Dưới cái nắng chang chang, trên chiếc xe mô tô cũ, bà Tống Thanh Mai đi nắm tình hình tiến độ xây dựng cầu Năm Biết (thuộc xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành) và thăm hỏi, động viên các thành viên trong đội đang bắc cầu. Cầu Năm Biết khởi công xây dựng vào ngày 1/3/2022, theo thiết kế có chiều dài 25m, rộng gần 4m, trị giá hơn 300 triệu đồng. Kinh phí xây dựng cầu này do UBND huyện Châu Thành hỗ trợ một phần, còn lại do bà Tống Thanh Mai vận động các nhà hảo tâm và nhân dân địa phương đóng góp.
Anh Trần Thanh Tùng, ngụ xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành, phấn khởi cho hay: "Cô Mai có công rất lớn trong việc xây dựng cầu Năm Biết, tôi rất biết ơn cô. Cây cầu mới rộng rãi sẽ thay thế cho cây cầu cũ nhỏ hẹp trước đây. Việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân chúng tôi thuận tiện hơn".
Trong 15 năm qua, bà Tống Thanh Mai đóng góp hơn 500 triệu đồng; trực tiếp vận động kinh phí và tổ chức xây dựng khoảng 150 cây cầu nông thôn, trị giá trên 30 tỷ đồng. Cầu bê tông thường có chiều ngang 3,5m, tải trọng 2,5 tấn trở lên. "Khi cây cầu xây dựng xong, trong lễ khánh thành, mọi vấn đề liên quan đến tài chính, ngày công lao động, vật liệu xây dựng đều công khai minh bạch. Nhờ đó, các nhà hảo tâm rất tin tưởng và an tâm đóng góp vì họ biết đồng tiền của mình được sử dụng đúng mục đích" - bà Mai cho biết.
Đồng hành cùng bà Mai trên suốt hành trình "nối những bờ vui" là 3 Đội thi công cầu đường từ thiện (trung bình 20 người/đội) thuộc Chi hội Khoa học kỹ thuật cầu đường thành phố Sa Đéc. Bà Mai phụ trách khảo sát nơi cần bắc cầu, vận động nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí và tổ chức thi công… Còn Đội thi công cầu đường từ thiện sẽ trực tiếp góp công xây cầu, bảo đảm quy trình, kỹ thuật theo thiết kế. Anh Nguyễn Văn Kiệt, Đội trưởng Đội thi công cầu đường từ thiện số 2 cho biết: "Tôi cộng tác cùng cô Mai suốt gần 10 năm qua, chúng tôi làm việc trên tinh thần thiện nguyện. Cô Mai rất quan tâm anh em trong đội; làm việc nhiệt tình, bài bản".
Bà Tống Thanh Mai có kiến thức sâu, am hiểu về xây dựng cầu nông thôn nhưng qua tìm hiểu, chúng tôi khá bất ngờ khi bà là một bác sĩ. Bà Mai kể, bà tham gia cách mạng từ năm 14 tuổi với công tác học sinh vận. Sau đó, phụ trách quân y, có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ. Năm 1978, bà Mai đi học ngành bác sĩ tại Thành phố Hồ Chí Minh rồi về đảm nhận chức vụ Trưởng phòng Y tế thị xã Sa Đéc (nay là thành phố Sa Đéc). Một thời gian sau, bà được điều động về làm Chủ nhiệm Ủy ban dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Đồng Tháp, đến năm 2005 thì nghỉ hưu. Dù đã về hưu nhưng bà vẫn tham gia công tác xã hội ở địa phương.
Nói về cơ duyên đến với công việc đi bắc cầu, bà Tống Thanh Mai chia sẻ, năm 2007, trong một lần đến thăm gia đình chính sách ở xã Bình Thạnh (huyện Cao Lãnh), thấy một số cháu học sinh phải chờ đợi quá giang xuồng, hoặc nước cạn thì bơi qua sông để đi học. Từ đó, bà có ý định bắc cây cầu để học sinh và người dân đi lại dễ dàng, an toàn. Nghĩ là làm, bà Mai dùng tiền tiết kiệm của bản thân và vận động người thân, bạn bè đóng góp thêm để xây dựng 2 cầu bê tông trên địa bàn xã Bình Thạnh, trị giá thời điểm đó hơn 100 triệu đồng.
Những năm sau đó, bà Mai tiếp tục vận động tiền, ngày công lao động, phối hợp bắc cầu ở nhiều địa phương trong tỉnh Đồng Tháp như huyện Lai Vung, Châu Thành, Lấp Vò, thành phố Sa Đéc… Năm 2013, bà Tống Thanh Mai được tin tưởng giao nhiệm vụ Chi hội trưởng Chi hội Khoa học kỹ thuật cầu đường thành phố Sa Đéc. Từng là bác sĩ nhưng lại đảm nhiệm công việc mới không liên quan đến chuyên môn, bà Mai nói: "Ban đầu, tôi phải dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu các tư liệu liên quan đến xây dựng cầu. Vì muốn làm cầu nông thôn phải hiểu về kết cấu, cách thi công để tiết kiệm chi phí nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Giờ đây thì mọi việc ổn rồi".
Theo bà Võ Thị Bình, Phó Chủ tịch UBND thành phố Sa Đéc, bà Tống Thanh Mai là người hết lòng với công tác từ thiện, xã hội, nhất là trong việc làm cầu nông thôn. Nhờ sự chung tay, góp sức của bà mà nhiều cây cầu bê tông liên tục được xây dựng trong và ngoài địa phương, giúp người dân lưu thông và vận chuyển hàng hóa thuận lợi, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Hiện nay, tuy đã lớn tuổi, sức khỏe giảm sút nhưng bà Mai vẫn miệt mài tham gia bắc cầu nông thôn.
"Mỗi cây cầu mới xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng, thấy người dân phấn khởi, tôi cũng vui theo. Đó là động lực để tôi tiếp tục đi vận động xây cầu suốt thời gian qua" - bà Tống Thanh Mai tâm sự.