Từ năm 2010, anh Dũng bắt đầu phát triển nuôi đại trà giống gà ri lai với số lượng lớn lên tới gần 1.000 con, nhưng do thiếu kinh nghiệm như không xây lò để sưởi ấm cho gà, nuôi phải gà tồn, gà chưa được tiêm thuốc đủ liều... nên đã nhiều lần thất bại. Không nản lòng, anh Dũng mày mò học hỏi kinh nghiệm qua sách, báo, đầu tư nâng cấp lại chuồng trại, phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học giúp tiết kiệm chi phí, mang lại hiệu quả cao.
Anh Dũng đang chăm sóc đàn gà của gia đình. |
Theo anh Dũng, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học là biện pháp phòng bệnh cho vật nuôi hiệu quả, giảm tiêu tốn nguồn thức ăn, vì trong quá trình chăn nuôi đã sử dụng men vi sinh vật có tác dụng kích thích quá trình tiêu hóa, tăng khả năng hấp thụ thức ăn, tăng quá trình trao đổi chất và năng lượng, giúp cho đàn gà lớn nhanh. Đặc biệt, không lạm dụng thuốc kháng sinh và các hoóc môn.
Đệm lót cho gà rất dễ làm và dễ kiếm, có thể tận dụng trấu, mùn cưa để làm. Sau khi vệ sinh chuồng trại, rải một lớp trấu, mùn cưa mỏng và rắc đều men vi sinh lên là có thể tiến hành chăn nuôi. Việc chăn nuôi theo hướng này sẽ tăng chất lượng đàn gà và giảm tồn dư kháng sinh. Đặc biệt, giảm thiểu được mùi hôi thối, khí độc trong chuồng nuôi, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Sau khi chăn nuôi, người dân còn có thể tận dụng lớp đệm lót để trồng, bón cây rất tốt.
Hiện nay, mỗi năm, anh Dũng nuôi khoảng 4 lứa, mỗi lứa từ 500 - 700 con gà, bao gồm cả gà thịt và gà trứng. Mỗi ngày, đàn gà của gia đình anh Dũng đẻ đều đặn hơn 200 trứng, trừ chi phí anh thu về gần 400.000 đồng/ngày. Tận dụng những cánh rừng của gia đình, anh Dũng còn áp dụng mô hình nuôi gà thả vườn và chăn phối (tận dụng rau, củ, quả, chuối... kết hợp với cám cho gà ăn). Sản phẩm tiêu thụ tốt do khách hàng rất ưa chuộng gà và trứng ở trang trại của anh nhờ chất lượng thơm ngon, thịt ngọt. Thu nhập bình quân từ chăn nuôi gà của gia đình anh lên tới hơn 20 triệu đồng/tháng, một con số khá lớn đối với người dân vùng cao Bắc Kạn.