Từ năm 2004 đến nay, ông Hai Lúa tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội, nổi bật là ông đã đóng góp và vận động các nhà hảo tâm gần xa ủng hộ kinh phí để xây dựng hơn 300 cây cầu nông thôn ở trong và ngoài địa phương, giúp việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa thuận lợi.
Sau nhiều lần lỡ hẹn vì bận đi xây cầu nơi xa, gần đây, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam được gặp ông Hai Lúa. Ông phấn khởi dẫn chúng tôi đến tham quan cầu Ngã Ba Bà Khôi vừa xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng trên địa bàn xã Tân Bình, huyện Châu Thành. Cây cầu bê tông này có chiều dài 34m, rộng 4m, tải trọng 5 tấn với kinh phí hơn 600 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 50%, phần còn lại do ông Hai Lúa vận động các nhà hảo tâm đóng góp.
Ông Trần Văn Thích ở gần cầu Ngã Ba Bà Khôi cho biết, trước đây, không có cầu, muốn ra Thành phố Sa Đéc hay một số địa phương khác, mọi người phải đi đường vòng nên rất xa, mất nhiều thời gian. Khi hay tin bắc cầu Ngã Ba Bà Khôi, ông Thích rất mừng và tích cực hiến phần đất làm đường dẫn lên cầu và tham gia góp công làm cầu. Việc có cầu Ngã Ba Bà Khôi đã đáp ứng mong ước từ lâu của người dân nơi đây, giúp việc đi lại thuận tiện hơn, nhanh hơn.
Đây chỉ là một trong số hàng trăm cây cầu nông thôn mà ông Hai Lúa chủ trì vận động kinh phí và tổ chức xây dựng. Ông Hai Lúa chia sẻ, trước khi đến với "nghiệp" làm cầu nông thôn, ông là một nông dân “chính gốc”, chuyên sản xuất lúa giống nhằm góp phần cung cấp những giống lúa chất lượng cao, phù hợp với thổ nhưỡng địa phương. Tuy canh tác lúa giống đòi hỏi nhiều kỹ thuật, quy trình sản xuất khắt khe nhưng mang lại lợi nhuận cao hơn so với lúa thương phẩm. Nhờ sản xuất lúa giống, kinh tế gia đình ông dần phát triển, tích lũy mua thêm đất nông nghiệp và có điều kiện tham gia công tác từ thiện xã hội.
Ông Hai Lúa cho hay, quê hương Châu Thành nói riêng cũng như tỉnh Đồng Tháp nói chung vốn là vùng sông nước, kênh rạch chằng chịt. Trước đây, giao thông nông thôn trong vùng rất khó khăn, chủ yếu là cầu tre, cầu ván (gỗ). Trận lũ lớn vào năm 2000, đa số những câu cầu này bị nước lũ cuốn trôi khiến việc lưu thông càng gian nan hơn. Trước tình hình đó, ông Hai Lúa đi vận động người dân địa phương góp công, góp gỗ… để bắc lại cầu. Tuy nhiên, vì cầu bằng gỗ tạp (chủ yếu là cây bạch đàn, mù u, gáo) nên mau chóng xuống cấp, hư hỏng, phải thường xuyên bắc mới và sửa chữa.
Để kiên cố hóa, tăng tuổi thọ cho cầu, ông Hai Lúa chuyển từ bắc cầu ván sang cầu bê tông. Năm 2004, với sự ủng hộ về tài chính từ người thân của ông Hai Lúa cùng sự đóng góp của người dân địa phương, những cây cầu bê tông đầu tiên ra đời. Lúc bấy giờ, kinh phí hạn hẹp và kỹ thuật, kinh nghiệm hạn chế nên chỉ xây dựng những cây cầu nhỏ, mặt cầu rộng từ 1 - 1,2m. Sau đó, tiếng lành đồn xa, nhiều nhà hảo tâm thấy việc làm hữu ích của ông Hai Lúa nên tích cực ủng hộ. Đội thi công cầu từ thiện Hai Lúa được thành lập (hiện có 20 thành viên) đảm nhận việc bắc cầu trong và ngoài huyện Châu Thành.
Sơ tính từ năm 2004 đến nay, ông Hai Lúa đóng góp tiền và vận động các nhà hảo tâm gần xa ủng hộ trên 30 tỷ đồng để xây dựng hơn 300 cây cầu nông thôn lớn nhỏ ở trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp với hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Tùy địa phương, có nơi ngân sách hỗ trợ 40%, có nơi 50% tổng kinh phí làm cầu, phần còn lại thì ông Hai Lúa kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ. Những năm gần đây, cùng với bắc cầu mới, ông Hai Lúa còn phải nâng cấp những cây cầu đã xây trước đây để đạt yêu cầu về tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới là mặt cầu rộng từ 4m trở lên, tải trọng 5 tấn.
Theo ông Trần Thế Phúc, Chủ tịch UBND xã Tân Bình (huyện Châu Thành), ông Hai Lúa là một tấm gương điển hình về công tác từ thiện xã hội ở địa phương, vận động kinh phí hỗ trợ xây nhà, tặng quà cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn; tặng gạo cho bếp ăn từ thiện ở bệnh viện… Đặc biệt, ông tích cực xây dựng cầu nông thôn, góp phần hoàn thành tiêu chí về giao thông trong xây dựng nông thôn mới; giúp việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa thuận lợi, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Với sự hỗ trợ từ Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường tỉnh Đồng Tháp về thiết kế bản vẽ, kỹ thuật xây dựng…, từ chỗ chỉ tập tành làm cầu nhỏ, đến nay, đa số các thành viên trong Đội thi công cầu từ thiện Hai Lúa đều lành nghề và có thể thi công những cây cầu nông thôn quy mô lớn. Điển hình như Đội xây dựng 2 cây cầu: Đường Cày (xã An Phú Thuận, huyện Châu Thành) và Ông Kiết (xã Phú Hựu, huyện Châu Thành). Mỗi cây cầu có chiều dài 40m, mặt cầu rộng 4m, tĩnh không thông thuyền 15m, tải trọng 5 tấn, kinh phí khoảng 1 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hải Quân, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường tỉnh Đồng Tháp cho biết, được sự ủng hộ, đóng góp tích cực của nhân dân về công lao động, lương thực, thực phẩm… nên chi phí xây dựng mỗi cây cầu do ông Hai Lúa tổ chức thực hiện thường thấp hơn nhiều so với bình thường. Trong khi đó, cầu vẫn đảm bảo chất lượng và tính thẩm mỹ cũng như các yêu cầu của tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới.
Nhờ lợi thế kinh tế gia đình ổn định và sự hậu thuẫn về tài chính của người thân, nên ngoài bỏ công vận động, ông Hai Lúa còn góp tiền làm cầu. Trong quá trình thi công, những cây cầu đảm bảo tiến độ, chất lượng; sau khi hoàn thành cầu, ông Hai Lúa công khai các khoản đóng góp của nhân dân, nhà hảo tâm. Từ đó, tạo được sự hài lòng, tin tưởng nên mọi người duy trì ủng hộ kinh phí suốt thời gian qua để ông Hai Lúa bắc cầu.
Trong hành trình 20 năm bắc cầu nông thôn, ông Nguyễn Văn Bé Hai đã nhận nhiều Bằng khen, Giấy khen của Trung ương và địa phương vì tích cực đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển giao thông. Ông Hai Lúa tâm sự, mỗi cây cầu hoàn thành, đưa vào sử dụng, người dân phấn khởi, lưu thông thuận tiện, các cháu học sinh đến trường dễ dàng. Đây chính là động lực để ông theo đuổi hành trình “nối những bờ vui” suốt mấy chục năm qua. Từ đầu năm 2024 đến nay, ông đã vận động xây dựng 8/12 cây cầu. Dự kiến, năm nay sẽ đạt hoặc vượt kế hoạch. Tuy lớn tuổi, sức khỏe cũng không còn tốt lắm, nhưng ông vẫn sẽ cố gắng năm 2025 làm từ 12 cây cầu trở lên.