Là một ngư dân chuyên đánh bắt gần bờ, thủa nhỏ gia đình nghèo không có điều kiện đi học, nhưng không vì thế mà ông Huỳnh Tiển mất đi niềm đam mê sáng tạo.
Nhận thấy vợ mình luôn làm nông theo cách thủ công rất vất vả, năng suất thấp, ông suy nghĩ phải làm sao để cải tiến cách trồng trọt cũ. Năm 2012, ông tự mày mò tìm hiểu rồi lắp ráp một chiếc máy tuốt lạc để vợ sử dụng.
Thấy kết quả tốt, năm 2013 ông tiếp tục nghiên cứu sáng chế ra máy gieo hạt đẩy bằng tay. Năm 2014, ông Tiển cải tiến lại khung máy để gắn chiếc máy gieo hạt lạc vào máy cày tay công suất 7 CV. Với tốc độ của máy là 35m/phút, gieo được 4 hàng một lúc, vị chi mỗi sào (500 m2) cần 30 phút là gieo xong và chỉ tốn 1/3 lít xăng cho động cơ kéo. Máy thay thế được 7 - 9 người gieo thủ công.
Nhận thấy lợi ích thiết thực, nhiều người dân trong huyện đã tìm đến mua máy gieo hạt lạc của ông Tiển về sử dụng, với giá 3 triệu đồng/chiếc.
Ông Tiển nhớ lại: “Đợt đó tôi bị mất ngủ 3 đêm liền, vì không nghĩ ra được giải pháp kiểm soát số hạt gieo xuống đất. Khi đó, vợ con cứ tưởng tôi ốm nhưng là do tính tôi đã làm gì là phải làm cho đến cùng. Cũng may về sau tôi mày mò tìm hiểu thêm trên mạng internet, tìm ra giải pháp để tiếp tục chế tạo”.
Năm 2015, ông Tiển tiếp tục đam mê chế tạo với việc sáng chế ra chiếc máy lên luống. Do điều kiện địa phương, đất sản xuất nông nghiệp chủ yếu là đất cằn lên luống để trồng các loại cây họ đậu, hành, ớt nên ông đã chế tạo, lắp thêm các bộ phận vào máy Honda cũ để trở thành máy lên luống.
Các bộ phận được gia công thêm gồm lưỡi lên luống bằng sắt, bánh lồng để di chuyển trên đất vườn và chảo cày hình chóp nón để gạt đất. Mỗi đường cày sẽ tạo thành một luống có thể tùy chỉnh kích thước, độ rộng của đáy rãnh khoảng 13cm, độ rộng của luống khoảng 35cm. Khi sử dụng máy lên luống, với mỗi lít xăng có thể làm được hơn 3 sào đất trong 1,5 giờ, tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức. Mỗi chiếc máy lên luống như vậy được ông Tiển bán với giá 9,5 triệu đồng, hiện đã bán được 6 chiếc.
Anh Đỗ Văn Cường, thôn Tân Thanh, xã Cát Hải, huyện Phù Cát (Bình Định) là một trong những khách hàng mua máy lên luống của ông Tiển. Hàng ngày, anh Cường sử dụng máy lên luống, cày thuê cho những chủ vườn có nhu cầu.
Anh cho biết: “Tôi sử dụng máy này để cày thuê rất hiệu quả, tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc. Hơn nữa, dùng máy lên luống tạo luống thẳng hơn, dễ thoát nước hơn và tạo được rãnh nhỏ hơn so với cày bằng trâu, bò. Máy cũng dễ sử dụng, ông Tiển hướng dẫn tôi một lần là sử dụng thành thạo”.
Không chỉ ông Tiển, hai anh con trai trong số bốn người con của ông cũng cùng chung đam mê với bố mình. Khi rảnh rỗi họ lại tới nhà bố, cùng nhau mang máy cưa, máy hàn ra sân đo đạc, lắp ráp. Ngôi nhà của lão ngư này lại rộn ràng như một công xưởng chế tạo. Ông Huỳnh Tiển vui vẻ: “Dạo này thấy có nhiều người đặt mua máy, tôi thêm vui vì những sáng chế của mình mang lại lợi ích cho đồng bào.
Hiện tôi đang tiếp tục nghiên cứu để chế tạo máy thu hoạch lạc. Tôi cũng mong nhận được sự quan tâm, hướng dẫn của các ban, ngành, đoàn thể nhiều hơn để tiếp tục phát triển những máy móc mới, được vay ưu đãi để mở một xưởng sản xuất, đăng ký kinh doanh đàng hoàng”.
Với những nỗ lực của mình, năm 2014 ông Huỳnh Tiển đã đạt giải Nhì cuộc thi sáng tạo nhà nông tỉnh Bình Định với máy gieo hạt lạc, năm 2015 tiếp tục đạt giải Ba cuộc thi này với máy lên luống.
Nói về những sáng chế này, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định Nguyễn Hữu Hà cho biết: “Do xuất phát từ những nhu cầu thực tiễn sản xuất nên các sáng chế của ông Huỳnh Tiển cũng như nhiều nông dân khác là rất thiết thực và phù hợp với tình hình sản xuất tại địa phương. Hiện giờ chúng tôi đang hỗ trợ các nông dân này xây dựng hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ; đồng thời đề xuất với UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ thương mại hóa, đưa các sản phẩm này đến các hội chợ nông nghiệp, đến với thị trường”.