Hằng năm, ông vận động khoảng 700 triệu đồng trực tiếp hỗ trợ học sinh và sửa chữa thiết bị trường học tại địa phương; trong đó, phát học bổng tiếp sức đến trường mỗi năm khoảng 350 em với mức 1,5 triệu đồng/em. Đồng thời, Quỹ Khuyến học đã tích lũy được số tiền hơn 2 tỷ đồng để gửi ngân hàng, làm nguồn kinh phí kịp thời hỗ trợ cho học sinh. Suốt hơn 20 năm qua, ông Chín Ghi đã vận động được hàng tỷ đồng tiếp sức cho học sinh nghèo địa phương tiếp tục đến trường.
Ông Chín Ghi cho biết, từ nhỏ, hoàn cảnh gia đình rất nghèo khó, không đủ tiền mua tập, sách, quần áo đàng hoàng như bạn đồng trang lứa. Ông đã thầm nhủ với lòng mình rằng sau này, dù ở hoàn cảnh thế nào, cũng sẽ dốc lòng hỗ trợ cho học sinh có điều kiện tiếp bước đến trường. Ông đã vượt lên nghịch cảnh, cố gắng học tập và hoàn thành chương trình lớp 12. Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975), ông Chín Ghi vào công tác tại UBND xã An Thạnh với vai trò Trưởng ban Thông tin văn hóa xã. Năm 1976, ông được phân công dẫn đoàn nhân công đắp tuyến đường phòng thủ biên giới khu vực Đồng Tháp Mười, gồm các xã Thạnh Trị, Thái Trị, Hưng Điền A, Hưng Điền B,… Trong suốt 4 năm 1976 - 1979, ông luôn hoàn thành tốt chức trách của mình.
Năm 1982, ông Chín Ghi hoàn thành lớp Trung cấp dược tại Long An, sau đó mở một quầy bán thuốc tây tại nhà. Với số tiền từ bán thuốc, ông Ghi bắt đầu thực hiện lời hứa của mình bằng những phần quà là những quyển tập, cây bút, thước kẻ,… tặng cho học sinh nghèo tại địa phương. Năm 1997, lãnh đạo xã An Thạnh đã mời và phân công ông làm cán bộ Hội Khuyến học xã. Sau đó, suốt 5 nhiệm kỳ, ông Chín Ghi được tín nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội Khuyến học; đồng thời, kiêm thêm chức vụ Trưởng Ban Công tác Mặt trận ấp 3.
Nói về hoạt động gây Quỹ Khuyến học của mình, ông Trần Văn Ghi cho biết, những doanh nghiệp, nhà hảo tâm thấy công việc của ông làm thiết thực nên rất tin tưởng. "Công tác vận động tuy rất khó khăn, nhưng mỗi khi vận động được nguồn quỹ để giúp các học sinh nghèo tại địa phương, tôi thấy rất vui và hạnh phúc”, ông Chín Ghi nói.
Cùng với vận động quỹ, 5 năm gần đây, ông Chín Ghi còn hoàn thành tốt công tác khuyến học tại địa phương như triển khai công tác công dân học tập giai đoạn 2021-2030 từ nội bộ đoàn thể và nhân dân trong xã; xây dựng điểm công dân học tập tại Trường Tiểu học An Thạnh; thực hiện “4 mô hình học tập gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị”,…
Cô giáo Nguyễn Ngọc Trang, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở An Thạnh, xã An Thạnh cho biết, Hội Khuyến học xã đã đồng hành cùng giáo dục địa phương trong suốt nhiều năm qua ở cả 4 cấp học. Hằng năm, Hội đã vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp và nhân dân địa phương để xây dựng được nguồn Quỹ Khuyến học cho xã ngày càng phát triển. Quỹ Khuyến học được phát triển ở từng ấp, từng trường học và có nhiều hoạt động hỗ trợ vô cùng thiết thực cho học sinh nghèo, học sinh khó khăn.
“Người dân An Thạnh ai cũng biết đến Chủ tịch Hội Khuyến học Trần Văn Ghi. Chúng tôi, những người cán bộ quản lý ở các cấp học thường gọi anh với tiếng gọi thân thiết gần gũi là “anh Chín, chú Chín”, cô Nguyễn Ngọc Trang nói.
Nói về ông Chín Ghi, Bí thư Đảng ủy xã An Thạnh Lê Văn Lợi cho biết, ông Trần Văn Ghi giữ chức Chủ tịch Hội Khuyến học đã hơn 20 năm. Hội Khuyến học xã hiện đứng đầu của huyện về các phong trào, xây dựng Quỹ Khuyến học. Hội Khuyến học, điển hình là ông Trần Văn Ghi, là nhịp cầu nối giữa những nhà hảo tâm, doanh nghiệp để tài trợ học bổng khuyến học, khuyến tài cho các em học sinh.
Với việc làm của mình, ông Trần Văn Ghi được tặng nhiều Giấy khen của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, UBND tỉnh Long An về các thành tích "Xuất sắc trong phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”, “Đóng góp tích cực trong hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của địa phương giai đoạn 2010-2015”… Đặc biệt, trong 6 năm liền (từ năm 2017 - 2023), ông Trần Văn Ghi vinh dự được công nhận đảng viên xuất sắc cấp tỉnh.