Tại Công ty Cổ phần Toyota Thăng Long và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ và Siêu thị Big C Thăng Long, lãnh đạo các đơn vị và người lao động đã báo cáo cụ thể tình hình hoạt động, quan hệ lao động, đời sống, việc làm và những khó khăn.
Anh Lê Sỹ Dương, công nhân Công ty Cổ phần Toyota Thăng Long bày tỏ: Từ khi thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, công ty đã tạm dừng hoạt động và toàn bộ người lao động tạm nghỉ việc. Trong thời gian này, cuộc sống của tôi trở nên khó khăn hơn vì ngoài các khoản chi thường xuyên như tiền thuê trọ, tiền ăn mỗi ngày thì tôi phải chi trả thêm các khoản chi phí phát sinh như tiền điện, nước tăng do sử dụng nhiều, tiền ăn trưa… Song, nhờ sự quan tâm hỗ trợ của các cấp Công đoàn và công ty nên tôi vẫn duy trì được cuộc sống.
Lắng nghe những chia sẻ, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường đã động viên người lao động cố gắng vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống; tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội tại Chỉ thị số 20/CT-UBND (áp dụng từ ngày 6/9 đến ngày 21/9) để cùng thành phố sớm đẩy lùi dịch bệnh; tiếp tục gắn bó, đồng hành với doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh. Lãnh đạo tổ chức Công đoàn Thủ đô cũng khẳng định, Công đoàn luôn đồng hành cùng doanh nghiệp chăm lo cho đoàn viên, người lao động, góp phần tích cực vào việc ổn định quan hệ lao động và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
“Hàng chục ngàn “Túi An sinh Công đoàn” trao tặng cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, không chỉ có giá trị về vật chất, giúp người lao động giảm bớt nỗi lo về nhu yếu phẩm phục vụ cuộc sống trong thời điểm giãn cách xã hội mà đây còn là tình cảm, sự quan tâm, chăm lo kịp thời của tổ chức Công đoàn Thủ đô khi đoàn viên, người lao động gặp khó khăn’, ông Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh.
Đến thăm Trung tâm Y tế quận Cầu Giấy, lãnh đạo Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường bày tỏ sự thấu hiểu, chia sẻ những vất vả, hi sinh của đội ngũ y, bác sĩ và các lực lượng tham gia tuyến đầu chống dịch; đồng thời trao 1 thùng quà và 30 suất quà (trị giá 1 triệu đồng/suất). Tại Chốt kiểm soát y tế ở khu cách ly tập trung tại Trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội cũng trao 1 thùng quà, 30 thùng nước khoáng, 30 thùng sữa. Qua đó, góp phần động viên, tiếp thêm sức mạnh tinh thần để các “chiến sĩ áo trắng” cũng như các lực lượng đang làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát y tế tiếp tục đoàn kết, phát huy vai trò, trách nhiệm, khắc phục mọi khó khăn để chung sức cùng quận Cầu Giấy và thành phố phòng, chống dịch thành công.
Đón nhận sự quan tâm, hỗ trợ của tổ chức Công đoàn Thủ đô, Bí thư Quận ủy Cầu Giấy Trần Thị Phương Hoa đánh giá cao các hoạt động do Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đang triển khai; đồng thời bày tỏ mong muốn các cấp Công đoàn tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động như “Xe buýt siêu thị 0 đồng”, hỗ trợ “Túi An sinh Công đoàn”, phối hợp triển khai xây dựng mô hình “Vùng xanh doanh nghiệp”, vận động chủ nhà trọ miễn, giảm giá thuê trọ cho người lao động; hỗ trợ lực lượng tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch… để kịp thời chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động khi họ gặp khó khăn.
Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội cho biết, trong tuần qua (từ ngày 23/8 đến nay), tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Thủ đô tiếp tục có nhiều diễn biến hết sức phức tạp, khó lường với 07 ổ dịch phát sinh và hơn 700 ca nhiễm bệnh; trong đó ổ dịch tại phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) đã lên tới 440 ca. Đáng chú ý, trong các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội tiếp tục xuất hiện các ca nhiễm mới. Đến nay, đã có 115 trường hợp F0 là công nhân lao động.
Theo báo cáo của 45 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và các Công đoàn cơ sở trực thuộc, tính từ ngày 27/4/2021 đến nay, tổng số F0 là đoàn viên, viên chức lao động có 497 người; 408 doanh nghiệp dừng hoạt động; 1.679 doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhưng chưa dừng hoạt động;19.542 công nhân mất việc làm; 64.506 công nhân thiếu việc làm.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường, nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội, trong đó có sự tham gia tích cực, trách nhiệm và hiệu quả của tổ chức Công đoàn, tình hình quan hệ lao động trên địa bàn Thủ đô vẫn ổn định, không có hiện tượng đình công, ngừng việc tập thể xảy ra. Đa số công nhân lao động nhận thức đúng đắn và chia sẻ với những khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch bệnh; yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và tổ chức Công đoàn.
Trong thời gian qua, đã có rất nhiều người lao động trong các đơn vị, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của tổ chức Công đoàn thông qua các chương trình: “Xe buýt Siêu thị 0 đồng”, “Siêu thị 0 đồng”, “Túi An sinh Công đoàn”…
Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết số /NQ-CP của Chính phủ, các cấp Công đoàn đã phối hợp với các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường tuyên truyền, thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19.
Tính đến ngày 02/9/2021, thành phố đã chi hỗ trợ cho 8.461 người lao động phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, với số tiền 30,62 tỷ đồng (còn 03 huyện: Phú Xuyên, Ứng Hòa, Thường Tín chưa có quyết định phê duyệt chi hỗ trợ); hỗ trợ 84 người lao động phải ngừng việc với số tiền 84 triệu đồng. Ngân hàng Chính sách Xã hội Hà Nội hỗ trợ cho người sử dụng lao động vay 12,521 tỷ đồng để trả lương ngừng việc cho 2.833 lượt người lao động phải ngừng việc do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Bảo hiểm xã hội Hà Nội đã giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 88.266 đơn vị, doanh nghiệp, với 1.477.916 người lao động, kinh phí 101,274 tỷ đồng; tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất cho 81 đơn vị, doanh nghiệp, với 6.256 lao động, tổng số tiền 44,282 tỷ đồng.