Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thắc (áo xanh bộ đội) đang hướng dẫn công việc cho công nhân tại xưởng.
|
Họ miệt mài, nỗ lực vượt khó làm giàu cho bản thân và góp sức xây dựng, kiến tạo diện mạo của quê hương. Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thắc (sinh năm 1962, xã Thuận Đức, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) là một trong những gương sáng điển hình như thế.
Năm 1978, người thanh niên Nguyễn Văn Thắc với nhiệt huyết của tuổi trẻ đã lên đường nhập ngũ, tham gia lực lượng thanh niên xung phong ở Thạch Hãn. Năm 1980. Nguyễn Văn Thắc trở thành kỹ thuật viên sửa chữa máy bay tại Trung đoàn 910, Trường Sỹ quan chỉ huy kỹ thuật không quân tại Nha Trang. Sau bốn năm sát cánh cùng đồng đội, người lính trẻ xuất ngũ, trở về quê hương với hành trang là chiếc ba lô đã bạc màu và một ý chí sắt son, trung kiên. Năm 1985, Nguyễn Văn Thắc bén duyên và xây dựng gia đình với nữ công nhân Lâm trường Đồng Hới Hoàng Thị Hương.
Với đồng lương công nhân eo hẹp, hai vợ chồng không đủ trang trải sinh hoạt của gia đình và chăm lo cho 3 con thơ ăn học. Nguyễn Văn Thắc đã cùng vợ mạnh dạn nhận 20ha rừng thông từ Lâm trường để chăm sóc và khai thác nhựa thông. Nhưng khó khăn vẫn cứ chồng chất, nhiều đêm suy tư, trăn trở tìm hướng làm ăn, năm 2004 với chút vốn giắt lưng ít ỏi, cựu chiến binh Nguyễn Văn Thắc quyết chí mở xưởng cưa xẻ gỗ.
Nhớ lại những ngày đầu mở xưởng, cựu chiến binh Nguyễn Văn Thắc bộc bạch, sau nhiều năm làm, số tiền anh tiết kiệm dành dụm chỉ đủ mua một cái máy cưa gỗ trị giá 17 triệu đồng. Nhà xưởng tạm bợ, chật chội, công nhân lành nghề quá ít trong khi khối lượng công việc khá lớn nên công việc ở xưởng gặp nhiều khó khăn.
May mắn là vào thời điểm đó, trên địa bàn chưa có mấy cơ sở chế biến, cưa xẻ gỗ, trong khi bà con ở đây chủ yếu trồng rừng nguyên liệu như tràm, keo, thông… nên nhu cầu lớn, nhờ vậy xưởng cưa xẻ gỗ của anh hoạt động liên tục. Lãi từ xưởng cưa chỉ đủ trang trải các chi phí sinh hoạt gia đình và trả lương cho 5 công nhân tại xưởng.
"Công việc của xưởng lúc đầu gặp nhiều khó khăn, nhiều khi nản muốn bỏ nhưng nhờ được rèn luyện qua thời gian quân ngũ, tôi đã luyện cho mình ý chí kiên cường, quyết tâm không lùi bước và tiếp tục chiến đấu”, cựu chiến binh Nguyễn Văn Thắc trải lòng.
Vừa làm vừa tích lũy vốn, kinh nghiệm và phát triển nhà xưởng. Hiện cựu chiến binh Nguyễn Văn Thắc là Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tấn Phương, chuyên chế biến, cưa xẻ gỗ và sản xuất đồ gỗ gia dụng, mộc mỹ nghệ. Cơ sở ngày càng được nâng cấp, quy mô nhà xưởng mở mang diện tích khoảng 3000m2, với 5 máy cưa xẻ gỗ hiện đại… tổng vốn đầu tư trên 4 tỷ đồng. Nhờ uy tín, chất lượng cùng giá thành cạnh tranh nên các mối hàng, đối tác kinh doanh luôn tin tưởng và hài lòng khi làm việc với cựu chiến binh Nguyễn Văn Thắc.
Xưởng gỗ của cựu chiến binh Nguyễn Văn Thắc góp phần giải quyết việc làm cho gần 20 lao động là hội viên, con em cựu chiến binh với mức lương ổn định từ 6- 15 triệu đồng/tháng/người. |
Sau siêu bão số 10/2017, hàng ngàn hecta cao su của người dân địa phương bị gãy đổ, gây thiệt hại nghiêm trọng. Chia sẻ bớt khó khăn với bà con, cựu chiến binh Nguyễn Văn Thắc đã huy động nguồn vốn và nhân công để tận thu, mua lại gỗ cây cao su gãy đổ về chế biến. Để duy trì hoạt động nhà xưởng với những đơn hàng ngày càng lớn, ông Thắc cũng nhạy bén đến các tỉnh lân cận như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị để thu mua gỗ nguyên liệu như bạch đàn, keo, tràm, thông… về chế biến, sản xuất.
Vượt qua những năm tháng gian nan trên con đường khởi nghiệp, đến nay doanh thu từ nhà xưởng của gia đình ông Thắc luôn đạt cao (trên 2 tỷ đồng/năm). Qua đó, góp phần giải quyết việc làm cho gần 20 lao động là hội viên, con em cựu chiến binh với mức lương ổn định từ 6- 15 triệu đồng/tháng/người và hàng chục lao động thời vụ. Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân địa phương, năm 2017, gia đình ông đầu tư hơn 1 tỷ đồng mở siêu thị mini, tạo việc làm cho 5 lao động với thu nhập 4-5 triệu đồng/người/tháng.
Chia sẻ về kế hoạch sắp tới, cựu chiến binh Nguyễn Văn Thắc cho hay: “Thời gian tới, công ty tiếp tục đầu tư và mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư nhà xưởng hiện đại hơn. Hiện nay du lịch được coi là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Quảng Bình. Vì vậy, gia đình sẽ đầu tư xây dựng nhà hàng, khách sạn nghỉ dưỡng, nhằm phát triển dịch vụ du lịch, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho con em địa phương”
Khoác trên mình màu áo xanh bộ đội, người cựu chiến binh ấy vẫn lặng lẽ, bình dị và rất đỗi khiêm nhường. Niềm hạnh phúc trọn vẹn hơn khi ba người con của cựu chiến binh Nguyễn Văn Thắc đều có công việc ổn định và thành đạt, nối tiếp người cha đáng kính có những đóng góp hữu ích cho xã hội.
Người cựu chiến binh từ tốn cho hay: Là một người lính, trong đời thường hay trong sản xuất kinh doanh, mình phải đặt chữ tâm, chữ tín làm trọng; càng khó khăn càng giúp ta tôi luyện trưởng thành. Các bạn trẻ ngày nay rất năng động, sáng tạo và thông minh, hãy cố gắng phát huy góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Thuận Đức, thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) Cao Thanh Dương nhận định: Với bản lĩnh và sự nhanh nhạy, cựu chiến binh Nguyễn Văn Thắc luôn nỗ lực vượt qua những khó khăn, là một trong những doanh nhân cựu chiến binh thành đạt. Ông là hội viên điển hình được Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam cấp Giấy chứng nhận cựu chiến binh sản xuất kinh doanh giỏi năm 2017.
Không chỉ sản xuất kinh doanh giỏi, ông Thắc còn tích cực tham gia xây dựng phát triển hội cơ sở và các hoạt động xã hội, từ thiện, giúp đỡ tạo việc làm cho cựu chiến binh và con em hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Ông Thắc xứng đáng là gương sáng điển hình trong lao động sản xuất để thế hệ trẻ noi theo.