Việc Nga bị loại khỏi hệ thống Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) sẽ khiến cho việc thanh toán trong xuất nhập khẩu hàng hóa gặp những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, những khó khăn trong thanh toán hàng hóa có thể chỉ là tạm thời, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hai bên sẽ sớm tìm được hướng thanh toán mới.
Ông Đặng Hoàng Giang, Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam đánh giá, việc Nga ra khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn về thanh toán, đặc biệt với khách hàng Nga. Bởi, hiện nay SWIFT hiện là phương thức gửi điện phổ biến, được hầu hết các ngân hàng trên thế giới và Việt Nam sử dụng để thực hiện các giao dịch thanh toán xuất nhập khẩu một cách an toàn.
Tuy nhiên, theo ông Đặng Hoàng Giang, ngoài SWIFT thì vẫn có những sự lựa chọn thanh toán khác chẳng hạn như IBAN nhưng độ phủ hẹp hơn so với SWIFT... Các doanh nghiệp cũng sẽ chủ động ứng phó, tìm ra các cách thanh toán mới.
Nga đang đứng thứ 11 trong số 104 thị trường xuất khẩu của nhân điều Việt Nam, chiếm 1,63% thị phần, với giá trị kim ngạch xuất khẩu là 61,8 triệu USD năm 2021. Tuy xuất khẩu hạt điều sang thị trường Nga không quá lớn nhưng ông Đặng Hoàng Giang cho rằng, việc Nga ra khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT là vấn đề lớn nên doanh nghiệp rất cần có thông tin và giải pháp hỗ trợ từ ngành ngân hàng.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex đánh giá, lượng nông sản như điều, tiêu, cà phê… của Việt Nam xuất khẩu sang Nga không nhiều. Bản thân Intimex cũng như nhiều doanh nghiệp Việt ít xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Nga mà thường qua các nước châu Âu.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhập khẩu của Nga cũng thường nhập khẩu nông sản qua các nước Đông Âu, nên có thể thời gian tới họ có thể chuyển sang nhập khẩu qua Trung Quốc, ông Đỗ Hà Nam dự đoán.
Theo ông Đỗ Hà Nam, việc Nga không còn trong hệ thống thanh toán SWIFT có thể dẫn đến thanh toán chậm hơn. Các doanh nghiệp Nga có thể tìm kiếm các đồng tiền nước khác để thanh toán.
Với thủy sản, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, việc Nga bị loại ra khỏi hệ thống SWIFT trước mắt sẽ không ảnh hưởng nhiều tới kim ngạch xuất khẩu thủy sản nhưng sẽ tác động tới tâm lý và giao dịch thương mại của doanh nghiệp đang xuất khẩu sang thị trường này.
Có khoảng 50 doanh nghiệp Việt Nam được cấp phép xuất khẩu thủy sản sang Nga. Có những doanh nghiệp đã giao hàng cho đối tác ở Nga nhưng chưa nhận được tiền và đang lo lắng về việc sẽ khó thu được tiền hàng khi Nga bị loại khỏi hệ thống SWIFT.
Theo ông Trương Đình Hòe, việc đồng Ruble mất giá sẽ giảm khả năng nhập khẩu của thị trường này. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam muốn thúc đẩy xuất khẩu sang Nga có lẽ sẽ phải tính toán lại.
Theo các doanh nghiệp, điều khiến họ lo lắng nhất trong căng thẳng giữa Nga – Ukraine là giá xăng dầu trên thế giới và tại Việt Nam đang tăng lên cao. Bởi, chi phí vận chuyển hàng hóa xuất khẩu thời gian vừa qua đã quá cao, khiến doanh nghiệp đạt lợi thuận không cao.
“Nếu giá dầu tiếp tục lên cao thì chi phí vận tải sẽ tiếp tục tăng. Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản lại thêm nhiều khó khăn. Chi phí sẽ bị đội lên rất mạnh”, ông Đỗ Hà Nam đánh giá.
Ngoài khó khăn về xuất khẩu nông sản, căng thẳng Nga - Ukraine còn khiến người nông dân, các doanh nghiệp lo lắng bởi sẽ ảnh hưởng đến giá phân bón thời gian tới. Thời gian vừa qua, giá các loại phân bón ở trong nước đã và đang leo thang. Các doanh nghiệp phân bón lo ngại, căng thẳng Nga - Ukraine sẽ khiến giá phân bón tiếp tục tăng.
Theo ông Đào Hữu Duy Anh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang, Nga đang là nhà xuất khẩu phân bón NPK rất lớn cho Việt Nam. Do đó, giá phân bón có thể sẽ tiếp tục tăng do nguồn cung bị ảnh hưởng. Dù Công ty cổ phần Tập đoàn hóa chất Đức Giang không nhập phân bón NPK từ Nga nhưng với việc nguồn nguyên liệu nhập khẩu đang tăng cũng là bài toán với doanh nghiệp.