Không hoạt động trên sân khấu chuyên nghiệp, cũng không mưu cầu danh tiếng, hơn 50 năm qua ông Thạch Ca Ri No ở ấp Chà Dư, xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh đã âm thầm cống hiến cho nghệ thuật dân tộc bằng công việc chế tác, bảo tồn và phát huy các loại nhạc cụ, mặt nạ… sử dụng trong các lễ hội, tín ngưỡng tôn giáo và biểu diễn nghệ thuật của dân tộc Khmer.Ông Ca Ri No chế tác trống chầu. |
10 tuổi ông đã rất mê ca múa nhạc và biểu diễn các tuồng tích cổ của dân tộc mình. Mỗi khi biết các chùa trong huyện hay trong xã biểu diễn nghệ thuật là ông đến xem cho bằng được. Hơn 6 năm được cha truyền dạy, ông Ca Ri No không chỉ thạo nghề mà còn trở thành một thợ chế tác nhạc cụ giỏi. Từ những thanh gỗ hay thanh sắt thô cứng, ông mài, cắt gọt tạo thành những phím đàn có âm thanh trầm bổng khác nhau. Những gốc cây cổ thụ được ông bào gọt, lộng khoét tạo thành những chiếc trống với nhiều kích cỡ, hình dáng khác nhau để sử dụng phù hợp với loại hình biểu diễn nghệ thuật.
Ban đầu, ông chỉ sản xuất 15 loại nhạc cụ truyền thống dân tộc như: Đàn Ta-Kê, đàn Cò, đàn Gáo, trống Chầu, trống Sa dăm… Nhưng về sau, ông tự nghiên cứu làm thêm các sản phẩm như: Người khổng lồ, mặt nạ, ngựa nộm và đặc biệt là tạc tượng hình giống người trên các chất liệu xi măng, gỗ, đá. Tiếng lành đồn xa, những sản phẩm do ông Ca Ri No làm ra không chỉ đến với các đội văn nghệ và các đoàn nghệ thuật, các chùa Khmer trong tỉnh mà vươn ra khắp các tỉnh, thành Nam Bộ. Ông cho biết, để gắn bó với nghề, điều tiên quyết là lòng đam mê và sự trân trọng văn hóa nghệ thuật dân tộc.
Từ lòng đam mê và tâm quyết muốn bảo tồn nghề truyền thống, ông Ca Ri No không chỉ truyền nghề cho 4 con trai của mình mà còn luôn sẵn lòng dạy nghề cho những thanh niên Khmer khác. Năm 2014, để gìn giữ và phát huy nghề, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh đã mở lớp đào tạo nghề miễn phí cho thanh niên Khmer, ông Ca Ri No là người thầy duy nhất được mời dạy.
Bài và ảnh: Phúc Sơn