Theo đó, nhằm tiếp tục triển khai hoàn thiện hạ tầng số hóa với VietQR trên cơ sở triển khai Quyết định 810/QĐ-NHNN ngày 11/05/2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, NAPAS đã phối hợp các ngân hàng thành viên hoàn thiện phát triển dịch vụ rút tiền qua ATM liên thông giữa các ngân hàng bằng mã VietQR (tên dịch vụ: VietQRCash).
Ông Nguyễn Quang Minh cho biết: Ý nghĩa của sự hợp tác giữa NAPAS và các ngân hàng trong triển khai, cung cấp dịch vụ VietQRCash không chỉ nhằm hoàn thiện hạ tầng số với mã VietQR mà còn đánh dấu bước phát triển mới trong hành trình số hóa các sản phẩm, dịch vụ thanh toán của ngân hàng, mang đến trải nghiệm đồng bộ cho khách hàng từ việc mở tài khoản thanh toán trực tuyến và thẻ phi vật lý, đến thực hiện các giao dịch chuyển khoản, thanh toán bằng mã VietQR.
Tại giai đoạn đầu triển khai dịch vụ, khách hàng có thẻ NAPAS và sử dụng ứng dụng mobile banking của 8 ngân hàng gồm BIDV, VietinBank, Vietcombank, Agribank, Saigonbank, Sacombank, NCB và Nam A Bank có thể thực hiện rút tiền trên hệ thống ATM của 6/8 ngân hàng (hiện chưa bao gồm ATM của ngân hàng NCB và Nam A Bank) thông qua phương thức quét mã VietQR mà không cần mang theo thẻ vật lý.
Để giao dịch rút tiền, khách hàng chỉ cần truy cập ứng dụng thanh toán của các ngân hàng (mobile app), quét mã QR hiển thị trên màn hình ATM. Sau khi chọn loại thẻ (trong trường hợp có nhiều thẻ), khách hàng có thể lựa chọn số tiền cần rút trên mobile app của ngân hàng hoặc trên ATM và hoàn thành bước xác thực.
Hạn mức và phí giao dịch tương tự như quy định hiện nay đối với giao dịch rút tiền trên ATM bằng thẻ NAPAS. Tổng số lượng ATM của các ngân hàng đầu tiên triển khai dịch vụ VietQRCash chiếm hơn 60% tổng số lượng ATM hiện có trên thị trường sẽ là điều kiện thuận lợi giúp khách hàng gia tăng trải nghiệm khi sử dụng dịch vụ mới.
“Sau khi hoàn thành triển khai với 8 ngân hàng đầu tiên, NAPAS sẵn sàng mở rộng kết nối dịch vụ VietQRCash ra toàn thị trường ngay trong năm nay, qua đó góp phần hoàn thiện hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số, đáp ứng nhu cầu thanh toán của mọi người dân và hỗ trợ các hoạt động chuyển đổi số trong các lĩnh vực của nền kinh tế”, Tổng Giám đốc NAPAS chia sẻ.
Phát biểu tại lễ ra mắt, ông Lê Văn Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước đánh giá, việc NAPAS phối hợp với các ngân hàng triển khai thêm dịch vụ rút tiền bằng mã VietQR sẽ giúp đem lại sự tiện ích cho khách hàng khi có nhu cầu cần tiền mặt cũng như đem đến trải nghiệm dịch vụ đồng nhất cho khách hàng khi sử dụng ứng dụng thanh toán di động của các ngân hàng. Bên cạnh đó, dịch vụ mới cũng sẽ giúp tối ưu hóa hiệu quả đầu tư hệ thống ATM của các ngân hàng và giảm chi phí phát hành thẻ vật lý cho các đối tượng chỉ có nhu cầu giao dịch trực tuyến.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đề nghị NAPAS và các ngân hàng tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tập trung thực hiện chất lượng, hiệu quả các nội dung liên quan đến chuyển đổi số và hoàn thiện hạ tầng số hóa, đảm bảo an ninh an toàn trong hoạt động thanh toán; tăng cường kết nối, thiết lập hệ sinh thái thanh toán số trong các ngành, lĩnh vực kinh tế, đời sống xã hội.
Đồng thời, NAPAS và các ngân hàng cần tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành về hoạt động thanh toán, cũng như các quy định liên quan đến thiết bị chấp nhận thanh toán (bao gồm ATM, POS), các quy định yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo an toàn bảo mật, an toàn thông tin; có biện pháp phòng ngừa rủi ro và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng.
Trước đó, tiêu chuẩn VietQR do NAPAS triển khai lần đầu tiên được ra mắt vào tháng 6/2021. VietQR được xây dựng dựa trên bộ tiêu chuẩn cơ sở QR Code do Ngân hàng Nhà nước ban hành để áp dụng chung cho toàn thị trường, nhằm kết nối chuyển mạch các giao dịch thanh toán và chuyển tiền bằng mã QR giữa các Ngân hàng, Trung gian thanh toán qua hệ thống NAPAS.
Đến nay, cùng với thói quen thanh toán không dùng tiền mặt của người dân ngày càng tăng lên, đặc biệt sau giai đoạn dịch COVID-19 ở nước ta, phương thức chuyển tiền hoặc thanh toán bằng quét mã QR đang được nhiều khách hàng ưa chuộng và quen thuộc sử dụng trong chi tiêu, thanh toán hàng ngày bởi sự nhanh chóng và thuận tiện.