Lô hàng hơn 6 tấn với 2.300 thùng có tổng giá trị khoảng 2 tỷ đồng do Công ty cổ phần Damaca Nguyên Phương (huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) xuất khẩu sang Nhật Bản.
Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND huyện Krông Năng Vũ Văn Mỹ cho biết, toàn huyện hiện có 2.363 ha diện tích cây mắc ca; trong đó, diện tích cho sản phẩm khoảng hơn 1.000 ha, năng suất ước đạt 17,9 tạ/ha, sản lượng hơn 1.700 tấn. Sự kiện này là kết quả của sự nỗ lực suốt thời gian dài của chính quyền và doanh nghiệp, nông dân huyện Krông Năng, ghi dấu ấn đặc biệt, bắt đầu hành trình tự tin chinh phục người tiêu dùng tại thị trường Nhật Bản; quảng bá thương hiệu mắc ca Krông Năng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận.
Doanh nghiệp trên địa bàn đã cố gắng hoàn thiện các sản phẩm hạt mắc ca đạt đủ tiêu chuẩn xuất khẩu theo các yêu cầu nghiêm ngặt. Do đó, chuyến hàng mắc ca Krông Năng đầu tiên xuất khẩu theo đường chính ngạch sang Nhật Bản cũng là niềm tin và hy vọng của nông dân Tây Nguyên nhằm xây dựng và phát triển hình ảnh, thương hiệu mắc ca Việt Nam cùng các nông sản Việt nổi bật trên thị trường quốc tế.
Đây còn là cơ hội giúp các nhà đầu tư, doanh nghiệp trên địa bàn kết nối, hợp tác đầu tư với những doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước để tiêu thụ sản phẩm, góp phần phát triển ngành hàng mắc ca Việt Nam theo hướng hiện đại, chất lượng, an toàn, bền vững và liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến thị trường tiêu thụ - ông Vũ Văn Mỹ nhấn mạnh.
Theo Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk Lưu Văn Khôi, mắc ca là một mặt hàng xuất khẩu mới của Đắk Lắk trong những năm gần đây và dự báo sẽ đóng góp không nhỏ cho kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong thời gian tới. Lễ xuất khẩu container mắc ca Krông Năng chính ngạch đầu tiên qua thị trường Nhật Bản là sự kiện có ý nghĩa quan trọng bởi Nhật Bản là đối tác lớn trong các Hiệp định thương mại tự do của Việt Nam; đồng thời cũng là một trong những thị trường tiêu thụ mắc ca lớn trên thế giới hiện nay.
Việc xuất khẩu chính ngạch thành công sản phẩm mắc ca sang thị trường Nhật Bản - một thị trường khó tính sẽ là tiền đề mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp của tỉnh nói chung và huyện Krông Năng nói riêng tiếp cận những thị trường lớn trên thế giới; đồng thời giúp người nông dân thu được lợi nhuận cao hơn từ mắc ca - còn được mệnh danh là “nữ hoàng quả khô”.
Sản phẩm mắc ca mang thương hiệu Việt Nam sẽ gửi gắm câu chuyện của những người trồng, của cộng đồng với thiện chí tạo nên sản phẩm chất lượng cao và chuyển tải giá trị tốt đẹp cho xã hội. Đồng thời, theo chân những sản phẩm mắc ca đầu tiên xuất khẩu theo đường chính ngạch sang Nhật Bản là niềm tin và hy vọng của nông dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước nhằm xây dựng và phát triển hình ảnh hạt mắc ca mang thương hiệu Việt Nam, cùng nhiều nông sản Việt khác nổi bật trên thị trường quốc tế.
"Kinh doanh không chỉ là câu chuyện mua bán sản phẩm, mà còn là sự tôn trọng, uy tín, niềm tin dành cho nhau giữa người bán và người mua, giữa người sản xuất và người tiêu dùng. “Nâng niu nông sản Việt - Nâng niu tâm hồn Việt - Nâng niu giá trị Việt” là thông điệp xuyên suốt hành trình tạo dựng, gìn giữ và quảng bá thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới" - ông Khôi chia sẻ.
Nhân dịp này, Công ty cổ phần Damaca Nguyên Phương (huyện Krông Năng) ký kết bản ghi nhớ chuyến hàng đầu tiên với đối tác xuất khẩu là Công ty OLTY Nhật Bản.