Tiếp sức cho học sinh dân tộc thiểu số học giỏi

Mơ ước sẽ thành hiện thực

Mỗi học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số đều có ước mơ, hoài bão của riêng mì­nh, nhưng tất cả đều có chung một mơ ước là được góp sức xây dựng quê hương, đất nước sau khi ra trường. Nhân dịp năm mới Ất Mùi, Tin Tức ghi nhận tâm sự của một số em học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số tiêu biểu:

Nông Văn Thoại, dân tộc Tày, bản Eng, xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn (Giải Khuyến khích hóa học Quốc gia, hiện là sinh viên Học viện An ninh nhân dân):

Nhận được suất học bổng vừa qua, em cũng như các bạn học sinh dân tộc thiểu số cảm thấy rất tự hào vì mình là người sinh ra ở nơi có điều kiện sống, học tập rất khó khăn, nhưng chúng em đều cố gắng vượt qua và thực hiện được những ước mơ vươn tới tri thức của mình. Nhận được phần thưởng này, mẹ em cũng rất tự hào và yên tâm hơn với cuộc sống của em. Nhà em chỉ có 2 mẹ con, tuy nhà nghèo, trường học ở xa, nhưng mẹ em luôn cố gắng cho em đi học. Em đã dành phần thưởng của mình một ít để mua sách vở, mua quà tặng mẹ và mua đồ dùng học tập cho các em nhà nghèo ở bản. Sau này ra trường, em luôn mong muốn được về quê hương công tác, đóng góp sức mình vào xây dựng quê hương, em sẽ giúp đỡ cho nhiều em nhỏ dân tộc được đi học hơn nữa.



Tao Văn Xeng, dân tộc Lự, ở bản Chăn Nuôi, xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu (Giải Khuyến khích Quốc gia môn lịch sử, hiện là sinh viên Cao đẳng Cảnh sát I):

Em cảm thấy mình thật may mắn vì nhận được quan tâm, giúp đỡ của các đơn vị, cơ quan Nhà nước để được đi học, có kết quả học tập như ngày hôm nay. Em cũng cảm thấy rất vinh dự khi được cầm trong tay suất học bổng dành cho học sinh dân tộc miền núi. Số tiền được thưởng em cũng muốn dành để mua một ít đồ dùng học tập, để khi nào về thăm bản em sẽ mang về tặng cho các em học sinh ở bản em. Bản em còn nghèo, cũng có ít bạn được đi học đến nơi đến chốn, nên em thấy sau này mình cũng phải làm được việc gì đó để có thể giúp đỡ cho thôn bản. Em chọn học ngành cảnh sát vì ở môi trường này em sẽ có điều kiện học tập tốt hơn, bố mẹ không phải nuôi em ăn học vì không mất tiền học phí. Em cũng luôn ước mơ sau này sẽ là một chiến sĩ cảnh sát giỏi nghề, để giúp đỡ bà con thôn bản được sống bình yên, tránh xa được mọi tệ nạn xã hội.


Hoàng Thị Khương, dân tộc Giáy, bản San Thàng 2, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu (Giải Khuyến khích Quốc gia môn lịch sử, hiện là sinh viên Cao đẳng Cảnh sát I):

Em rất cảm ơn các cơ quan Nhà nước đã luôn quan tâm, giúp đỡ cho học sinh miền núi, vùng khó khăn như chúng em để chúng em được đi học, có thể thành đạt giống như các bạn học sinh ở miền xuôi. Nhận được học bổng, em đã dành hết để mua sách đọc. Vì trước đây học ở bản thiếu thốn đủ thứ, nhất là sách, có khi có quyển sách hay mà cả lớp chuyền tay nhau đọc mãi, nên hồi đó em luôn mơ ước có một tủ sách của riêng mình. Bố mẹ em đều không được đi học nên khi thấy em quyết tâm học, bố mẹ cũng ủng hộ và tạo điều kiện cho em được học, vì có cái chữ mới có thể thoát khỏi cái nghèo. Ở quê em, người dân ít được đi học, chủ yếu làm nương rẫy, nên cuộc sống còn nghèo đói, lạc hậu và còn nhiều tệ nạn. Vì thế, từ khi được đi học, em đã luôn cố gắng học thật giỏi để thực hiện ước mơ trở thành một người cảnh sát, dẹp hết các tệ nạn. Sau này học xong, em có nguyện vọng được quay trở lại quê hương làm việc, mong góp một phần công sức giúp đỡ cho bà con thôn bản đỡ đói nghèo, nhất là mong được mang lại cuộc sống bình yên cho quê hương.


Lò Thị Chiêm, dân tộc Giáy, ở phường Quyết Thắng, thành phố Lai Châu (Giải 3 Quốc gia môn ngữ văn, hiện là sinh viên trường Đại học KHXH&NV - ĐHQGHN):

Vì điều kiện học tập của học sinh vùng cao chúng em rất thiếu thốn và khó khăn, nên trước đây em luôn ước mơ sẽ học thật giỏi và thi đỗ vào một trường đại học để sau này có một công việc để giúp đỡ gia đình, giúp đỡ quê hương. Em luôn tự động viên mình phải cố gắng học thật chăm chỉ. Ngoài những lúc giúp đỡ bố mẹ ở nhà, những khi ở trên lớp, trong giờ nghỉ, em cũng tranh thủ học bài và cố gắng thuộc bài thật nhanh các môn khác, để có thời gian học môn yêu thích của em là môn văn. Thư viện trường cũng không có nhiều sách để tham khảo, nên có sách gì em cũng đọc đi đọc lại, có lẽ vì thế nên nó giúp em học tốt môn văn hơn. Thi đỗ vào trường Đại học KHXH&NV, khoa Báo chí, em thấy mình thật may mắn vì đã đạt ước mơ của mình. Em luôn muốn học ngành báo chí, bởi vì em rất thích công việc làm báo và cũng ngưỡng mộ các nhà báo, nhất là những nhà báo dám bất chấp khó khăn đi lên những vùng miền núi khó khăn như chúng em để làm được phóng sự về cuộc sống vùng cao hay phản ánh các tệ nạn xã hội, góp phần mang lại bình yên cho những nơi này. Sau này, em cũng muốn trở thành một nhà báo giỏi để đi đến những vùng cao, vùng xa xôi của Tổ quốc, góp chút ít công sức của mình để giúp cho các bản làng được cuộc sống ấm no, bình yên. Vừa qua nhận được học bổng vì đạt giải quốc gia môn văn, em cảm thấy rất xúc động vì những học sinh miền núi như chúng em không chỉ được quan tâm, tạo điều kiện cho học tập, mà còn được động viên kịp thời, để chúng em ngày càng cố gắng phấn đấu, trở thành những người có tri thức, như những ngọn đuốc để soi sáng bản làng.


Vừ Mí Kỵ, dân tộc Mông, ở xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang (Giải Nhì quốc gia môn lịch sử, hiện là sinh viên Học viện An ninh):

Em mồ côi mẹ từ lúc 3 tuổi, gia đình lại đông con, có 8 anh chị em, nên cuộc sống càng thêm khó khăn. Ngoài em, chỉ còn hai em kế sau là được đi học. Nhà em đến giờ vẫn thuộc hộ nghèo, là vùng đất đá nên bố mẹ chỉ có ít nương để trồng ngô. Ngay từ nhỏ, nhà em đã ăn mèn mén, sau này đỡ hơn chút lâu lâu mới có cơm ăn. Do điều kiện gia đình khó khăn nên các chị gái của em đều nghỉ học sớm, ở nhà làm nương phụ giúp bố mẹ. Bố mẹ em không ai biết chữ, nên việc học của các con cũng khó theo sát được. Do em là con trai và cũng thích học nên được bố mẹ ưu tiên cho tiếp tục đi học. Trong ba năm học Trung học phổ thông, em giành được hai Huy chương Bạc tại kì thi Olympic duyên hải - đồng bằng Bắc Bộ và kì thi Hùng Vương. Em cũng là học sinh người Mông đầu tiên của trường Vùng cao Việt Bắc đạt được giải nhì cấp quốc gia môn lịch sử. Mong ước của em là khi học xong, ra trường được về chính quê hương mình để góp phần nhỏ bé xây dựng quê hương; được ở gần nhà để có điều kiện chăm lo cho gia đình và các em. Phần thưởng được nhận tại Lễ tuyên dương, em đã gửi về để bố trả nợ số tiền đã vay để làm lộ phí cho em xuống Hà Nội thi, phần còn lại em để dành mua sách, tài liệu học tập, nghiên cứu.


Lê Thị Bình, dân tộc Sán Dìu, xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên (Giải Khuyến khích quốc gia môn sinh học, hiện là sinh viên Trường ĐHKHXH&NV):

Em sinh ra và lớn lên ở xã đặc biệt khó khăn, nơi đại đa số đồng bào Nùng, Tày, Sán Dìu sinh sống. Nơi em ở hiện vẫn chưa có điện. Đường vào bản vẫn là đá sỏi ngổn ngang, mùa khô còn đi lại được bằng xe máy, chứ mùa mưa lội bộ còn vất vả lắm. Từ khi học lớp 6, em đã phải sống cách xa gia đình, phải sang tận huyện Võ Nhai học, bởi khi đó huyện Đại Từ chưa có trường dân tộc nội trú. Cuộc sống xa nhà đã giúp em nỗ lực hơn trong cuộc sống, học tập và nỗ lực của em đã được đền đáp bằng 12 năm đều đạt học sinh giỏi và đoạt các giải cao của huyện, tỉnh và đến năm lớp 12 em đã đoạt giải Khuyến khích quốc gia môn sinh học. Đồng thời, cũng giúp em tự lập hơn khi xuống Hà Nội học. Từ khi xuống Hà Nội học, em đã tham gia cộng tác với một trung tâm Anh ngữ để vừa học hỏi kinh nghiệm, trau dồi thêm vốn tiếng Anh và có tiền để đỡ đần thêm bố mẹ. Em mong khi ra trường có việc ở quê hương mình, để góp phần xây dựng làng quê ấm no, hạnh phúc. Phần thưởng được trao trong lễ tuyên dương em vẫn để làm tiết kiệm, vì số tiền làm thêm cũng đã đủ để em chi phí hàng ngày.


Hoàng Văn Chung, dân tộc Dao, xã Giáp Trung, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang (Giải Ba quốc gia môn lịch sử, hiện là sinh viên Học viện An ninh):

Gia đình em có 5 anh em, anh cả lúc nhỏ bị bệnh nặng không có tiền chữa trị, bị khuyết tật, nên gia cảnh càng thêm khó khăn. Cộng thêm bố mẹ em ở vùng sâu, vùng xa, không biết chữ, nên cơ hội đến trường của em càng hiếm hoi. Nhưng với quyết tâm theo học, em đã thuyết phục được bố mẹ cho đi học. Lớp 1 đến lớp 9, năm nào em cũng được học sinh khá. Học hết cấp 2, trong khi nhiều bạn trong thôn nghỉ học, ở nhà lập gia đình, em tiếp tục ra trường PTDTNT Yên Minh để theo học. Được 600.000 học bổng dành cho học sinh vượt khó, em cũng dành hết để mua sách tham khảo. Đến năm lớp 12, em giành được giải Ba quốc gia môn lịch sử. Sau này ra trường em cũng ước muốn về huyện công tác, bởi quê em vẫn còn khó khăn lắm, nhất là thiếu cán bộ có trình độ cao. Do việc ăn, ở, học phí trong trường đều không phải trả, nên số tiền được trao trong lễ tuyên dương em vẫn để dành, khi nào có việc gì quan trong mới dùng đến.



Trọng Thủy - Tạ Nguyên
Những gương sáng học sinh dân tộc thiểu số
Những gương sáng học sinh dân tộc thiểu số

Cậu học sinh Vừ Mí Kỵ người Mông, tân sinh viên Học viện An ninh, là học sinh đầu tiên của trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc đạt được giải Nhì cấp quốc gia môn lịch sử.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN