Để đảm bảo an toàn hoạt động hiến máu trong mùa dịch, Ban Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế đã chỉ đạo Trung tâm Huyết học - Truyền máu triển khai tiếp nhận máu trên cơ sở đảm bảo dự phòng an toàn dịch COVID-19 cho người hiến máu theo quy định của Bộ Y tế. Theo đó, tất cả những người tham gia hiến máu phải đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, giữ khoảng cách an toàn với nhau, đồng thời người hiến máu được sàng lọc, khai báo y tế trước khi vào điểm hiến máu; tổ chức chia nhỏ các đợt hiến máu...
Nhằm rút ngắn thời gian tập trung tại điểm hiến máu, Trung tâm Huyết học - Truyền máu loại bỏ bước xét nghiệm sàng lọc và ưu tiên vận động người hiến máu nhắc lại trong vòng 1 năm để hạn chế xét nghiệm test nhanh HbsAg. 14 ngày sau khi hiến máu, người hiến được khuyến cáo chủ động báo cho đơn vị và được đơn vị theo dõi các yếu tố dịch tễ hoặc biểu hiện lâm sàng liên quan đến COVID-19.
Tiến sỹ, bác sỹ Đồng Sĩ Sằng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Huyết học - Truyền máu (Bệnh viện Trung ương Huế) cho biết, trong bối cảnh cách ly toàn xã hội, việc vận động, tổ chức cho người dân tham gia hiến máu an toàn là một thành công lớn. Điều này góp phần giải quyết được vấn đề cấp thiết thiếu nguồn máu dự trữ hiện nay, giúp nâng cao cơ hội sống cho nhiều người bệnh.
Trong tháng 4/2020 và các tháng tiếp theo (nếu tình hình dịch vẫn còn tiếp diễn), Bệnh viện Trung ương Huế sẽ linh động bố trí các xe hiến máu chuyên dụng đến các điểm tiếp nhận hiến máu tình nguyện của các cơ quan, đơn vị và địa phương theo từng đợt, đảm bảo truyền tải thông điệp “Hiến máu an toàn - không ngại COVID”. Phương thức tổ chức sẽ được thực hiện tương tự như tại Trung tâm Huyết học - Truyền máu nhằm đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và địa phương. Các phương tiện tiếp nhận máu và xe hiến máu sẽ được sát khuẩn ngay sau hoạt động hiến máu kết thúc từng đợt.
Theo báo cáo từ ngành Y tế và Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh Thừa Thiên - Huế, sau khi xuất hiện các ca bệnh nhiễm virus SARS-CoV-2, kế hoạch tổ chức hiến máu và nguồn người hiến máu trong tỉnh bị ảnh hưởng dẫn đến sự thiếu hụt nguồn máu phục vụ cấp cứu và điều trị. Một số đợt hiến máu bị tạm hoãn để tập trung chống dịch, đồng thời lượng đoàn viên, sinh viên chưa nhập học dẫn đến thiếu hụt nguồn máu dự trữ.
Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Thanh Xuân, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho hay, Bệnh viện đang ưu tiên sử dụng máu cho những bệnh nhân cấp cứu và bệnh nặng. Tại Trung tâm Huyết học - Truyền máu, hơn 700 đơn vị máu đang được dự trữ, lượng này chỉ đủ đáp ứng nhu cầu cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế và các bệnh viện trong khu vực trong 2 - 3 ngày tới.
Tất cả các bệnh nhân điều trị khác như mổ phiên, các kỹ thuật cao... đều phải tạm hoãn sử dụng máu. Trong khi đó, nhu cầu máu của các bệnh viện trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên tối thiểu 4.500 đơn vị máu/tháng để đáp ứng việc cấp cứu và điều trị. Đặc biệt, đơn vị có nhiệm vụ tiếp nhận và điều trị các bệnh nhân nặng của khu vực nên nhu cầu sử dụng máu của Bệnh viện Trung ương Huế rất cao, trung bình mỗi tháng Bệnh viện Trung ương Huế cần hơn 2.500 đơn vị máu sử dụng cấp cứu và điều trị.