Tới thôn Thượng Giáp, xã Thống Nhất, huyện Thường Tín, Hà Nội hỏi ông thương binh Uẩn ai ai cũng biết. Điều đó cũng phải, bởi nhiều công trình dân sinh, trường học, đường xá… gần 40 năm qua trên địa bàn này đều lấy gạch, vật liệu của công ty ông Uẩn.
Ông Tạ Quang Uẩn bên những bức ảnh với đồng đội. Ảnh: Lê Phú
|
Tiếp chúng tôi là người đàn ông thấp, đậm với giọng nói sang sảng. Ông Tạ Quang Uẩn không ngại ngần bộc bạch: “Tôi sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này. Rồi đi lên từ một người làm thuê, đóng gạch. Nhưng công ty về sau này vẫn là các con tôi quản lý. Tôi tuổi đã cao, hơn nữa lại lạc hậu rồi”.
Thế nhưng, khi nói về thương tật trên người, về những năm tháng chiến đấu, ông Tạ Quang Uẩn bỗng xúc động: “Tôi nghĩ mình đã chết. Ngày 31/12/1974, chúng tôi bị mai phục nên nhiều anh em bị thương. Trong đội có 8 anh em hy sinh, bao gồm tôi. Đồng đội đã khiêng xuống xuồng để đem về mai táng. Nhưng khi về tới nơi mai táng, trong cơn mê sảng tôi kêu lên “đau quá”. Có anh Mỳ, người quê cũng cùng đơn vị, hô lên: “Chúng mày ơi, thằng này vẫn sống”. Khi soi đèn, anh Mỳ nói “Thằng Uẩn, Thông tin trung đoàn bộ”. Tôi được anh Mỳ mang về dân y huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre để phẫu thuật. Nhưng ở đây các y, bác sĩ nói rằng vết thương của tôi có ruột bị đứt nhiều và nặng, họ chỉ buộc lại các đoạn đứt rồi đưa chuyển về tiền phương phẫu thuật. Đây là chuyện tôi được đồng đội kể lại sau khi tỉnh lại”.
“Cái ơn với đồng đội đã cứu mình, chăm sóc mình đến giờ tôi không quên. Vì cảm thấy được sống, tôi càng phải cố gắng nhiều hơn nữa”, ông Tạ Quang Uẩn nói.
Sau năm 1975, ông Tạ Quang Uẩn trở về quê hương, xây dựng gia đình và phát triển kinh tế tại thông Thượng Giáp. Nhưng phải đến 30 năm sau ngày được cứu sống, ông Uẩn mới được gặp lại hai người đồng đội đã cứu sống mình. Để sau đó, ông đã tổ chức một buổi tri ân đồng đội.
“Năm 2017 tôi xin ý kiến của đồng chí Bí thư huyện uỷ Thường Tín để tổ chức một buổi tri ân đồng đội. Tôi mời được 70 anh em cùng đơn vị năm nào và bạn bè gần xa cùng nhập ngũ nhưng không cùng đơn vị chiến đấu tới dự bữa cơm thân mật. Tại đấy, tôi đã nhận được những nụ cười, cái ôm của đồng đội. Tôi tri ân tới 2 đồng đội đã cứu sống mình trong trận đánh ở Mỏ Cày năm 1974. Tính từ thời điểm đó đến nay là 42 năm chúng tôi mới có buổi gặp gỡ ân tình như vậy. Qua đó, tôi dạy cho các con, các cháu của mình về ơn nghĩa của cuộc đời. Tôi mừng rằng, chúng tôi trở về đời thường được gặp gỡ, tri ân nhau”, ông Tạ Quang Uẩn chia sẻ.
Từ người làm thuê đến thuê nhiều người làm
Tháng 8/ 2009, ông Tạ Quang Uẩn thành lập công ty xây dựng Phong Cảnh do ông làm Giám đốc. Công ty đã tạo công ăn việc làm cho 18 lái xe và 2 lái máy với mức lương là 12 triệu đồng/tháng; 4 nhân viên văn phòng mức lương 6 triệu đồng/tháng và 5 công nhân lương 6 đồng/tháng. Trong đó có nhiều con, cháu của đồng đội của ông gửi gắm.
Công ty Phong Cảnh tham gia xây dựng nhiều các công trình trên địa bàn như: Xây dựng trường THCS Thống Nhất, nhà văn hóa thôn và nhiều tuyến đường trong xã và ngoài xã. Ngoài ra, Công ty còn được cấp vật liệu theo đề án cho nhiều xã của huyện Thường Tín. Có được những thành quả ấy là nỗ lực không ngừng nghỉ của ông Uẩn cũng như những thành viên của gia đình sau này.
Ông Tạ Quang Uẩn vinh dự được tặng bằng khen của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Ảnh: Lê Phú
|
Ông Tạ Quang Uẩn nhớ lại: “Sau giải phóng tôi được về quê hương là mừng lắm rồi. Xã Thống Nhất là một xã nghèo nhất của huyện Thường Tín, tôi cũng như nhiều anh em phải đi làm thuê xa nhà. Làm các công việc như quốc đất, cấy lúa để lấy gạo ăn. Sau khi lập gia đình, tôi được vào xã Thống Nhất làm phụ trách hậu cần cho các anh em làm công trình thuỷ lợi. Tiếp đó làm công tác đoàn xã. Nhưng nhận thấy, nếu cứ tiếp tục làm công việc này, không thể phát triển được. Tôi tìm đến các lò gạch thủ công để thu mua, bán lại cho các công trình làm đường”.
Công việc mua bán gạch khá thuận lợi, ông Tạ Quang Uẩn mạnh dạn đề xuất với lãnh đạo xã về việc mở lò gạch. “Được sự hỗ trợ của xã Thống Nhất, tôi đã có lò gạch to nhất xã. Mỗi vòng lò, sản xuất được 18 vạn gạch. Năm 1982, tôi có 20 lao động đóng gạch thủ công, 15 thợ gánh gạch. Tôi làm gì, họ làm theo. Tôi luôn dặn các anh em cùng làm là không lấy số lượng mà phải chất lượng đầu tiên. Gạch già, đẹp, đủ kích thước mới đem đi giao. Lò gạch của tôi phát triển trong 10 năm thì đến năm 1992 tôi mua được công nông chở gạch”.
Ông Tạ Quang Uẩn cho rằng, bên cạnh sự cần cù, chịu thương chịu khó thì ông đã được sự hỗ trợ của lãnh đạo địa phương cũng như ngân hàng nông nghiệp cho vay vốn. Đặc biệt là người vợ tần tảo, sớm hôm chăm sóc gia đình, sức khoẻ để ông yên tâm làm ăn. Đến nay, số lượng nhân công của gia đình duy trì từ 35- 40 người. Đến năm 1999, gia đình ông bắt đầu mua các ô tô chở vật liệu xây dựng. Đến khi thành lập được công ty thì các con ông trưởng thành, thay nhau tiếp quản các công việc của ông đã gây dựng từ trước đó.
“Tôi nghĩ có lúc sức khoẻ không cho phép nữa, tôi đều nói với các con rằng sẽ quản lý cùng. Đến khi công ty được thành lập là lúc 3 con trai tôi lớn lên và được học hành hơn tôi. Giờ đây, các cháu đã thay tôi quản lý chính công ty”, ông Tạ Quang Uẩn tâm sự.
Bên cạnh những nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, tạo công ăn việc làm cho con, cháu đồng đội, người dân địa phương, ông còn tham gia ủng hộ các quỹ “Vì người nghèo”, “đền ơn đáp nghĩa” và các phong trào khác.
Năm 2010, ông Tạ Qang Uẩn được kết nạp vào hội doanh nhân Cựu chiến binh thành phố Hà Nội. 3 năm liền là Doanh nhân tiêu biểu toàn quốc. Tháng 12/2016, được Quốc hội trao tặng danh hiệu doanh nhân tiêu biểu và ngày 10/7/2017 được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tặng Bằng khen.
Theo ông Tạ Quang Uẩn, nếu không có sự nhận biết của đồng đội năm nào thì ông đã nằm xuống 3 tấc đất cùng với những đồng đội khác. Hiểu được ranh giới giữa sự sống với cái chết trong chiến tranh, thấm thía cái đói nghèo trên quê hương, ông Uẩn càng nỗ lực sống có ích với bản thân, gia đình và cộng đồng.
Clip ông Tạ Quang Uẩn kể về lần được cứu sống:
Clip ông Tạ Quang Uẩn kể về việc làm kinh tế: