Từ trách nhiệm đến tình thương
5 giờ sáng, chị Thủy vội vã chuẩn bị đồ đạc, đón xe từ Bắc Giang về Hà Nội cho kịp buổi hiến máu tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Khoảng 6 giờ 30 phút, chị đã có mặt tại địa điểm hiến máu. Dù đây là lần thứ 72 trong suốt 17 năm qua, nhưng những cảm xúc lo lắng trong chị vẫn vẹn nguyên như lần đầu.
“Không phải lo vì sợ, mà lo là không biết lần này máu của mình có đủ điều kiện hiến không, tiểu cầu có gặp vấn đề gì không... Chỉ cần nghe bác sĩ thông báo 'mời vào hiến' là tôi vui...”, chị Thủy tâm sự.
Có lẽ, với các y, bác sĩ tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, chị Thủy đã không còn là gương mặt xa lạ. Bóng dáng người phụ nữ vừa trạc ngũ tuần đều đặn cứ ba tháng một lần tới đây, mang theo những giọt máu của mình, cứ thế lặp đi lặp lại, vì thế trở nên quen thuộc.
Chị Thủy kể: “Có lần tôi lỡ ăn hơi nhiều đạm vào ngày hôm trước, nên đục tiểu cầu, không hiến được, cứ tiếc mãi. Từ đó, cũng phải tìm hiểu và giữ cho bản thân chế độ ăn uống hợp lý, khoa học hơn. Mình nhóm máu O, ai cũng nhận được, nên cứ cho đi, cho đi là còn mãi...”.
Một lần hiến máu toàn phần chỉ mất khoảng 4 đến 5 phút, nhưng một lần hiến tiểu cầu có thể kéo dài đến 100 phút. Như vậy, cả quá trình đi hiến máu mất khoảng 5 giờ đồng hồ. Hiến xong, theo dõi sức khỏe, chị Thủy lại lên xe về Bắc Giang để tiếp tục ca làm việc buổi chiều tại Hội Chữ thập đỏ thành phố.
Khi được hỏi về lý do hiến máu nhiều đến như vậy, chị Thủy xúc động: “Thực ra, những lần đầu tiên, tôi tham gia với tư cách là cán bộ, là người đi đầu. Nhưng dần dần, được tiếp xúc với mọi người, những câu chuyện, mới thấy ý nghĩa và tầm quan trọng của việc hiến máu cứu người lớn như thế nào".
Trong một lần đi giao lưu, tôi có cơ hội trò chuyện với một bạn gái, xinh trẻ. Chỉ vì câu nói: “Em mới hơn 30 tuổi, nhưng đã 20 năm nay liên tục truyền máu. Chỉ mong có máu để truyền, để tiếp thêm động lực sống. mà tôi bật khóc. Nhiều em nhỏ, chỉ 5 - 6 tháng tuổi, cũng cần máu và tiểu cầu, đó chính là động lực thôi thúc tôi giữ sức khỏe, để có thể hiến máu nhiều hơn nữa...”.
“Ngôi nhà chung” của những tấm lòng nhân ái
Gần 20 năm nay, những chuyến xe tìm đến Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương không chỉ còn đơn độc chị Thủy nữa. Tấm lòng nhân ái cùng tinh thần nhiệt huyết, vui vẻ ấy của chị Thủy, cả những câu chuyện chị được nghe, đã trở thành nguồn động lực cho nhiều người khác, nối dài những trái tim yêu thương, trao tặng giọt máu hồng đến nhiều người bệnh hơn.
Chị Ninh Thị Phương, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức phường Thọ Xương, TP Bắc Giang cho biết: “Tôi chỉ có cơ hội được cùng Thủy hiến máu một lần thôi, nhưng chưa hoạt động nào của địa phương, của hội thấy chị vắng mặt. Vì lý do sức khỏe, nên tôi không có nhiều cơ hội đi hiến máu, nhưng con gái tôi, vì cảm kích trước hình ảnh cô Thủy, cũng xin mẹ cho đi hiến, đến giờ cháu cũng đã có hơn 20 lần tham gia hoạt động ý nghĩa này...”.
Còn với chị Thủy, nhắc đến phản ứng của những người xung quanh khi thấy chị đi hiến máu với tần suất lớn như vậy, chị chỉ cười nhẹ nhàng: “Lúc đầu ai cũng lo, nhất là gia đình, vì thấy tôi hiến nhiều quá, sợ ảnh hưởng sức khỏe. Rồi ai nấy thấy tôi đi hiến máu về vẫn tươi cười, rạng rỡ, khỏe mạnh mới nhiệt thành ủng hộ”.
Chị cũng tâm sự, niềm vui lớn nhất mà chị có được sau mỗi lần trao đi giọt máu là những tin nhắn, những thông báo về người đã nhận được số máu của mình trên ứng dụng theo dõi, là những lời cảm ơn, những câu khẳng định “chúng tôi noi gương nữ Bí thư” dành cho chị, đến từ những cá nhân được vinh danh sau nhiều lần hiến máu ở địa phương.
“Có một câu nói mà lần nào đọc tôi cũng rưng rưng, đó là: 'Cảm ơn bạn, vì mỗi lần bạn đi hiến máu là đã tặng cho ai đó thêm một lần sinh nhật'. Và cứ thế tôi hiểu rằng, mình sống tốt, sống mạnh khỏe mỗi ngày và cho đi những giá trị tốt đẹp ấy đến những người đang cần ngoài kia, cho đến khi không còn khả năng nữa, cuộc đời tự khắc sẽ mỉm cười với chúng ta”, chị Thủy tâm sự.
Chị Thân Thị Thu Thủy hiện đang là người có số lần hiến máu nhiều nhất tỉnh Bắc Giang. Cùng với chị là nhiều tấm lòng nhân ái khác trên khắp cả nước, luôn mong muốn được chia sẻ, giúp đỡ người bệnh. Họ vui và hạnh phúc vì được trao đi những giọt máu hồng, trao đi tình yêu thương…