Người thương binh chỉ còn một cánh tay ấy luôn gắn bó với người dân ở bản làng xa xôi, đau đáu về ước vọng giúp đồng bào dân tộc miền núi đỡ vất vả hơn. Khi biết mình được Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố Hà Nội đề nghị xét, tặng thưởng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2018, ông chỉ cười "Tôi còn phải phấn đấu nhiều".
Ông Ngọc Trình từng tham gia kháng chiến chống Pháp từ năm 11 tuổi, bị thương và mất một tay trong chiến dịch chặn đánh quân địch ở thị xã Ninh Bình. Tấm gương về Trịnh Ngọc Trình đã trở thành nguyên mẫu của câu chuyện "Em Ngọc" đã từng được đưa vào "Tuyển tập Văn lớp 5", là tài liệu học tập của nhiều thế hệ học sinh trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ. Năm 1952, ông Ngọc Trình được cử đi học và trở về làm giáo viên, giảng dạy nhiều năm ở Tây Bắc. Năm 1960, ông về trường Đại học Sư phạm Hà Nội học rồi trở thành giảng viên và Bí thư Đoàn trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Năm 1964, ông cùng tập thể Ban Chấp hành Đoàn trường khởi xướng và phát động phong trào “Tam bất kì” ở các chi đoàn của trường Đại học Sư phạm Hà Nội sau đó được Thành đoàn Hà Nội đổi tên thành phong trào “Ba sẵn sàng”.
Phong trào “Ba sẵn sàng” đã được Thành đoàn Hà Nội nhân rộng, phát động và nhanh chóng trở thành phong trào thi đua yêu nước của thế hệ trẻ thời kháng chiến chống Mỹ. Hàng vạn sinh viên, thanh niên Hà Nội đã chích tay lấy máu viết đơn sẵn sàng đi bất cứ nơi nào Đảng cần, sẵn sàng chiến đấu hi sinh vì miền Nam ruột thịt, bảo vệ miền Bắc…Năm 1965, ông Trình chuyển sang công tác tại Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đến năm 1975 chuyển về Đại học Sư phạm Hà Nội làm Trưởng phòng Công tác Chính trị. Khi đó, ông đã đề xuất thành lập bộ môn “Giáo dục thời sự chính sách”; trực tiếp làm chủ nhiệm bộ môn và là giảng viên chính giảng dạy cho sinh viên năm thứ tư để kịp thời thông tin những chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, của Đảng bộ Hà Nội nhằm giáo dục, uốn nắn những lệch lạc; biểu dương gương người tốt, việc tốt trong thanh niên, học sinh, sinh viên.
Tháng 3/1990, ông được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ nhiệm làm Giám đốc Tổ chức hỗ trợ phát triển giáo dục miền núi (HEDO). Ông đã cùng mọi người vận động và thực hiện thành công hơn 200 chương trình, dự án phục vụ đồng bào ở những vùng miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thuộc 43 tỉnh thành. Ông Trình nhớ lại: “Hồi đó được cử làm Giám đốc, tôi băn khoăn lắm. Mình sẽ bắt đầu từ đâu, bắt đầu như thế nào. Rồi tôi nghĩ, bom đạn, chiến tranh khốc liệt như thế mình còn vượt qua được, xá gì những công việc này. Tôi coi công việc mới như một thách thức, một nhiệm vụ mình phải hoàn thành bằng mọi giá”.
Càng đi đến các vùng miền núi, tiếp xúc với cuộc sống của đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng, Giáo sư Trịnh Ngọc Trình càng nhận thấy đời sống của đồng bào, thanh niên, thiếu niên nơi đây còn rất nhiều khó khăn và thiếu thốn. “Đồng bào mình ở vùng cao vẫn còn tình trạng mù chữ, tảo hôn, sinh nhiều con. Trẻ em thì không được đến trường, gia đình quanh năm thiếu ăn... Tôi quyết tâm tìm cách giúp đỡ họ”, ông Trình kể lại.
Ông và các thành viên của HEDO đã vận động các tổ chức, bạn bè quốc tế và trong nước hỗ trợ cho việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và tuổi trẻ miền núi. Ông cùng đồng nghiệp ở HEDO vận động tài trợ để thực hiện các dự án xây dựng trường học, thư viện, phòng thí nghiệm, trung tâm văn hóa dân tộc, xây dựng các trạm xá, bồi dưỡng và đào tạo y tá bản làng…Ông còn lặn lội đi xin trang thiết bị, thuốc men ở các nước về hỗ trợ nguồi dân vùng miền núi và dân tộc đang còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Không chỉ quan tâm đến lĩnh vực giáo dục, người thương binh tràn đầy nhiệt huyết còn xây dựng và thực hiện nhiều dự án trồng cây gây rừng, phủ xanh đồi trọc, bồi dưỡng kỹ năng chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, kế hoạch hóa gia đình trong trường học và cộng đồng, phòng chống ma túy trong học đường và tiến hành một số dự án xóa đói, giảm nghèo…
Ông Trình tâm sự: “Từ việc xây dựng ngôi trường đầu tiên ở Lào Cai, nhiều cá nhân, tổ chức cả trong và ngoài nước đã tìm đến với HEDO. Họ hỏi tôi liệu có làm được các dự án khác ngoài lĩnh vực giáo dục hay không. Tôi liền trả lời ngay, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rồi: Cái gì làm được cho dân bớt khổ phải gắng mà làm. Câu nói đó của Người đã thôi thúc tôi không quản ngại khó khăn, mệt nhọc, những cơn đau của vết thương chiến tranh để mà đi, làm tiếp những công việc còn dang dở”.
Đến nay, mặc dù đã trên 80 tuổi, ông Trình vẫn tích cực tham gia các dự án hỗ trợ phát triển giáo dục tại các tỉnh miền núi trên khắp cả nước. Với những đóng góp trên, ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất. Năm 2009 ông được Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Thấy chúng tôi tỏ ý lo lắng cho sức khỏe của ông khi hay vào tin tháng 5/2018 ông phát hiện bị ung thư phổi, ông Trình cười rất tươi và nói: “Tôi thấy mình càng đi, càng làm lại càng khỏe ra”.
Chia tay ông trong chiều thu nắng vàng trải khắp phố phường Hà Nội, ấn tượng về một người có đôi mắt sáng rực, lấp lánh khi kể về những dự án, những ước mơ dành cho người dân vùng cao, vùng sâu còn in đậm mãi trong tâm trí chúng tôi. Có lẽ, với ông - Giáo sư Trịnh Ngọc Trình - tinh thần của “Em Ngọc” ngày nào vẫn còn nguyên vẹn như khi “em Ngọc” nằm trên bàn mổ để bác sĩ cưa tay vẫn hét vang xin giữ lại cánh tay để được tiếp tục đánh giặc cứu nước năm nào.