Được Đảng và Nhà nước ghi nhận và trao các danh hiệu cao quý như: Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân, Công dân Thủ đô ưu tú… Vào ngày 20/5 tới đây, ông là một trong 18 cá nhân xuất sắc được tôn vinh trong Chương trình "Vinh quang Việt Nam 2017- Dấu ấn 30 năm đổi mới".
GS.TS Nguyễn Anh Trí kiểm tra các chế phẩm máu. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN |
Nghề đã chọn người Tiếp chúng tôi trong căn phòng làm việc tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Giáo sư Nguyễn Anh Trí kể lại bước khởi đầu đầy thăng trầm của mình “Nếu không có cơn sốt rét ác tính năm đó, tôi đã là thầy giáo chứ không phải bác sĩ. Có lẽ nghề đã chọn người”.
Câu chuyện của ông đưa chúng tôi trở về bối cảnh những năm 70 của thế kỷ trước, khi cả dân tộc đang trong thời kỳ chiến tranh, gặp vô vàn khó khăn. Lúc ấy, cậu học trò nghèo Nguyễn Anh Trí, quê ở xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình vừa thi xong Đại học Sư phạm, đúng lúc người anh cả phải lên đường nhập ngũ.
Để phụ giúp bố mẹ nuôi các em, Trí xung phong vào rừng đốn củi vì một ngày đi rừng sẽ được hợp tác xã tính bằng ba ngày làm việc đồng áng. Sau gần 2 tháng sống trong rừng thiêng nước độc, Trí trở về mang theo căn bệnh sốt rét ác tính và phải nhập viện. Căn bệnh quái ác dai dẳng đeo bám khiến Trí bị lỡ ngày nhập học mấy tháng và không được nhà trường chấp nhận.
Lỡ cơ hội trở thành thầy giáo, cậu bé hiếu học cảm kích trước công ơn của vị bác sĩ đã cứu sống mình nên muốn theo ngành y để sau này chữa bệnh cứu người. Một năm sau, Trí nhận được giấy báo trúng tuyển Trường Đại học Y Hà Nội. Vào thời điểm đó, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, lớp lớp thanh niên trong cả nước lên đường ra trận. Trí đã gác lại ước mơ làm bác sỹ của mình, xung phong nhập ngũ.
Thanh niên trong làng lần lượt khoác ba lô vào chiến trường, Trí vẫn không thấy gọi tên mình. Hỏi đi hỏi lại nhiều lần, anh nhận được câu trả lời ngắn gọn từ Hội đồng tuyển quân: “Không đủ sức khỏe nhập ngũ”. Nguyễn Anh Trí đành “gạt nước mắt” tìm đến Trường Đại học Y Hà Nội làm sinh viên mà vẫn chưa hiểu lý do vì sao mình không đủ điều kiện để trở thành người lính.
Thắc mắc ấy luôn canh cánh trong lòng chàng sinh viên y khoa suốt 6 năm mới tìm ra lời giải. Đó là vào buổi tuyên dương các sinh viên xuất sắc của trường, Nguyễn Anh Trí tình cờ gặp lại bác sĩ Nguyễn Ngọc Thảo, Giám đốc Bệnh viện huyện Lệ Thủy, người đã chữa khỏi căn bệnh sốt rét ác tính cho anh năm ấy.
Bác sĩ Thảo vỗ vai Trí và nói “Chú đã quyết định đúng khi giữ con lại để trở thành bác sĩ. Hãy học thật giỏi để giúp dân, giúp nước con nhé”. Bác sĩ Thảo chính là Chủ tịch Hội đồng tuyển quân nên đã “chỉ định” Trí phải đi học để chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Giáo sư sở hữu hai “Ngân hàng” đặc biệt Nhiều năm nay, người dân Việt Nam nhắc đến Giáo sư Nguyễn Anh Trí với lòng ngưỡng mộ và biết ơn khi ông chính là người đầu tiên xây dựng hai “ngân hàng” đặc biệt là Ngân hàng máu và Ngân hàng tế bào gốc dây rốn cộng đồng. Hai ngân hàng này không có tài khoản, không tiền, nhưng lại giải quyết được những vấn đề nan giải làm đau đầu ngành y học thế giới hiện đại là chữa trị các căn bệnh về máu...
Đến nay, hàng vạn người có bệnh liên quan đến máu đã được chữa khỏi nhờ vào sự tồn tại của hai “ngân hàng” đặc biệt đó. Viện Huyết - Truyền máu Trung ương hiện đang quản lý, chữa trị cho khoảng 1.000 bệnh nhân nội trú và hơn 5.000 bệnh nhân ngoại trú.
Lý giải cho thành công ấy, Giáo sư Nguyễn Anh Trí cho biết đó là cả một quá trình nỗ lực phấn đấu, học tập lâu dài. Đặc biệt những năm tháng học tập ở trường Đại học Y Hà Nội, ông may mắn được rèn luyện trong môi trường có những người thầy giỏi, nổi tiếng nên lĩnh hội được nhiều kiến thức quý báu.
Ngày ấy, khi nhà trường phân chuyên ngành, mọi người đều chọn Lâm sàng vì ai làm bác sĩ cũng muốn được đeo ống nghe, trực tiếp khám cho bệnh nhân. Số sinh viên theo Huyết học rất ít vì đó là công việc thầm lặng, chủ yếu là nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. “Tôi đã chọn công việc có phần “tẻ nhạt” đó vì máu là sự sống của con người. Nhiều căn bệnh, muốn chữa khỏi, ngoài chuyên môn của bác sĩ, các kỹ thuật y học hiện đại, thuốc men…còn đòi hỏi phải có nhiều thứ, trong đó có hai thứ rất đắt, nhưng nhiều khi có tiền cũng không mua được, đó là máu và tế bào gốc”, Giáo sư Nguyễn Anh Trí tâm sự.
Luôn trăn trở làm sao để tìm ra giải pháp tối ưu nhất cứu sống người bệnh, trong mấy chục năm, Giáo sư Nguyễn Anh Trí vừa làm việc, vừa nghiên cứu phương pháp ghép tế bào gốc cho các bệnh nhân bị các bệnh về máu. Đây là một phương pháp rất khó thực hiện vì để bệnh không tái phát, cần phải lấy tế bào gốc của người khác ghép cho người bệnh, nhưng trong số 30.000 người mới tìm ra được một ca phù hợp, chi phí vô cùng tốn kém, nhiều nền y học tiên tiến trên thế giới vẫn có những lúc gặp thất bại.
Quyết tâm thực hiện bằng được, Giáo sư Nguyễn Anh Trí và các đồng nghiệp đã tổ chức nhiều đoàn cán bộ, y, bác sĩ đi học tập phương pháp này tại các nước có lĩnh vực tế bào gốc phát triển như: Mỹ, Nhật, Úc… đồng thời, tập trung vào việc nghiên cứu, triển khai áp dụng phương pháp ghép tế bào gốc tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung uơng.
Được sự ủng hộ của lãnh đạo Bộ Y tế, ngân hàng tế bào gốc đã được chính thức ra đời. Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương phối hợp với Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tiếp nhận mẫu máu dây rốn và Ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn của Viện lưu giữ được hơn 1.800 mẫu tế bào gốc có chất lượng. Từ năm 2006 đến nay, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã tiến hành được gần 200 ca ghép tế bào gốc từ nguồn máu dây rốn, giúp bệnh nhân trở lại cuộc sống bình thường.
Bên cạnh đó, Giáo sư Nguyễn Anh Trí được biết đến khi là người đầu tiên khởi xướng phong trào hiến máu cứu người. Đến nay, “Lễ hội Xuân hồng” đã trở thành lễ hội được tổ chức trong phạm vi cả nước hằng năm, góp phần chấm dứt tình trạng thiếu máu sau Tết Nguyên đán trên phạm vi toàn quốc.
Coi bệnh nhân như người thân của mình GS.TS Nguyễn Anh Trí kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhi ung thư máu. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN |
Có nhiều đóng góp lớn cho nền Y học của nước nhà, nhưng khi bàn về vấn đề y đức, Giáo sư Nguyễn Anh Trí thẳng thắn cho rằng, một bác sĩ chân chính không chỉ giỏi chuyên môn nghiệp vụ (y thuật), mà còn phải rèn được y đức, nghĩa là người có văn hóa.
Là Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương nhiều năm, ông coi văn hóa ứng xử của bác sĩ là tinh thần sống còn cho sự phát triển và tồn tại của Viện. Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương chính là nơi phát động phong trào “Mỗi người làm những việc tốt vì người bệnh” từ 2005, sau đó đã được Bộ Y tế triển khai thành phong trào chung của toàn ngành. “Việc tốt ấy đơn giản như cách tiêm, thái độ làm sao để bệnh nhân bớt đau, bớt sợ; một lời nói để bệnh nhân cảm thấy vừa lòng, an tâm trị bệnh... Hãy coi tất cả bệnh nhân như người nhà của mình”, Giáo sư Trí cho biết.
Nhận xét về Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Trí, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam Nguyễn Thị Xuyên cho biết, bác sĩ Nguyễn Anh Trí là người Viện trưởng tài năng, sáng tạo, tâm huyết và cống hiến nhiều công sức, trí tuệ đưa chuyên ngành huyết học - truyền máu phát triển ngang tầm với khu vực và thế giới”.
Một người thầy thuốc hết lòng vì người bệnh, một nhà khoa học nghiêm túc, một cán bộ quản lý giỏi và là người được coi là “kiến trúc sư trưởng” của hệ thống Huyết học và truyền máu Việt Nam… Cuộc đời và sự nghiệp của Giáo sư Nguyễn Anh Trí như một cuốn tiểu thuyết hấp dẫn, tạo động lực cho thế hệ y bác sĩ trẻ học tập, noi theo.