Bước ra khỏi cuộc chiến, nghĩa tình sâu nặng luôn thôi thúc bước chân ông tiếp tục đi tìm đồng đội, đưa các anh về với quê hương.
Năm 1971, ông Phạm Xuân Tởi lên đường nhập ngũ vào Trung đoàn 27 (hay còn gọi là đoàn Triệu Hải anh hùng), Sư đoàn 320, mặt trận B5 với nhiệm vụ vận tải. Hàng ngày trung đội của ông vượt sông Thạch Hãn đưa vũ khí, đạn dược, thuốc men, tiếp tế cho các đơn vị trực tiếp chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, đồng thời vận chuyển các thương binh, bệnh binh từ trong Thành cổ ra ngoài vùng chiếm đóng.
Cựu chiến binh Phạm Xuân Tởi bên cuốn sổ lưu giữ thông tin về các liệt sỹ.
|
Ký ức về những ngày tháng chiến đấu tại Quảng Trị không bao giờ phai nhạt trong tâm trí cựu chiến binh Phạm Xuân Tởi. Đó là những chuyến đò đêm đêm vượt dòng sông lửa đạn; những đồng đội của ông đã anh dũng ngã xuống khi tuổi mới mười tám, đôi mươi…
Có lẽ chỉ những người lính từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị như ông Tởi mới hiểu hết sự ác liệt của chiến tranh. Ông Tởi kể: “Ngày ấy, đã vào mặt trận Quảng Trị ai cũng như ai, chỉ biết chiến đấu, không biết lúc nào sống, lúc nào chết. Đồng đội vẫn thường hứa hẹn, khi nào đất nước hòa bình, những anh em còn sống quay trở lại đây để tìm người đã mất, đưa đồng đội về đoàn tụ với gia đình, quê hương".
Ngày 21/6/1972, trên đường vận chuyển vũ khí, ông Phạm Xuân Tởi bị thương bởi B52. Sau thời gian điều trị, ông tiếp tục lên đường chiến đấu, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Đến năm 1979, ông xuất ngũ, trở về quê hương. Những lời hẹn cùng đồng chí, đồng đội năm xưa, đặc biệt là năm tháng không thể nào quên về 81 ngày đêm đỏ lửa bảo vệ Thành cổ Quảng Trị đã trở thành động lực, thôi thúc ông Tởi đi tìm đồng đội của mình.
Năm 2004, ông bắt đầu cuộc hành trình về thăm lại chiến trường Quảng Trị. Từ đó đến nay, mặc dù đã gần 70 tuổi nhưng năm nào, ông Tởi cũng vào Quảng Trị ba đến bốn lần. Ông đi đến các nghĩa trang để tìm kiếm phần mộ và thông tin chính xác nơi liệt sỹ đang an nghỉ để gia đình, người thân đưa về hoặc vào thăm viếng. Với ông, Thái Bình là quê cha và Quảng Trị đã trở thành quê mẹ, xuất phát từ nghĩa tình đồng đội với những người đã hi sinh.
Ông tâm sự, đã hơn 40 năm sau chiến tranh, chiến trường xưa từng là mảnh đất chết, nay đã nhiều đổi khác. Vì vậy, dù có nhiều cố gắng song việc tìm lại phần mộ các đồng đội hết sức khó khăn. Mỗi chuyến đi ông chỉ mong tìm được đồng đội của mình, dù là một, hai đồng chí cũng rất quý. Đồng đội của ông hi sinh khi còn quá trẻ, đến nay, có phần mộ liệt sỹ nằm trong nghĩa trang nhưng cũng còn rất nhiều đồng đội khác chưa thể tìm thấy… Vì vậy, ông luôn tâm niệm: Còn sức khỏe là còn đi, đi để đưa đồng đội trở về như lời hẹn năm nào.
Đến nay, tài sản quý giá nhất đối với ông là cuốn sổ ghi thông tin của gần 3.100 liệt sỹ thuộc Trung đoàn 27 được ông lưu giữ cẩn thận gần 14 năm qua. Từ những thông tin này, nhiều gia đình, thân nhân đã gọi điện, viết thư cho ông xin thông tin về liệt sỹ, nhiều phần mộ liệt sỹ đã được tìm thấy, đưa về quê hương.
Sau mỗi chuyến đi, ông Tởi lại tiếp tục trở về với cuộc sống đời thường. Ông cấy lúa, đào ao thả cá để dành dụm tiền cho những chuyến đi tìm đồng đội. Ông cũng là một trong những tấm gương làm kinh tế điển hình của xã Quỳnh Hội trong việc mạnh dạn đầu tư phát triển trang trại. Đến nay, ông có 10 mẫu ao nuôi cá cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Hiện cựu chiến binh Phạm Xuân Tởi đang đảm đương nhiệm vụ Trưởng ban liên lạc Trung đoàn 27; Trưởng ban liên lạc sư đoàn 320, Đại đoàn Đồng bằng; Chủ tịch Liên chi hội Hội chiến sỹ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 huyện Quỳnh Phụ. Là người lính trở về từ cuộc chiến, những hành động thiết thực giúp đỡ các đồng chí, đồng đội luôn mang lại cho ông Tởi nhiều niềm vui. Ông thường xuyên vận động, quyên góp từ các nhà hảo tâm, trợ giúp những cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Ông Phạm Xuân Tởi cho biết, trăn trở lớn nhất với ông vẫn là kết nối các đồng chí, đồng đội chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị năm xưa cùng chia sẻ thông tin để đẩy nhanh việc quy tập, tìm kiếm liệt sỹ, đưa các anh trở về quê hương.