Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành nội dung số tại Việt Nam, sáng tạo nội dung số đã dần trở thành một xu hướng nghề nghiệp trong xã hội. Đây vừa là sân chơi cho các bạn trẻ đam mê sáng tạo có thể phát triển, vừa tạo ra nguồn thu nhập đáng kể, ổn định cho cá nhân và cộng đồng.
Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ Thông tin và Truyền thông, bên cạnh việc chia sẻ, lan tỏa những nội dung tích cực thì trên mạng xã hội vẫn tồn tại những người sáng tạo nội dung số, người nổi tiếng chủ ý truyền đưa những nội dung nhảm nhí, lệch chuẩn, thậm chí phán tán tin giả, xuyên tạc, vi phạm pháp luật, gây bức xúc trong xã hội và ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ. Nhiều nội dung vô bổ, độc hại trên mạng trở thành mảnh đất sinh lời dồi dào, mang lại doanh thu quảng cáo, bán hàng khổng lồ trong khi những thông tin chính thống, bổ ích thì bị mờ nhạt.
Tình trạng này nếu không được chấn chỉnh và định hướng kịp thời, sẽ dẫn đến xu hướng phát triển lệch lạc trong ngành công nghiệp nội dung số, làm mất đi động lực sáng tạo và khả năng cạnh tranh của những nhà sáng tạo nội dung số lành mạnh. Đặc biệt, tình trạng này sẽ để lại nhiều hệ lụy xấu trong lĩnh vực thông tin - văn hóa - tư tưởng, ảnh hưởng quá trình hình thành, phát triển nhận thức và nhân cách của giới trẻ.
Hiện các quy định pháp luật liên quan đến quản lý hoạt động trên không gian mạng đã cơ bản bao quát và chặt chẽ, với 5 nhóm nội dung: về quản lý việc cung cấp nội dung trên mạng; quảng cáo trên mạng; kinh doanh thương mại điện tử; hoạt động nghệ thuật biểu diễn trên không gian mạng; thanh toán và thực hiện nghĩa vụ thuế.
Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai nhiều biện pháp nhằm xử lý cơ bản vi phạm quy định về thông tin trên mạng, như xử phạt vi phạm hành chính các tổ chức, cá nhân có hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm; xử phạt doanh nghiệp quảng cáo, nhãn hàng đặt quảng cáo vào nội dung vi phạm pháp luật. Bộ cũng công khai các website vi phạm không được phép hợp tác quảng cáo, thời gian tới Bộ sẽ công bố các tài khoản, kênh nội dung vi phạm. Cùng với đó, Bộ cũng làm việc với các nền tảng xuyên biên giới yêu cầu nghiêm túc tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam và ngăn chặn, gỡ bỏ, chấm dứt tính năng kiếm tiền đối với các nội dung, ứng dụng, kênh, trang vi phạm; đề nghị các tổ chức trung gian thanh toán xem xét ngừng thanh toán cho giao dịch, tài khoản vi phạm…
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhấn mạnh, thời gian tới Bộ sẽ quyết liệt, mạnh tay hơn trong công tác quản lý để làm “sạch” nội dung trên mạng. Bộ đang trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng. Nghị định mới này sẽ bổ sung nhiều quy định nhằm tăng trách nhiệm của các chủ kênh, tài khoản trên các nền tảng xuyên biên giới; chỉ cho phép các kênh, tài khoản có đăng ký thông báo với Bộ được tham gia hoạt động có phát sinh doanh thu; các quy định khóa kênh, khóa tài khoản rõ ràng hơn trước đây.
Đặc biệt, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng và đăng tải công khai Danh sách nội dung “đã được xác thực” trên mạng (gọi tắt là “White list”), để khuyến nghị các doanh nghiệp quảng cáo, nhãn hàng tại Việt Nam ưu tiên lựa chọn quảng cáo. Đây là những kênh, tài khoảng đã đăng ký và cam kết phát triển nội dung “sạch”. Bộ cũng đã xây dựng "Black list" gồm danh sách các kênh, tài khoản xấu, độc gửi các nhãn hàng, đại lý quảng cáo không đặt quảng cáo. Còn các kênh, tài khoản hiện chưa đăng ký White list, thì các công ty, nhãn hàng vẫn được đặt quảng cáo nhưng họ sẽ thận trọng hơn trong việc lựa chọn. Vì thế, Bộ khuyến khích các công ty quản lý đa kênh, công ty truyền thông, tài khoản, kênh, trang mạng xã hội có danh tính xác thực đăng ký với Bộ tham gia "White list" để được hỗ trợ kết nối và phát triển.
Nhiều ý kiến cho rằng, nhiều người làm sáng tạo nội dung trên mạng có tư duy bất chấp, thậm chí cố tình làm những nội dung “bẩn” để nổi tiếng, bởi càng nổi tiếng càng kiếm được nhiều tiền. Thực tế hiện nay, sau khi bị xử lý khóa kênh, tài khoản do vi phạm, người dùng lại lập kênh, tài khoản mới và tiếp tục hoạt động với những nội dung “bẩn”. Về vấn đề này, ông Lê Quang Tự Do chia sẻ, hiện chưa có chế tài cụ thể với việc thành lập các kênh mới với người dùng đã bị khóa kênh cũ, nên Bộ đang làm việc với các nền tảng để có sự đồng thuận và biện pháp xử lý triệt để hơn trường hợp này. Một biện pháp mạnh hơn nữa mà Bộ cũng đang triển khai là xây dựng quy trình để xử lý những người làm nội dung xấu, độc hại, vi phạm bằng biện pháp hạn chế sự xuất hiện trên các phương tiện, nền tảng, hạn chế tiếp cận công chúng.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cũng cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số đã tạo rất nhiều cơ hội, tiềm năng cho sự phát triển của lĩnh vực sáng tạo nội dung số trên không gian mạng, nhưng cũng sẽ đặt ra nhiều thách thách với những người làm sáng tạo nội dung cũng như trong công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này. Yêu cầu quan trọng nhất trong công tác quản lý là tạo điều kiện để lĩnh vực này phát triển đúng hướng và phục vụ cộng đồng, xã hội tốt hơn. Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là hiện Việt Nam nằm trong danh sách một trong những nước hàng đầu thế giới về lạm dụng không gian mạng để làm những việc vi phạm đạo đức, pháp luật. Một trong những mục đích của những việc làm vi phạm này là kinh doanh kiếm tiền. Vì thế, Bộ quyết liệt triển khai các giải pháp để làm “sạch” nội dung trên mạng, không cho phép các hành vi vi phạm, gian lận tiếp tục có điều kiện phát triển. Tuy nhiên, song song với việc quản lý, xử lý nghiêm của cơ quan quản lý nhà nước, để làm lành mạnh hóa không gian mạng có vai trò quan trọng của chính mạng lưới quản lý đa kênh và những người làm sáng tạo nội dung trong việc vừa xây dựng, phát triển nội dung “sạch” vừa tích cực đấu tranh với nội dung xấu, độc, “bẩn” trên mạng.