Cụ luôn đau đáu nỗi niềm bảo tồn và phát huy giá trị dân ca Quan họ Bắc Ninh để “trả nợ” với UNESCO.
Duyên Quan họ Nghệ nhân Nguyễn Thừa Kế (thứ 2, bên trái) trong một buổi sinh hoạt Quam họ.
|
Tâm sự về cơ duyên đến với Quan họ, cụ Kế cho biết, làng Duệ Đông là một trong 49 làng Quan họ cổ, nổi tiếng khắp vùng. Năm 16 tuổi, cụ tham gia vào đội thợ xây ở làng. Để quên đi những mệt mỏi công việc, mọi người thường ca những bài Quan họ cho nhau nghe. Bởi vậy, cụ được biết đến Quan họ nhiều hơn và ngày càng gắn bó với làn điệu này. Ngày đi làm, tối về cụ tiếp tục chơi Quan họ cùng các thanh niên trong làng.
Lớn lên, cụ Kế tham gia khởi nghĩa, đóng góp công sức vào thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Sau đó, cụ tiếp tục tham gia các cuộc chiến đấu và được bổ nhiệm làm cán bộ huyện. Trong quá trình công tác, cụ Kế luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao và luôn song hành cùng nhiệm vụ bảo tồn Quan họ.
Sau năm 1980, cụ Kế về nghỉ hưu và tiếp tục theo đuổi niềm đam mê của mình, cùng sinh hoạt Quan họ với các liền anh, liền chị trong làng. Tuy nhiên, lúc này thấy phong trào luyện tập Quan họ lắng xuống, cụ cùng những người yêu Quan họ trong làng như cụ Nguyễn Văn Đắc (sinh năm 1923), cụ Nguyễn Mậu Chùa và cụ Nguyễn Khoa Ngung (đã mất) vận động mọi người, đóng góp sức người, sức của thực hành, truyền dạy Quan họ.
Năm 1992, Câu lạc bộ Quan họ làng Duệ Đông chính thức được thành lập mà cụ và nghệ nhân Nguyễn Văn Đắc đến nay vẫn là hạt nhân chính. Mặc dù tuổi cao, sức yếu nhưng hai cụ vẫn miệt mài truyền dạy Quan họ cho nhiều thế hệ nơi đây. Từ đó đến nay, với tâm niệm ngày xưa các cụ đã dạy mình cái gì thì mình truyền dạy cho các con cháu cái đó.
Sau khi giao bài, hát mẫu cho lớp những người trong câu lạc bộ Quan họ lớn tuổi trong làng, mỗi tuần cụ lại dành ra một buổi, kiểm tra, uốn nắn từng lời ca, giọng ngân của “từng học viên”.
Sau khi lớp học trò của cụ đạt được đến giọng chuẩn, theo tiêu chí vang, rền, nền, nảy của người Quan họ, cụ giao nhiệm vụ cho các thành viên tiếp tục truyền dạy cho các lớp kế cận, đặc biệt là các cháu thiếu nhi. Nhờ vậy, đến nay, ở thôn Duệ Đông hầu hết mọi người đều có thể thành thục được một số làn điệu Quan họ.
Không chỉ trực tiếp tham gia truyền dạy Quan họ, nghệ nhân Nguyễn Thừa Kế còn trực tiếp tham gia biểu diễn Quan họ. Cụ Kế tâm sự: Hàng năm, vào hội Lim, cụ Kế thường hát trên sân khấu chính để mở màn cho chương trình hát đối đáp.
Tối 12 tháng Giêng (âm lịch), cụ cùng cụ Nguyễn Văn Đắc và một số thành viên trong Câu lạc bộ Quan họ thôn Duệ Đông hát tại nhà với những bài Quan họ cổ phục vụ du khách gần xa. Những buổi hát canh diễn ra từ 20 giờ đến 24 giờ như tái hiện không gian văn hóa Quan họ cổ xưa. Ngoài ra, trong những ngày thường, chỉ cần có người muốn nghe, cụ đều tổ chức những canh hát tại gia để phục vụ.
Trăn trở bảo tồn Quan họ cổ Cụ Kế (áo đen) truyền dạy Quan họ cho các thế con cháu trong thôn. |
Càng yêu Quan họ, cụ Kế trăn trở làm sao có thể góp phần nhỏ bé của mình vào bảo tồn và phát huy giá trị Quan họ như cụ thường nói để “trả nợ” UNESCO. Cụ Kế cho biết, lớp trẻ ngày nay thường chú trọng đến Quan họ thực hành, hiện đại, có sự hỗ trợ của âm thanh, nhạc đệm, lời mới. Các cháu ít quan tâm đến cách chơi của người Quan họ vì Quan họ là tổng hòa các yếu tố như văn hóa, hành vi, Quan họ và lời hát…
Người Quan họ khi đi chơi với nhau thường “ăn nửa miếng, nói nửa nhời”, tuân thủ mọi quy định nghiêm ngặt khi biểu diễn trong không gian nhất định hay tục kết bạn Quan họ…
Đặc biệt, những bài Quan họ cổ rất khó học, nên đang dần bị lãng quên. Theo cụ Kế, để mở đầu cho một canh hát Quan họ, người Quan họ phải tuân thủ theo các giọng từ lề lối, các giọng vặt và giã bạn. Bởi vậy, cụ đã truyền dạy bài bản cho các thành viên yêu Quan họ trong làng. Trong đó, giọng La Rằng là khó nhất. Đến nay, một số thành viên trung tuổi trong câu lạc bộ Quan họ của thôn đã học thành thục những giọng cổ khó này.