Thấu hiểu nỗi khó khăn, vất vả và nguy hiểm của người dân quê hương khi phải đi qua những cây cầu tạm, cựu chiến binh Đỗ Quang Sản (sinh năm 1945, ở xã Khánh Trung, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) đã tự nguyện bỏ ra hơn 300 triệu đồng để xây dựng, tu bổ, nâng cấp 7 cây cầu tại địa phương cho người dân đi lại miễn phí. Ông là trong những cá nhân tiêu biểu trong việc thực hiện Chỉ thị 05 về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” của tỉnh Ninh Bình.
Sau khi học hết cấp 3, năm 1976, ông Sản cùng nhiều thanh niên ở xã Khánh Trung lên đường nhập ngũ. Trải qua thời gian huấn luyện miệt mài, gian khổ, ông Sản được cử tham gia Sư đoàn 330, Quân khu 9 chiến đấu ở Biên giới Tây Nam. Sau nhiều trận đánh lớn, năm 1984, ông Sản trở về địa phương với thương tật 61%.
Trở về quê hương, ông Sản đảm nhiệm chức Phó trưởng Công an xã Khánh Trung. Khi đó, điều kiện kinh tế gia đình hết sức khó khăn, ông vừa làm ruộng, vừa phải đi làm thuê mà đời sống không mấy khấm khá. Năm 1986, ông Sản xin nghỉ công tác tại xã để tập trung phát triển kinh tế gia đình.
Năm 1997, sau khi tìm hiểu thị trường, ông Sản quyết định mở xưởng dịch vụ cốp pha xây dựng. Với dịch vụ đảm bảo chất lượng tốt, giá thành hợp lý, ông được nhiều khách hàng trong xã, các huyện và một số tỉnh lân cận tìm đến đặt hàng. Hiện nay, gia đình ông thu nhập trên 300 triệu đồng/năm từ xưởng cốp pha, giải quyết việc làm cho 5 lao động thường xuyên với thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng/người/tháng.
Ông Sản chia sẻ, nhiều năm liền, ông chứng kiến cảnh người dân, đặc biệt là các cháu học sinh phải đi qua những cây cầu tạm tại địa phương rất khó khăn và nguy hiểm. Nhiều cây cầu có diện tích nhỏ lại được xây dựng lâu đời hoặc chỉ là những thanh tre, gỗ bắc qua sông vừa khó khăn cho việc đi lại, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Từ năm 2015, ông Sản quyết định tự bỏ tiền để xây dựng, tu bổ, nâng cấp những cây cầu tạm tại xã.
Cây cầu đầu tiên được ông Sản xây dựng có tên Thiện Đức nằm ở khu vực chợ Cát, xã Khánh Trung. Đây là một trong những cây cầu nối liền giữa xã Khánh Trung và xã Khánh Mậu (huyện Yên Khánh) vừa giúp người dân đi lại vừa giúp thuận tiện giao thương. Tuy nhiên, chiều rộng cầu chỉ khoảng 50cm, người dân chỉ có thể đi bộ. Cây cầu được xây dựng đã lâu nên xuống cấp nghiêm trọng.
Trăn trở với suy nghĩ phải xây dựng được cây cầu, song nếu cứ chờ ngân sách của địa phương sẽ không biết đến bao giờ, ông quyết tâm xây dựng cây cầu để phục vụ việc đi lại, trao đổi buôn bán của người dân và việc đi học của con em địa phương.
Nghĩ là làm, ông Sản đề đạt nguyện vọng với chính quyền thôn, xóm, lãnh đạo UBND xã Khánh Trung và nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao. Việc xây dựng cây cầu chỉ mất vài ngày vì gia đình trực tiếp thi công, tự chủ về kinh phí, nguyên vật liệu, nhân lực. Cây cầu mới hoàn thành với chiều dài 13 mét, rộng 3,5 mét, chi phí khoảng 150 triệu đồng.
Bà Đỗ Thị Dung, xã Khánh Trung cho biết, trước kia, do cây cầu cũ xây bậc đá, cao dần nên chỉ người đi bộ mới qua được. Người dân đi xe máy muốn qua sông phải đi đường vòng. Khổ nhất là các cháu học sinh phải qua lại hàng ngày. Cây cầu hoàn thành được đưa vào sử dụng đã tạo phấn khởi cho bà con và các em học sinh vì không còn phải lo sợ khi đi qua cây cầu cũ nữa.
Không dừng lại ở đó, nhận thấy ở địa phương còn nhiều cầu tạm đã xuống cấp nghiêm trọng, ông Sản lại tiếp tục vận động người dân cùng chung tay, góp sức xây dựng và nâng cấp các cây cầu trong xã.
Từ việc làm ý nghĩa của ông Sản, nhiều người đã noi theo và cùng chung tay đóng góp sức người, sức của để tạo nên những cây cầu vững chãi phục vụ việc đi lại, giao thương ở địa phương. Từ năm 2015 đến nay, ông Sản đã vận động người dân trong và ngoài xã cùng chung tay xây dựng và nâng cấp thêm 6 cây cầu trong xã. Đến nay, ông Sản đã đóng góp trên 300 triệu đồng để xây dựng, nâng cấp 7 cây cầu tại xã.
Ông Sản chia sẻ: Bác Hồ đã từng nói "Việc thiện dù nhỏ mấy cũng làm". Khắc sâu lời Bác dạy, tôi muốn làm việc thiện để cùng chung tay xây dựng quê hương, góp sức lực nhỏ bé của mình giúp người dân thuận tiện đi lại và an toàn khi đi qua những cây cầu. Niềm vui của người dân cũng là hạnh phúc của mình.
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Khánh Trung Bùi Văn Tuyết nhận xét: Cựu chiến binh Đỗ Quang Sản không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn góp phần xây dựng nông thôn mới tại quê hương. Ông Sản đã tự bỏ tiền xây dựng nhiều cây cầu của xã.
Bên cạnh đó, ông còn cùng với cán bộ xã vận động nhiều người dân cùng chung tay góp công, góp của xây dựng quê hương. Ông Sản là một trong những điển hình tiêu biểu của địa phương trong việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, xứng danh Bộ đội cụ Hồ.
Thời gian tới, ông Sản mong muốn tiếp tục cùng chung tay với bà con xây dựng, nâng cấp thêm một số cây cầu của địa phương đã xuống cấp để giúp người dân đi lại thuận tiện, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.