Dành tiền tích góp để cứu người
Giáo sư, bác sĩ Hattori Tadashi là Giám đốc điều hành Tổ chức phòng, chống mù lòa châu Á. Ông là một trong những chuyên gia hàng đầu tại Nhật Bản trong lĩnh vực điều trị các bệnh về đáy mắt, thủy tinh thể, đồng thời là bác sĩ phẫu thuật hàng đầu thế giới với phương pháp cắt dịch kính và phẫu thuật Phaco. Năm 2022, bác sĩ Hattori Tadashi vinh dự đạt giải thưởng Ramon Magaysay, được ví như “Giải Nobel của châu Á”. Với những kinh nghiệm và thành tích “khủng” này, Giáo sư Hattori Tadashi có thể dễ dàng sở hữu một cuộc sống ổn định, thu nhập cao tại "xứ sở hoa anh đào". Thế nhưng, ông lại quyết định lựa chọn một con đường khó khăn nhưng đầy ý nghĩa - đó là hành trình mang lại ánh sáng cho người dân nghèo Việt Nam.
Cuộc đời của ông Hattori Tadashi chính thức rẽ sang một trang mới sau khi ông quyết định tham gia chuyến đi tình nguyện (dự định kéo dài 3 tháng) tại Việt Nam vào tháng 4/2002. Những gì ông chứng kiến tại “dải đất hình chữ S” đã níu đôi chân ông ở lại nơi này cho đến hôm nay.
“Tôi thật sự đau lòng với thực tế nhiều bệnh nhân mất đi một mắt từ lâu, chỉ khi mắt còn lại bị bong võng mạc hay không thể nhìn thấy thì họ mới tìm đến bệnh viện. Có trường hợp bắt buộc phải phẫu thuật nhưng họ nhất quyết trở về vì không có tiền điều trị. Chỉ vì thiếu vật tư và thiết bị phẫu thuật, nhiều người dân đã phải sống trong bóng tối mãi mãi. Những hình ảnh ấy đã khiến tôi đau đáu nỗi buồn và suy nghĩ không thôi. Từ đó, tôi quyết định dành hết số tiền tích góp mua căn hộ chung cư của hai vợ chồng để bắt đầu thực hiện sứ mệnh của mình tại Việt Nam”, Giáo sư, bác sĩ Hattori Tadashi hồi tưởng.
Trong trái tim nhân hậu của bác sĩ nhãn khoa Hattori Tadashi, đến nay vẫn luôn tâm niệm: dù nơi đâu chỉ có một bệnh nhân mù lòa thì ông vẫn sẽ có mặt ở đó để cứu chữa cho họ; không nhất thiết phải có một ngôi nhà quá lớn, số tiền mua nhà sẽ ý nghĩa hơn nếu có thể giúp được nhiều người nhìn thấy ánh sáng và có cuộc sống bình thường. Vì lẽ đó suốt những năm qua, vợ chồng ông vẫn chấp nhận di chuyển nhiều nơi, sống nhà thuê để thực hiện sứ mệnh của một người thầy thuốc, mong muốn thắp lên ánh sáng tươi đẹp cho cuộc sống hàng chục nghìn bệnh nhân Việt Nam.
Lượng bệnh nhân được giúp đỡ tăng dần cũng là lúc nguồn tiền tích lũy của vợ chồng bác sĩ Hattori Tadashi dần cạn kiệt. Để tiếp tục thực hiện mong muốn của mình, những năm qua, ông bắt đầu di chuyển như đưa thoi giữa Việt Nam và Nhật Bản; làm quen với những hộp cơm bento trong cửa hàng tiện lợi và qua đêm trên xe lửa. Sau những ngày giờ làm việc cật lực tại "xứ sở hoa anh đào", ông trở lại Việt Nam cùng những trang thiết bị, thủy tinh thể để cứu giúp các người bệnh.
Những ngày cuối tuần, bác sĩ Hattori Tadashi cùng các đồng nghiệp tại Việt Nam sớm có mặt ở vùng núi, nơi xa xôi khắp cả nước để phẫu thuật, điều trị cho người dân bị đục thủy tinh thể, nguy cơ mù lòa. Theo thời gian, ngày càng có nhiều bác sĩ nhãn khoa đồng hành cùng ông trong hành trình thiện nguyện này, cũng như nhiều mạnh thường quân, tổ chức trong, ngoài nước tìm đến hỗ trợ cho những chuyến đi.
Trên chuyến đi thăm khám, mổ miễn phí cho bà con dân tộc thiểu số vùng núi A Lưới (Thừa Thiên - Huế) vào ngày 26/3 vừa qua, bác sĩ Hattori Tadashi đã trực tiếp tham gia khám cho hàng trăm bà con và mổ đục thuỷ tinh thể cho 42 người bệnh. Vì thời gian có hạn, giáo sư và các bác sĩ nhãn khoa Huế đã phẫu thuật cho các bệnh nhân trong suốt một ngày không ngừng nghỉ. Trong đó, câu chuyện người mẹ 101 tuổi cùng con trai 80 tuổi tại huyện nghèo này tìm được tia sáng đầu tiên trong cuộc đời mình đã để lại nhiều cảm xúc cho đoàn thiện nguyện.
“Người dân nghèo thường dễ dàng chấp nhận sống chung với bệnh tật mà không đến bệnh viện điều trị để tiết kiệm tiền. Nhưng bác sỹ Hattori Tadashi đã không ngại xa xôi, khó khăn tìm đến bệnh nhân giúp họ được phẫu thuật miễn phí. Điều đó rất đáng trân trọng. Nếu không có bác sỹ Hattori, người dân nghèo tại Huế sẽ cam tâm sống phần đời còn lại của mình trong bóng tối mãi mãi”, ông Nguyễn Dung, Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế chia sẻ khi cùng tham gia chuyến đi đến A Lưới.
Người đặt nền móng cho sự phát triển của Bệnh viện Mắt Huế
Đến Huế vào hơn 20 năm trước, Giáo sư Hattori Tadashi đã tìm hiểu rất nhiều về ngành nhãn khoa nơi này và nhận thấy nhiều vấn đề cấp bách. Khi ấy, Trung tâm Mắt Huế (tiền thân của Bệnh viện Mắt Huế) chỉ là một cơ sở y tế quy mô nhỏ, cơ sở vật chất chưa hoàn thiện, thiếu thốn trang thiết bị. Các bác sĩ khó có điều kiện học hỏi, tiếp nhận các kĩ thuật tiên tiến.
Từ đó đến nay, đều đặn hàng năm, bác sĩ Hattori Tadashi đến Thừa Thiên - Huế 2 - 3 lần và không quên mang theo các thiết bị máy móc, vật tư phục vụ cho ngành mắt địa phương từ nguồn hỗ trợ của Chính phủ, Đại sứ quán Nhật Bản. Nhiều trang thiết bị nhãn khoa hiện đại được trang bị tại Bệnh viện Mắt Huế như máy phaco, máy siêu âm, sinh hiển vi phẫu thuật, máy chụp cắt lớp võng mạc OCT…
Ở mỗi chuyến đi, ông không chỉ trực tiếp tham gia phẫu thuật cho bệnh nhân mà còn tận dụng cơ hội để hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật cho các bác sĩ Bệnh viện Mắt Huế.
Những năm đầu, giáo sư chuyển giao cho các bác sĩ nhãn khoa tại Huế kỹ thuật mổ phaco cho bệnh nhân bị đục thủy tinh thể. Đến nay, 4 bác sĩ của Bệnh viện Mắt Huế đã phẫu thuật thành thạo kỹ thuật này, mang đến ánh sáng cho khoảng 6.000 trường hợp.
Trước thực tế ngày càng nhiều bệnh nhân bị mắc các bệnh mắt về bán phần sau như võng mạc tiểu đường, thoái hóa hoàng điểm tuổi già, Glaucoma… bác sĩ Hattori Tadashi tiếp tục cập nhập thêm cho các bác sĩ kỹ thuật khám, điều trị và phẫu thuật những bệnh lý trên.
Năm 2023, Bệnh viện Mắt Huế tiếp tục nhận được sự kết nối của Giáo sư, nhận được viện trợ 20.000 USD cho dự án phẫu thuật mắt miễn phí cho trẻ em nghèo dưới 20 tuổi.
“Giáo sư Hattori Tadashi là một trong 10 bác sĩ nhãn khoa mổ dịch kính bong võng mạc hàng đầu thế giới hiện nay. Ông đã có đóng góp to lớn, đặt nền móng vững chắc giúp Bệnh viện Mắt Huế trở thành một trong bốn bệnh viện mắt hàng đầu trên cả nước. Người dân Huế nay không cần phải đến Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh để điều trị như trước, mà có thể được phẫu thuật các kỹ thuật chuyên sâu, hiện đại tại đơn vị”, Giám đốc Bệnh viện Mắt Huế Phạm Minh Trường chia sẻ.
Ghi nhận hành động và tấm lòng nhân hậu, cao quý của ông Hattori Tadashi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, bác sĩ Hattori đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng mỗi người dân và góp phần lan tỏa niềm tin, hy vọng trong cộng đồng xứ Huế. Bằng sự đồng hành, hướng dẫn tận tâm của mình, ông là tấm gương sáng, động lực cho đội ngũ y bác sĩ Thừa Thiên - Huế nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn và phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.
Vì những cống hiến lớn lao của mình trong việc khôi phục khả năng thị giác cho hàng chục nghìn người dân Việt, Giáo sư, bác sĩ Hattori Tadashi đã được Chủ tịch nước trao tặng Huy chương Hữu nghị và Bộ Y tế trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân”.
Đằng sau thành công và hành trình nhân văn của bác sĩ Hattori Tadashi không thể không nhắc đến bà Hoàng Thị Thanh Hoài, người vợ đã đồng hành cùng ông trong suốt chặng đường dài hơn 20 năm qua. Bà Hoài bộc bạch: “Nếu anh ấy muốn làm những việc trân quý như vậy thì tôi vẫn sẽ luôn ủng hộ và hỗ trợ hết sức mình”.
Theo giáo sư Hattori Tadashi, chuyến đi đến Việt Nam dự định kéo dài 3 tháng vào năm 2002 của ông đã được kéo dài hơn 20 năm qua và nay nó vẫn đang và sẽ tiếp tục được gia hạn. Chuyến đi đó lấy đi của ông nhiều thứ nhưng mang lại ánh sáng cho hơn 60.000 người dân và tạo nên nền y học nhãn khoa tiến bộ vượt bậc cho “dải đất hình chữ S”.