Cựu chiến binh Trần Đình hiện là chủ một trang trại nuôi cá lồng lớn với sản lượng trên 350 tấn/năm, cung cấp khắp thị trường miền Bắc với doanh thu hàng tỉ đồng mỗi năm, là nông dân duy nhất của Hải Dương được nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019".
Con đường trở thành tỷ phú của cựu chiến binh Trần Đình được nhiều người nể phục. Năm 1984, theo tiếng gọi của đất nước, chàng thanh niên Trần Đình rời mảnh đất quê hương Chí Linh lên đường làm nghĩa vụ quân sự. Sau khóa huấn luyện tại Sư đoàn 304, ông được tuyển vào học tại Trường Hậu cần của Quân đoàn II. Hết nghĩa vụ nhưng muốn cống hiến tiếp cho Quân đội, ông Đình về công tác tại Sư đoàn 325.
Tràn đầy nhiệt huyết cống hiến nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, vợ con đau yếu, sau nhiều đêm suy nghĩ, ông quyết định xin ra quân về địa phương. Với suy nghĩ, làm giàu trên mảnh đất quê hương cũng chính là góp phần cho việc xây dựng và bảo vệ đất nước, ông Đình tìm hướng đi riêng để lập nghiệp.
Năm 1997, tại địa phương, mô hình vườn ao chuồng (VAC) rất phát triển do các mô hình cấy lúa một vụ không đem lại hiệu quả. Nhìn thấy tiềm năng này và được chính quyền tạo điều kiện, ông đã mạnh dạn vay mượn họ hàng, bạn bè, ngân hàng, xin chuyển đổi 3,5 ha khu đất bỏ hoang để nuôi trồng thủy sản. Nhiều người lúc đầu cũng ngần ngại khi ông hỏi vay số tiền lớn nhưng sau khi nghe ông trình bày hướng đi và quyết tâm, họ đã ủng hộ. Với số tiền vay mượn ban đầu, ông đã xây dựng 8 ao nuôi cá.
Bỏ một số tiền lớn vào đầu tư nuôi cá, nhiều đêm ông Trần Đình thức trắng. Ngồi trên bờ nhìn xuống mặt ao, ông không khỏi lo lắng bởi còn thiếu kiến thức về nuôi trồng thủy sản, kinh nghiệm chăm sóc, xử lý dịch bệnh. Thời gian đầu, hàng trăm triệu đồng đã "đội nón" ra đi khi đàn cá của ông gặp dịch bệnh và thời tiết khắc nghiệt. Không nản chí, người cựu chiến binh tự mò mẫm tìm hiểu thông tin qua sách báo và tìm gặp, học hỏi kiến thức của các nhà khoa học, những người có kinh nghiệm.
Sau một thời gian vừa nuôi, vừa rút kinh nghiệm và tìm hiểu nhu cầu của thị trường, ông lựa chọn giống cá chép và cá trắm đen để nuôi. Những nỗ lực không biết mệt mỏi đó đã được đền đáp khi những lứa cá đầu tiên đã cho thu hoạch. Cầm số tiền bán cá ban đầu này, ông biết đã chọn đúng hướng đi và có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Với 8 ao nuôi, mỗi năm ông cung cấp cho thị trường từ 30 đến 40 tấn cá thương phẩm.
Năm 2007, qua tìm hiểu thị trường, ông nhận thấy cá diêu hồng rất được ưa chuộng và việc nuôi cá ở lồng trên sông sẽ đem lại hiệu quả, chất lượng cao hơn nuôi trong ao. Tuy nhiên, lúc này, cá diêu hồng lại chủ yếu được chuyển từ Nam ra Bắc với giá thành cao và thời gian vận chuyển lâu gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cá. Trước tiềm năng này, ông Đình đã mạnh dạn vay ngân hàng số tiền trên 5 tỷ đồng để làm 20 lồng nuôi cá. Còn 8 ao nuôi ban đầu, ông Đình xây dựng thành trang trại chỉ để nuôi cá giống.
“Mô hình nuôi cá lồng tận dụng được nhiều lợi thế ngay trên chính mảnh đất quê hương của mình, như nguồn nước của sông Kinh Thầy, rất thích hợp cho việc nuôi trồng thủy sản, nguồn lao động địa phương, nhu cầu về sản phẩm cá sạch ngày một lớn nên tôi luôn tin sẽ thành công”, ông Đình chia sẻ.
Đầu tư đúng hướng, “lãi mẹ đẻ lãi con”, ông Đình liên tục mở rộng quy mô và số lượng lồng cá. Hiện ông đã đầu tư hơn 20 tỷ đồng vào trang trại và các bè cá lồng với quy mô 60 lồng cá, trong đó chủ yếu là các loại cá có giá trị kinh tế cao như cá diêu hồng, cá quế, trắm đen; sản lượng đạt từ 350 đến 400 tấn cá thương phẩm/năm để phục vụ thị trường các tỉnh miền Bắc.
Chỉ tính riêng năm 2018, ông đã thu lãi trên 2 tỷ đồng, trang trại cũng tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức lương trung bình 7 triệu đồng/người/tháng và 40 lao động thời vụ tại địa phương.
Từng bước nâng cao chất lượng, đảm bảo sạch, an toàn, ông đã đầu tư nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP, một số sản phẩm cá của ông như cá chép, cá trắm đen đã được dán tem truy xuất nguồn gốc.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, bản thân, ông Đình cũng không “giấu nghề” mà luôn sẵn lòng giúp đỡ, tư vấn cho những người dân trong và ngoài địa phương về con giống và kỹ thuật nuôi trồng thủy sản. Theo ông Trần Đình, sản phẩm của mình làm tốt và có uy tín, thương hiệu nên không sợ cạnh tranh, giúp đỡ mọi người cùng có thu nhập, cùng vươn lên làm giàu để xây dựng quê hương là việc nên làm.
Phó Chủ tịch UBND phường Tân Dân, Nguyễn Đức Thịnh cho biết: Mô hình nuôi cá lồng của ông Đình là một trong những điểm sáng về chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang các mô hình kinh tế có giá trị cao hơn ở địa phương. Không những là nông dân tiêu biểu của tỉnh, ông Đình còn được vinh danh một trong 63 gương mặt nhà nông tiêu biểu của cả nước được nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019”. Bên cạnh đó, ông Đình còn tích cực ủng hộ, giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, người có công với cách mạng, có nhiều đóng góp trong việc xây dựng và phát triển kinh tế của phường.
Chia tay người lính bộ đội Cụ Hồ năm xưa và nay là tỷ phú nông dân, chúng tôi lại nhớ lời nhắn nhủ của ông: “Là thanh niên với tuổi trẻ, lòng tự tin, các bạn phải luôn cố gắng nỗ lực học hỏi, không ngại đương đầu với thách thức, khó khăn để không những làm giàu cho bản thân, gia đình, mà còn là điểm tựa vững chắc để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu, đẹp".