Những ngày đầu Xuân Canh Tý, dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (nCoV) gây ra bất ngờ bùng phát gây ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống xã hội.
Trong sự lo lắng của người dân, khẩu trang y tế và nước rửa tay trở thành những mặt hàng thiết yếu được mọi người ráo riết tìm mua như một "cứu cánh" để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình, phòng ngừa dịch bệnh nguy hiểm này. Chính tâm lý ấy đã gây ra hiện tượng khan hiếm các loại vật phẩm y tế như khẩu trang, nước rửa tay, thuốc sát trùng… đẩy giá cả leo thang, gây bức xúc dư luận. Các cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc, kiểm tra và xử lý nhiều trường hợp cố tình "găm" hàng để bán với giá cao, thu lời bất chính. Trong bối cảnh ấy, việc làm tuy nhỏ nhưng mang ý nghĩa rất lớn của một cô bé, đội viên Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh đã khiến nhiều người cảm phục.
Chị Nguyễn Mai Anh, Ban Tuyên giáo Thành đoàn Hà Nội cho biết: Chiều 5/2, chúng tôi bất ngờ được đón một vị khách đặc biệt. Khi được biết lý do em tìm đến Thành đoàn Hà Nội, mọi người đều ngỡ ngàng và cảm phục trước việc làm đầy ý nghĩa của cô bé Nguyễn Ngọc Trinh.
Em Nguyễn Ngọc Trinh, học sinh lớp 4C1, Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã quyết định ủng hộ toàn bộ số tiền em được mừng tuổi dịp Xuân Canh Tý 2020 để mua khẩu trang và nước rửa tay phát cho người dân Thủ đô. Ngọc Trinh đã nhờ bác ruột của mình đưa tới trụ sở Thành đoàn Hà Nội để ủng hộ số tiền 3.180.000 đồng, góp phần vào công tác phòng, chống dịch bệnh do chủng mới của virus Corona gây ra.
Trong chiếc áo đồng phục học sinh tiểu học, gương mặt ánh lên niềm vui cùng nụ cười bẽn lẽn, Trinh chia sẻ: Em mong muốn gửi toàn bộ số tiền mà mình được mừng tuổi Tết Canh Tý 2020 vừa qua để góp cùng các anh chị cán bộ, đoàn viên, thanh niên Thủ đô mua khẩu trang, nước rửa tay phát miễn phí cho người dân. Em xin gửi toàn bộ số tiền 3.180.000 đồng là tiền em được mừng tuổi trong dịp Tết Nguyên đán tới Thành đoàn Hà Nội cùng một bức thư đặc biệt gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Trong bức thư gửi người đứng đầu Chính phủ, cô bé viết: "… Những ngày này, qua ti-vi, đài báo nói về dịch Corona, cháu hết sức lo lắng khi phải nghỉ học ở nhà. Cháu luôn suy nghĩ và nhớ đến lời ông dặn mọi người hãy "Chống dịch như chống giặc". Vì vậy, cháu đem toàn bộ số tiền được lì xì ngày Tết vừa rồi là 3.180.000 đồng góp với Thành đoàn Hà Nội để mua khẩu trang và nước rửa tay phục vụ mọi người phòng chống dịch bệnh như lời ông dặn. Cháu cũng sẽ xin tham gia cùng các anh chị Thành đoàn Hà Nội đi phát khẩu trang và nước rửa tay cho nhân dân trong những ngày sắp tới. Cháu cũng mong muốn có nhiều bạn và các anh chị đoàn viên thanh niên tham gia việc này để có thể phòng dịch một cách tốt nhất".
Thay mặt Thành đoàn Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Đội thành phố Hà Nội Bùi Lan Phương đã tiếp nhận số tiền mà em Nguyễn Ngọc Trinh đóng góp. Chị Phương cho biết, số tiền này sẽ được sử dụng để mua khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn và được Đoàn Thanh niên thành phố tổ chức phát miễn phí vào ngày 8/2 tại 6 địa điểm di tích, thắng cảnh cùng nhiều tuyến phố trên địa bàn Thủ đô. Cô bé đội viên Nguyễn Ngọc Trinh sẽ tham gia cùng đoàn viên, thanh niên thành phố gửi tận tay những chiếc khẩu trang này đến các bạn thanh thiếu nhi và người dân; qua đó cùng chung tay góp sức phòng, chống dịch bệnh do chủng mới của virus Corona gây ra.
Ngọc Trinh cũng cho biết: Khi trở lại lớp học, em sẽ cùng các bạn trong lớp làm Dự án Phòng chống dịch nCoV, trong đó chúng em sẽ cùng nhau hoàn thiện sơ đồ tư duy những hiểu biết về dịch nCoV; đóng góp khẩu trang, nước rửa tay tặng các bạn thiếu nhi, đội viên; tuyên truyền tới các bạn đội viên về cách sử dụng khẩu trang và rửa tay đúng cách…
Được biết, ngay từ khi vào trường, Nguyễn Ngọc Trinh luôn tích cực tham gia các hoạt động của Liên đội Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, các hoạt động thúc đẩy văn hóa đọc trong thanh thiếu nhi Thủ đô… Năm 2018, em vinh dự được lựa chọn là Đại sứ văn hóa đọc Thủ đô. Trong mỗi việc làm của mình, cô bé đội viên Nguyễn Ngọc Trinh luôn cố gắng học theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu: "Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình…".