Thế nhưng, xúc tiến thương mại để sản phẩm đi xa hơn trong bối cảnh thương mại điện tử bùng nổ đang là vấn đề được cơ quan chức năng đặt ra lúc này.
Khảo sát tại một số siêu thị cho thấy, hàng Việt được trưng bày tại hệ thống quầy kệ ngày càng đa dạng về mẫu mã và tỷ lệ áp đảo hàng ngoại nhập; trong đó, thực phẩm chiếm đa số. Đơn cử tại chuỗi siêu thị GO, Big C có khoảng 45.000 mã hàng hóa; trong đó, tỷ lệ hàng Việt Nam chiếm trên 90%.
Hay tại chuỗi siêu thị WinMart, WinMart+, tỷ trọng hàng Việt cũng luôn được duy trì đạt mức từ 80 - 90% số lượng, chủng loại hàng hóa; trong đó, doanh thu từ các mặt hàng nông sản chiếm trên 30%. Chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả phù hợp…, nhất là các mặt hàng tiêu dùng, hàng nông sản chất lượng cao đang ngày được người tiêu dùng lựa chọn và tin dùng. Qua đó cho thấy chỗ đứng vững chắc của hàng Việt ngay trên sân nhà.
Nghiên cứu của Công ty nghiên cứu thị trường Cimigo cho thấy: Có tới 82% người tiêu dùng Việt Nam cho biết sẽ ưu tiên mua hàng Việt Nam nếu có sự lựa chọn. Đặc biệt, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng quan tâm đến môi trường, xã hội và sức khoẻ, ưu tiên sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, không gây hại cho sức khoẻ và thiên nhiên. Đặc biệt sau dịch COVID-19, người tiêu dùng ý thức và ưu tiên lựa chọn các thực phẩm Organic, BiOrganic, thực phẩm không biến đổi gen, không chất bảo quản... quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe cá nhân và phong cách sống lành mạnh.
Theo một cuộc khảo sát PwC Việt Nam về "Thói quen tiêu dùng" và kết quả cho thấy rằng người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn về môi trường. Hơn 47% người tham gia khảo sát cho biết ưu tiên sử dụng sản phẩm có thể tự phân hủy. Trước đó, báo cáo của Nielsen cũng chỉ ra rằng 80% người tiêu dùng sẵn sàng chi trả nhiều tiền cho sản phẩm cam kết "xanh" và "sạch" hay được sản xuất từ nguyên liệu thân thiện với môi trường.
Ngoài ra, trong tương lai xu hướng tiêu dùng xanh, bền vững sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, sản phẩm và dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngày càng được quan tâm, nhất là giành cho người cao tuổi. Xu hướng tiêu dùng dùng áp dụng công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) dự đoán sẽ thu hút mạnh người tiêu dùng bởi sự mới mẻ. Vì vậy, thị trường, xu hướng tiêu dùng hàng hóa luôn là hấp dẫn và đầy thách thức, cũng là cơ hội doanh nghiệp.
Song hành với thị trường nội địa, nhờ xúc tiến thương mại được đẩy mạnh, nhất là qua các sàn thương mại điện tử, hàng Việt đã từng bước khẳng định vị thế tại thị trường nước ngoài.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan xúc tiến tiêu thụ hàng Việt cũng như hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế cho các sản phẩm chủ lực của các địa phương.
Theo ông Vũ Bá Phú, xúc tiến thương mại đã ngày càng khẳng định là hoạt động không thể thiếu trong thúc đẩy thương mại qua việc kết nối cung cầu, tạo cơ hội gặp gỡ giao thương giữa các đối tượng trong nền kinh tế. Đối với doanh nghiệp, đây là phương thức hữu hiệu để tìm kiếm khách hàng, quảng bá thương hiệu, góp phần phát triển hoạt động kinh doanh và gây dựng thương hiệu. Điều này đã tạo động lực cho doanh nghiệp không ngừng nâng cao chất lượng hàng hóa, đa dạng mẫu mã, giá thành phù hợp với người tiêu dùng.
Hàng hóa sản xuất trong nước được cải thiện cả về chất lượng sản phẩm và dịch vụ cung ứng, lợi ích của người tiêu dùng cũng được quan tâm, đảm bảo hơn để đáp ứng được yêu cầu cao hơn đó là “Hàng Việt vì người Việt”. Có như vậy, hàng hóa “made in Việt Nam” mới được ngày càng ưa thích và tin dùng ở trong nước cũng như chinh phục các thị trường xuất khẩu.
Để hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng, ông Nguyễn Thế Hiệp - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho hay, tới đây, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai giao thương, kết nối tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm kết nối, hợp tác với các kênh phân phối tiêu thụ sản phẩm trong nước, hỗ trợ xuất khẩu thông qua hệ thống phân phối nước ngoài (Aeon, Lotte, Central Group…).
Ngoài ra, Sở Công Thương cũng tổ chức cho doanh nghiệp tham gia hội nghị giao thương trực tuyến với tham tán thương mại và tổ chức quốc tế; kết nối tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm)…Tuy nhiên, ông Nguyễn Thế Hiệp cũng khuyến cáo doanh nghiệp cần chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh từ nguồn nguyên liệu sản xuất, hướng tới đa dạng mẫu mã, chủng loại sản phẩm phục vụ nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng cũng như chứng nhận sản phẩm theo quy định, truyền thông sản phẩm được chú trọng, phát triển hoạt động thương mại điện tử.
Nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại tập trung, quy mô lớn, mang tính liên kết vùng cho sản phẩm, ngành hàng có thế mạnh của vùng tại các thị trường mục tiêu; tăng cường sự phối kết hợp nguồn lực từ xúc tiến và từ các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế...
Cùng đó, đồng bộ giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, tiếp tục đầu tư triển khai xúc tiến thương mại để mở rộng và đa dạng hóa thị trường, khai thác tối đa dư địa xuất khẩu của các mặt hàng nông sản Việt Nam có lợi thế và thế giới có nhu cầu. Duy trì phát triển các thị trường truyền thống, mặt hàng truyền thống; tăng cường phát triển các thị trường gần, thị trường tiềm năng mới, mặt hàng mới. Chú trọng hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.
Ngoài ra, Bộ cũng sẽ chú trọng việc nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu thông qua tăng cường truyền thông, quảng bá nhằm nâng cao mức độ nhận diện, hình ảnh và thương hiệu ngành hàng Việt Nam. Đặc biệt, tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại trong nước và nước ngoài và trên môi trường số; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cộng đồng doanh nghiệp về chuyển đổi xanh, sản xuất bền vững qua đó thúc đẩy xúc tiến xuất khẩu xanh, bền vững nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, thích ứng với xu hướng thị trường hiện nay.