Như vậy, 7 tháng năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 23,03 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ. Đến nay, có 8 nhóm sản phẩm đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Cụ thể, nhóm nông sản chính xuất khẩu đạt 10,84 tỷ USD; trong đó, 5 nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD là: cà phê đạt 1,8 tỷ USD, cao su đạt 1,1 tỷ USD, gạo đạt 1,73 tỷ USD, hạt điều đạt gần 1,8 tỷ USD, rau quả đạt 2,3 tỷ USD.
Mặc dù nhiều sản phẩm có khối lượng xuất khẩu tăng so với cùng kỳ, như cao su tăng 10,7%, gạo 2,1%, điều 13,3%, tiêu 32,5% nhưng do giá xuất khẩu một số sản phẩm giảm sâu như điều giảm 20,6%, tiêu giảm 25,2%, cà phê giảm 12%, gạo giảm 16%... nên kim ngạch xuất khẩu nhóm nông sản vẫn giảm 8,2% so với cùng kỳ.
Tuy là một trong nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, nhưng xuất khẩu thủy sản giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái (1%), đạt 4, tỷ USD. Nguyên nhân bởi hai mặt hàng chủ lực của thủy sản xuất khẩu đã có sự sụt giảm khá mạnh. Đó là, cá tra đạt 1,16 tỷ USD, giảm 3,2%; tôm các loại đạt 1,73 tỷ USD, giảm 10,4%.
Trong 7 tháng, xuất khẩu lâm sản chính đạt gần 6,01 tỷ USD, tăng 17,3%; trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt hơn 5,6 tỷ USD, tăng 16,1%; sản phẩm mây, tre, cói đạt 264 triệu USD, tăng 46,6%.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết, trong tháng 7, giá trị nhập khẩu nông lâm thủy sản và vật tư nông nghiệp đạt 2,5 tỷ USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu 7 tháng đạt khoảng 18 tỷ USD, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Như vậy, thặng dư thương mại nông lâm thủy sản 7 tháng đạt gần 5 tỷ USD, tăng gần 12% so với cùng kỳ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, thời gian tới xuất khẩu nông sản dự báo tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức và khó có thể đạt mức tăng trưởng cao như cùng kỳ. Nguyên nhân do ảnh hưởng của tăng trưởng kinh tế thế giới 2019 dự báo giảm và các nước trên thế giới đều quay lại tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp.
Các mặt hàng nông sản Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu, khiến cho giá giảm sâu trong khi đó các nước nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều gia tăng bảo hộ hàng hóa nông sản thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu truy xuất nguồn gốc.
Ban Chỉ đạo thị trường Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ sẽ phối hợp với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường lương thực, thực phẩm, tình hình xuất nhập khẩu; tăng cường kiểm soát chặt tình hình nhập lậu vào thị trường nội địa.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tích cực đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, giữ ổn định các thị trường truyền thống, tìm kiếm và mở rộng các thị trường tiềm năng, hạn chế thấp nhất sự phụ thuộc vào một thị trường nhất định. Ngành cũng sẽ phối hợp, hướng dẫn các địa phương tổ chức sản xuất, đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu về truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm nông, lâm, thủy sản xuất khẩu.
Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh giới thiệu sản phẩm và xây dựng thương hiệu nông sản, nhất là đối với các nông sản chủ lực vào thị trường Trung Quốc. Các đơn vị chức năng nghiên cứu xây dựng cơ chế phối hợp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để xử lý các vấn đề phát sinh trong thương mại nông sản giữa hai nước.