Khởi nghiệp từ vùng đất bỏ hoang

Xin thuê 1,7 ha đất bỏ hoang ở vùng trũng, sau thời gian bỏ vốn liếng, công sức cải tạo, anh Huỳnh Tấn Phấn, Bí thư Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có thu nhập bình quân 300 triệu đồng/năm.

Mô hình trang trại của anh Phấn.

Lúc chưa nhìn thấy hiệu quả, bà con làng xóm, kể cả người thân cũng nghĩ anh Phấn không bình thường khi đi thuê phần đất bỏ đi, nhưng với quyết tâm, anh đã vượt lên tất cả. Để canh tác và nuôi trồng, anh Phấn dồn hơn 200 triệu đồng vay mượn cùng những học hỏi của bản thân cải tạo vùng đất.

Trước tiên, anh đào hơn 2 km mương thoát nước, lên luống chống úng, đào giếng và lắp đặt hệ thống nước tưới tiêu. Sau đó, anh Phấn tập trung nuôi bò, trồng hàng ngàn gốc chuối, mía, bưởi da xanh.

Ban đầu, anh đầu tư nuôi bò bán thâm canh (vừa thả rông vừa nuôi nhốt bò, cho ăn cỏ dự trữ trong mùa rét) và trồng cỏ VA06, sắn trên 1,7 ha đất được cải tạo nhằm chủ động bổ sung nguồn thức ăn xanh cho đàn bò thay vì thả rông vào rừng như cách người dân địa phương thường áp dụng.

Tuy nhiên, phương thức chăn thả vào rừng, có khi vài tháng mới vào thăm một lần khiến đàn bò chết rét, không hiệu quả. Do đó, anh đã tiến hành xây dựng chuồng trại và chú tâm hơn vào việc chăm sóc, tiêm phòng cho đàn bò.

Giờ đây, tổng giá trị đàn bò của anh Phấn đạt hơn 230 triệu đồng. Ngoài chăn nuôi, anh còn đưa giống chuối tiêu hồng cấy mô vào trồng đại trà hơn 1.500 gốc, trồng xen sắn, mía, 200 gốc bưởi da xanh. Anh còn cung cấp giống mía cho người dân trong vùng.

Nhìn thấy hiệu quả rõ rệt từ mô hình sản xuất nông nghiệp của anh Phấn, nhiều bà con trong vùng đã thay đổi nhận thức, đến tìm hiểu, nhờ anh hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp giống cỏ VA06 để phát triển chăn nuôi bò.

Để có thành công như hôm nay, anh Huỳnh Tấn Phấn đã kiên trì theo học các lớp hỗ trợ kỹ thuật, chủ động tìm kiếm thông tin, học tập kinh nghiệm các mô hình hiệu quả qua internet.


Chủ tịch Hội Nông dân xã Dương Hòa La Đành cho biết: Tuy xã có đất tự nhiên rộng lớn nhưng phần lớn là đất màu kém hiệu quả, người dân không sản xuất nổi. Việc anh Huỳnh Tấn Phấn mạnh dạn đi đầu với mô hình nuôi trồng thành công là bài học kinh nghiệm cho bà con nơi đây.

Ngoài thu nhập cho gia đình, trang trại của anh còn giải quyết việc làm cho 10 người dân địa phương. 6 hộ trong xã và nhiều thanh niên trong vùng đến học tập kinh nghiệm, mua các giống cây trồng của anh Phấn. Hội Nông dân xã Dương Hòa đánh giá cao mô hình này và luôn tạo điều kiện để mô hình trở thành thí điểm nhiều nơi tham quan, học hỏi.

Năm 2016, anh Huỳnh Tấn Phấn đã được tặng Bằng khen của Tỉnh Đoàn Thừa Thiên - Huế trong thực thiện phong trào thanh niên tham gia xây dựng nông thôn mới...

Bài và ảnh: Mai Trang (TTXVN)
Làm giàu từ cây vải thiều trên đất Tây Nguyên
Làm giàu từ cây vải thiều trên đất Tây Nguyên

Nhờ tinh thần dám nghĩ, dám làm, anh Đỗ Công Hải, sinh năm 1986, ngụ thôn 2, xã Ea Sar, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk, đã thành công trong việc trồng vải thiều trên đất Tây Nguyên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN