Công tác ở xã biên giới có điều kiện đặc biệt khó khăn, xã lại nằm cách xa trung tâm huyện Mèo Vạc tới 32km, giao thông đi lại khó khăn nên công tác vận động quần chúng của chị Dùng Thị Vân không hề đơn giản.
Chị Vân cho biết: “Toàn xã Xín Cái có 19 thôn gồm 8 dân tộc thiểu số, trong đó đồng bào Mông chiếm 60%, còn lại là các dân tộc Dao, Lô Lô, Tày, Hoa, Giáy… Diện tích xã rộng nhưng phần lớn là núi đá có độ dốc cao, hiểm trở, chia cắt nhiều, khí hậu khắt nghiệt, nhiều sương muối và băng giá... nên đời sống người dân rất khó khăn”.
Chứng kiến cảnh vất vả của người dân, đời sống xã hội chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao chị Dùng Thị Vân đã trăn trở rất nhiều. Để từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã, chị Vân đã tham mưu với cấp ủy và chính quyền địa phương thực hiện tốt chính sách dân tộc, quan tâm chăm lo tới đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào.
Để động viên người dân xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, đổi mới cách làm ăn, đầu tư phát triển cây ăn quả trên đất dốc, chị Vân đã đi đầu làm trước, sau đó vận động bà con dân bản làm theo. Và những công sức đóng góp nhỏ bé của chị đã được đền đáp thông qua khối đại đoàn kết các dân tộc trong thôn Cờ Tảng được củng cố, người dân đã biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh - quốc phòng, giữ gìn chủ quyền biên giới quốc gia.
Với vai trò là Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng tổ vay vốn, Tổ trưởng tổ hợp tác thêu, dệt thổ cẩm dân tộc Lô Lô của thôn Cờ Tảng, xã Xín Cái, chị Vân đã giúp đỡ 30 gia đình trong thôn tiếp cận vốn vay ưu đãi của ngân hàng lên tới 600 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, chị em trong Tổ hợp tác đã khôi phục và phát triển nghề truyền thống, đổi mới phương thức sản xuất; bản sắc văn hóa dân tộc Lô Lô dần được khôi phục. Chính nghề dệt đã tạo việc làm cho hàng chục lao động trong Tổ hợp tác, đem lại thu nhập bình quân mỗi năm khoảng 160 triệu đồng.
Bên cạnh đó, chị Vân còn triển khai thực hiện dự án chăn nuôi bò sinh sản theo chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp của tỉnh Hà Giang với 20 hộ trong thôn tham gia, lợi nhuận hàng năm mỗi hộ đạt từ 7-10 triệu đồng/con bò sinh sản. Thực hiện tốt Chương trình 135 của Chính phủ, Chương trình 30a, chính sách dân tộc cho vùng đồng bào DTTS rất ít người theo Quyết định 2085, 2086 của Thủ tướng Chính phủ.
Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chị Vân đã tuyên truyền vận động người dân trong thôn hiến 120m2 đất để làm đường giao thông với tổng chiều dài 1,6km. Vận động bà con lao động công ích hơn 200 ngày công, hiến hơn 80m2 đất để xây dựng điểm trường. Đến nay thôn Cờ Tảng đã đạt 10/19 tiêu chí nông thôn mới và đã có đường giao thông đi lại thuận lợi, có điểm trường khang trang.
Đăc biệt từ năm 2019 đến nay, thực hiện chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho gia đình người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo xã biên giới do Tỉnh ủy Hà Giang phát động, xã Xín Cái đã cải tạo được 123 nhà tạm cho các hộ nghèo, cơ bản nhân dân trong xã đã được ở trong các ngôi nhà 3 cứng “nền cứng, tường cứng, vách cứng”.
Theo đồng chí Nguyễn Ðức Duy, Trưởng Công an xã Xín Cái, nhờ có sự tuyên truyền, vận động của chị Dùng Thị Vân và sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nên diện mạo kinh tế - xã hội và đời sống đồng bào trong xã Xín Cái đã có những thay đổi rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm trên 6,0%/năm. Bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc được giữ gìn và phát huy. Người dân luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước về sự nghiệp đổi mới.
Để thực hiện tốt chính sách dân tộc, chị Dùng Thị Vân đề nghị: Trong thời gian tới, các cấp các ngành cần tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tham gia vào hoạt động du lịch cộng đồng để nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào DTTS, qua đó duy trì và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Tiếp tục thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước.
“Tiếp tục quan tâm, có chính sách đặc thù hỗ trợ cho vùng đồng bào DTTS miền núi, biên giới còn đặc biệt khó khăn, nhất là đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, cấp điện, cấp nước, hỗ trợ cải tạo đất đai, tạo sinh kế, giải quyết việc làm. Quan tâm bồi dưỡng, đào tạo nguồn cán bộ người DTTS tại biên giới, vùng sâu, vùng xa”, chị Dùng Thị Vân đề nghị.