là thông tin được Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (Vicofa) thông tin tại Hội nghị tổng kết niên vụ cà phê 2023 - 2024, triển khai nhiệm vụ niên vụ 2024 - 2025, tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, chiều 25/10.
Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Vicofa cho biết, niên vụ 2023 - 2024 ngành cà phê toàn cầu đã trải qua nhiều khó khăn và thách thức do biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, sản lượng và chất lượng. Khô hạn và nắng nóng kéo dài từ đầu vụ, mưa bão cuối vụ. Bất ổn chính trị, chiến tranh, cấm vận cục bộ giữa Nga và Ukraine, Israel và Dải Gaza, cùng nhiều nơi khác trên thế giới với diễn biến kéo dài tiếp tục tác động đến khó khăn của nền kinh tế toàn cầu trong trung và dài hạn. Năm 2024, giá cà phê tăng cao liên tục gây khó khăn và rủi ro nhiều cho việc thu mua thực hiện các hợp đồng xuất khẩu.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Vicofa phân tích: Niên vụ cà phê 2023 - 2024, từ dự báo giảm sản lượng ở nhiều quốc gia sản xuất lớn, thị trường chứng kiến giá xuất khẩu liên tục tăng. Lần đầu tiên giá cà phê robusta trên sàn giao dịch Luân Đôn ở mức trên 5.000 USD/tấn, giá cà phê robusta còn cao hơn cả cà phê arabica. Tại Việt Nam giá cà phê cũng liên tục lập đỉnh, đạt mức cao nhất trong vòng 30 năm qua. Đây là lý do sản lượng xuất khẩu cà phê Việt Nam giảm 12,7% về lượng nhưng tăng 33% về giá trị so với niên vụ trước đó.
Theo ông Đỗ Hà Nam, giá cà phê tăng quá nhanh trong khi nguồn cung hạn chế khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Doanh nghiệp xuất khẩu không có hàng giao đúng hạn, đối tác, nhà thu mua, rang xay phản ứng tiêu cực. Tới thời điểm hiện tại, giá cà phê đã hạ nhiệt nhưng tình hình thị trường niên vụ 2024 - 2025 sắp tới vẫn khó dự báo.
Đại diện một doanh nghiệp thu mua cà phê chia sẻ, niên vụ vừa qua khi giá cà phê Việt Nam tăng cao và doanh nghiệp thu mua không có hàng để giao cho nhà rang xay đã có một số đối tác tìm đến nguồn cung khác nhằm duy trì sản xuất. Nghĩa là cà phê Việt Nam đã mất một phần thị trường. Do đó, ngay từ niên vụ 2024 - 2025 này, ngành cà phê Việt Nam phải củng cố lại mối quan hệ với các đối tác trong chuỗi cung ứng.
"Người mua không mong giá cà phê xuống thấp, nhưng cần phải duy trì mức giá người nông dân có lợi nhuận tốt mà doanh nghiệp thương mại, nhà chế biến cũng có thể cân đối được giá thành. Bên cạnh đó, các mắt xích trong chuỗi thu mua, xuất khẩu cũng cần có giải pháp để duy trì sự ổn định, đảm bảo hàng hoá có thể lưu thông liên tục", vị đại diện doanh nghiệp trên khuyến nghị.
Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), niên vụ cà phê 2024 - 2025 tổng sản lượng của Brazil là 69,9 triệu bao; trong đó arabica 48,2 triệu bao và robusta 21,7 triệu bao; Việt Nam có tổng sản lượng khoảng 29 triệu bao, trong đó xuất khẩu 24,4 triệu bao, còn 4,6 triệu bao tiêu thụ nội địa.
Các chuyên gia dự báo, sản lượng cà phê của Việt Nam vài năm tới sẽ tăng nhiều. Trong 2 năm gần đây sự đầu tư chăm sóc vườn cây của người nông dân được tốt hơn do giá cà phê tăng cao. Hơn nữa, Đề án tái canh của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ngân hàng Thế giới (giai đoạn 2014 - 2022) đã có hiệu quả tích cực, năng suất sản lượng vườn cây tăng cao.
Tại nhiều tỉnh Tây Nguyên, diện tích trồng mới liên tục tăng nhưng chưa thống kê được, nếu không khuyến cáo kịp thời sẽ dẫn đến khủng hoảng thừa cà phê trong những năm tới.
Ông Nguyễn Quang Bình, chuyên gia thị trường cà phê nhận định: Năm 2024, thị trường cà phê Việt Nam và thế giới chứng kiến cơn bão giá chưa từng có tiền lệ, giúp nông dân thắng lới nhưng cũng không ít doanh nghiệp "sa cơ" và tổn thất không nhỏ. Thị trường thế giới và trong nước được dự báo vẫn còn nhiều biến động, đòi hỏi ngành cà phê sớm điều chỉnh để đi đúng quỹ đạo, duy trì tăng trưởng một cách bền vững. Đây là nội dung được các đại biểu, doanh nghiệp nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Quang Bình cho rằng, nhiệm vụ của ngành cà phê Việt Nam trước mắt là sớm giải quyết các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng, lấy lại uy tín từ đối tác xuất khẩu. Từ phía người nông dân, cần ưu tiên nâng cao chất lượng cà phê, tránh mở rộng diện tích ồ ạt khiến cung vượt cầu. Doanh nghiệp bên cạnh thu mua, xuất thô tích cực đầu tư vào chế biến, chế biến sâu các sản phẩm giá trị gia tăng để đảm bảo tăng trưởng bền vững trong dài hạn.