Trước đó, chị là một trong những đại biểu của Đoàn Hải Phòng dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X - năm 2020.
Bền bỉ trong lĩnh vực nông nghiệp
Sinh ra và lớn lên ở huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng, sản xuất nông nghiệp gắn với chị Hoàng Thị Gái rất tự nhiên. Chị cho biết, sau khi kết hôn, từ năm 1992, vợ chồng chị làm đại lý thóc gạo và đã thu mua, xay xát, bán đi nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Đến năm 2012, chị bàn với chồng tìm ngành sản xuất kinh doanh mới. Với sự đồng lòng, nhất trí từ người bạn đời, anh chị thành lập Cơ sở nấu rượu truyền thống Hoàng Quân.
Mở cơ sở sản xuất, ngoài phát sinh các vấn đề về kinh nghiệm quản lý, tìm đầu ra cho sản phẩm thì đầu vào để sản xuất cũng là một thách thức đối với anh chị. Nguồn nguyên liệu vừa cần bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm vừa phải có chất lượng cao. Sau một thời gian sản xuất rượu từ gạo nếp, từ đơn vị cung ứng, chị lại quyết tâm tự sản xuất nguyên liệu trên chính địa phương mình sinh sống.
Chị Hoàng Thị Gái bắt đầu đi thuê đất của người dân để dồn điền, đổi thửa, đưa máy móc vào sản xuất nông nghiệp, từ khâu ngâm giống, gieo mạ, làm đất, thu hoạch đều phải theo tiêu chuẩn. Thời điểm đó, chị không quản ngày đêm đến vận động người dân dồn điền, đổi thửa và phải tự bỏ tiền để bù lại tiền mạ, công cấy cho những thửa ruộng cấy lúa không đúng yêu cầu, quy chuẩn trong thời gian đầu tiên.
Nhờ áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, quá trình chăm bón hoàn toàn sử dụng thuốc sinh học, chất lượng hạt nếp luôn được bảo đảm chất lượng ổn định, tốt nhất, nguyên liệu thuần chủng. Sau thu hoạch, cơ sở bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân. Cũng từ đó, cơ sở đã phát triển thêm nhiều mô hình cánh đồng khép kín để bảo đảm nguyên liệu đầu vào ổn định.
Thành công bước đầu và những trăn trở
Đến thời điểm này, Cơ sở nấu rượu truyền thống Hoàng Quân đã khai thác nguồn nguyên liệu là nếp cái hoa vàng được trồng tại địa phương với diện tích 100 ha, trong đó có 30 ha trồng tập trung còn lại là liên kết với các hộ nông dân. Năm 2019, “Rượu nếp Mân hạ thổ” của Cơ sở nấu rượu truyền thống Hoàng Quân được thành phố Hải Phòng công nhận là một trong 7 sản phẩm OCOPP đầu tiên của thành phố.
Đây là thành quả mà chị Hoàng Thị Gái cũng như những người tin cậy chị đã làm. Giai đoạn đầu đưa cơ giới hóa vào sản xuất, chị Gái chủ động bàn bạc cùng gia đình tìm các nguồn vốn mạnh dạn đầu tư mua các loại máy như máy gặt, máy cày, máy cấy lúa chất lượng cao với tổng số tiền đầu tư trên 1,8 tỷ đồng.
Năm 2018, với sự quan tâm của của các cơ quan chức năng tại huyện Vĩnh Bảo, chị Hoàng Thị Gái thành lập Hợp tác xã An Hòa và giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã.
Ông Phạm Văn Đàn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã An Hòa, huyện Vĩnh Bảo cho biết, Hợp tác xã An Hòa góp phần quan trọng trong thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp của xã, chuyển từ manh mún, nhỏ lẻ sang cơ giới hóa trên cánh đồng mẫu lớn. Ngoài sản xuất đáp ứng nhu cầu trong nước, Hợp tác xã An Hòa còn trồng đậu tương cung ứng cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ và Thương mại Hiền Lê để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Vương quốc Anh.
Ông Đàn cho biết thêm, khi Hợp tác xã An Hòa đứng ra thuê lại ruộng, các gia đình vừa giữ được đất, vừa có thu nhập 500.000 đồng/sào do hợp tác xã trả. Hợp tác xã giải quyết việc làm thường xuyên cho 6-7 người với mức lương khoảng 6-7 triệu đồng/người/tháng và việc làm thời vụ cho hàng trăm lao động khác với mức 170.000 đồng/ngày. Đây là việc làm hết sức có ý nghĩa trong điều kiện đất đai tại xã đã từng bị bỏ hoang, thu nhập của người nông dân rất thấp, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, không có đầu ra.
Hợp tác xã An Hòa đã đi vào sản xuất quy củ song hiện tại, chị Hoàng Thị Gái vẫn còn nhiều trăn trở. Người nông dân dù sản xuất quy mô hay nhỏ lẻ vẫn phụ thuộc nhiều vào tự nhiên.
Theo chị Gái, cánh đồng gần đến ngày thu hoạch nhưng chỉ một trận mưa lớn đổ xuống là thiệt hại khôn lường. Thời tiết cũng càng ngày càng thất thường, cây trồng không kịp thích ứng. Gần đây nhất là đợt nắng tháng 7 vừa qua đã làm cánh đồng lúa bị bó rễ, làm giảm khả năng sinh trưởng, phát triển.
Hệ thống tưới tiêu, đường xá của xã không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, phải mất rất nhiều công dẫn nước trong quá trình chăm bón. Đến mùa thu hoạch, do cây cầu dẫn qua kênh quá hẹp, máy móc cơ giới hóa phải đi vòng rất nhiều đường mới ra đến ruộng nên chị Gái mong chính quyền huyện Vĩnh Bảo xem xét, đầu tư xây dựng cầu nối đường lớn với khu vực sản xuất tập trung để tiết kiệm chi phí cho những người tham gia sản xuất nông nghiệp khu vực này.