Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2013 chỉ tăng 1,32% so với tháng 1, nhưng so với mục tiêu kiểm soát CPI cả năm ở mức 6-6,5% vẫn là khó khăn. Do vậy, vẫn rất cần thận trọng trong việc điều hành, kiểm soát CPI.
Không bất ngờ về mức tăng CPI
Tháng 2/2013 là tháng Tết Nguyên đán nên nhiều ý kiến lo ngại về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước sẽ tăng đột biến. Tuy nhiên, CPI tháng này chỉ tăng 1,32% so với tháng 1/2013.
Mức tăng giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 2/2013 không quá cao so với mặt bằng 5 năm gần đây. |
Theo Tổng cục Thống kê- TCTK (Bộ Kế hoạch- Đầu tư), mức tăng này thấp hơn rất nhiều so với mức tăng từ 2- 3,56% của các tháng 2 kể từ năm 2002 trở lại đây.
CPI tháng Tết tăng không đột biến
Bảng công bố CPI tháng 2/2013 của cả nước cuối tuần qua của TCTK cho thấy: CPI tháng 2/2013 thấp hơn mức tăng 1,37% của tháng 2/2012 và thấp hơn rất nhiều so với mức tăng từ 2- 3,56% của các tháng 2 kể từ năm 2002 lại đây.
Nguồn cung và hệ thống phân phối dồi dào làm giá các mặt hàng dịp Tết Nguyên đán không tăng đột biến. |
Theo đó, CPI tháng 2 tăng ở 10/11 nhóm trong Rổ hàng hóa chung với mức tăng từ 0,03 - 2,28%; trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức tăng cao nhất là 2,28%, nhóm giáo dục có mức tăng thấp là 0,03%. Cụ thể: Nhờ nguồn cung về lương thực ổn định, chỉ số giá lương thực chỉ tăng nhẹ 0,37% khi nhu cầu của người dân tiêu dùng Tết về mặt hàng gạo tẻ ngon và gạo nếp tăng mạnh. Tuy nhiên, tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, giá lương thực lại giảm 0,85%, trong đó giảm mạnh là mặt hàng gạo tẻ thường do vào thời điểm thu hoạch vụ lúa đông xuân.
Với nhóm hàng thực phẩm, do nhu cầu thực phẩm trong dịp Tết cổ truyền tăng cao nên chỉ số giá thực phẩm tăng tới 3%; trong đó thịt lợn tăng 2,27%, thịt bò tăng 6,62%, thủy sản tăng 3,66%, gia cầm tươi sống tăng 5,%, đặc biệt là gà ta do nhu cầu cúng lễ của người dân trong dịp Tết tăng.
Cùng với thực phẩm, nhóm đồ uống và thuốc lá cũng có mức tăng mạnh với 1,5%. Đây đều là những mặt hàng có nhu cầu lớn trong dịp Tết. Xét theo khu vực, chỉ số giá tháng này ở thành thị tăng 1,24%, còn tại nông thôn là 1,39%.
Hàng hóa dồi dào, giá cả không “sốt”
Đại diện Bộ Công Thương cho rằng, CPI tháng Tết tăng thấp là do cung - cầu ổn định, hàng hóa trên thị trường dồi dào và giá cả được kiểm soát khá tốt. Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp, địa phương chuẩn bị đủ hàng hóa cho Tết Quý Tỵ; đồng thời không để tăng giá.
CPI tháng 2/2013 của một số thành phố lớn cụ thể như sau: Hà Nội tăng 1,3%, TP.HCM tăng 1%, Hải Phòng tăng 1,32%, Đà Nẵng tăng 1,23%, Cần Thơ tăng 1,21%... |
Đề cập tới vấn đề này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng: Năm 2012 kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp (DN) có kết quả sản xuất kinh doanh giảm mạnh nên mức thưởng Tết Nguyên đán tính chung giảm khoảng 10% so với năm ngoái. Trong khi đó, kinh tế năm 2013 vẫn chưa có những tín hiệu tốt nên đa số người làm công ăn lương đều có xu hướng tiêu dùng tiết kiệm hơn, chỉ mua sắm những hàng hóa thiết yếu, giảm chi những hàng hóa dịch vụ xa xỉ. Xu hướng này đã góp phần “hạ nhiệt” nhu cầu tiêu dùng, vốn thường rất “nóng” trong dịp Tết.
Bên cạnh đó, chính sách bình ổn giá, dự trữ hàng hóa thiết yếu trước, trong và sau Tết Nguyên đán được triển khai mạnh mẽ ở hai thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và TP.HCM, đã góp phần giúp kiềm chế tăng giá đột biến nhiều mặt hàng có sức tiêu thụ mạnh trong dịp Tết.
Theo Tổ điều hành thị trường trong nước (Bộ Công Thương), hàng hóa cung ứng cho dịp Tết vừa qua khá dồi dào. Giá trị hàng hóa cả nước chuẩn bị cho tháng Tết khoảng 170.000 - 180.000 tỷ đồng. Bên cạnh lượng hàng hóa được hỗ trợ từ chương trình bình ổn, hàng hóa Tết được các địa phương, các DN lên kế hoạch chuẩn bị với giá trị cao hơn mức tiêu thụ của tháng bình thường từ 15 - 20% và cao hơn cùng kỳ năm trước khoảng 5 - 10%.
Nhận định về giá cả hàng hóa cung ứng trong dịp Tết vừa qua, đại diện Bộ Tài chính cho rằng: Do nguồn cung hàng hóa dồi dào về số lượng, đa dạng về chủng loại, phong phú về bao bì nên đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm Tết của nhân dân. Giá cả hàng hóa cơ bản ổn định, tuy có tăng nhẹ vào những ngày 28, 29 và mùng 3, 4 Tết theo quy luật Tết hàng năm, nhưng không xảy ra hiện tượng thiếu hàng gây “sốt” giá.
Dự báo về mức tăng CPI tháng 3/2013 và các tháng tiếp theo, các chuyên gia cho rằng: CPI tháng 2 tăng không cao nhưng nếu sau Tết Nguyên đán, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng theo đề nghị trước đó của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, thì CPI tháng 3 và các tháng tiếp theo sẽ có mức tăng tương đối. Theo tính toán, nếu giá xăng dầu được điều chỉnh tăng thêm 1.000 đồng/lít thì CPI tháng 3 có thể sẽ tăng thêm hơn 0,1%.