Bởi lẽ, ngang con lộ vào nhà, ông Sơn trang trọng đặt tấm bảng một bên đề dòng chữ đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh và một bên là dòng chữ các thế hệ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại như nhắc nhở thế hệ sau luôn nhớ đến vị cha già kính yêu của dân tộc.
Ông Trang Thanh Sơn sinh ra và lớn lên ở xã Phi Thông, vùng ven thành phố Rạch Giá. Cũng như lớp lớp thanh niên khác, năm 1960, ông tham gia cách mạng rồi cùng đơn vị địa phương đánh giặc. Ông Sơn cho biết, điều thú vị nhất trong cuộc đời tham gia cách mạng của ông là khi bị địch phát hiện rồi đuổi theo, ông chạy dạng hình chữ S, khi mệt ông giả vờ nằm xuống rồi lấy đất ném lại, bọn chúng tưởng lựu đạn nên dừng lại, từ đó ông mới chạy thoát thân.
Ông Sơn thắp hương trong nhà thờ Bác của gia đình. |
Còn vợ ông Sơn là bà Phạm Thị Xỉu (76 tuổi), tham gia cách mạng từ năm 1958 và từng 6 lần bị địch bắt, tù đày. Cũng vì vậy, hơn một năm nay vì di chứng của những lần bị địch tra tấn nên ngã bệnh nằm một chỗ, không nói được.
Ông Sơn cho biết, trước đây trong kháng chiến, ông giữ nhiều chức vụ như, Bí thư Ban cán sự đảng vùng ven thị xã Rạch Giá; sau năm 1975, ông tiếp tục tham gia công tác và giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy các phường Vĩnh Hiệp, An Hòa; Trưởng phòng nông nghiệp, thủy lợi thị xã Rạch Giá; Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Rạch Giá...Vợ ông cũng qua các chức vụ Bí thư Đảng ủy phường Vĩnh Hiệp, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Rạch Giá. Trước khi nghỉ hưu ông giữ chức Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Rạch Giá.
Năm 2015, khi được ra Thủ đô Hà Nội dự hội nghị điển hình về gương người cao tuổi làm kinh tế giỏi, sau đó được vào Lăng viếng Bác, thăm nhà sàn Bác Hồ, ông càng ấp ủ dựng căn nhà sàn ngay trong khuôn viên của gia đình.
Nghĩ là làm, năm 2015 với số tiền lương hưu và làm vườn dành dụm được, ông đã trích gần 100 triệu đồng để dựng một ngôi nhà theo kiểu nhà sàn, xung quanh xây dựng cột bê tông, nền dưới lát gạch bông, gác gỗ, mái lợp tôn với diện tích 36 m2. Trong nhà có tượng Bác Hồ đặt trên bàn thờ bằng gỗ, bên cạnh là ảnh chân dung đại tướng Võ Nguyên Giáp, anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, phía sau là lá cờ Đảng và cờ Tổ quốc. Ông Sơn cho biết, ông đang sưu tầm hình ảnh các vị lãnh tụ, một số vật dụng thời chiến tranh như nắp hầm bí mật, lôi chông, lôi tầm vông và sơ đồ giải phóng ở Rạch Giá năm 1975 để trưng bày tại nhà thờ Bác nhằm nhắc nhở thế hệ hôm nay nhớ về thời kỳ kháng chiến trường kỳ của dân tộc.
Ông Sơn bên ngôi nhà thờ Bác của gia đình. |
Nhà thờ Bác Hồ được ông Sơn xây dựng trong vườn cây trái của gia đình ông. Trong vườn, ông trồng nhiều loại cây như dừa dứa, đu đủ, bưởi…Bên cạnh nhà thờ Bác, ông đào ao nuôi cá, trồng sen với mong muốn dựng lại một trong những nơi làm việc của Bác Hồ lúc sinh thời để thỏa lòng tôn kính với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
Ông Sơn cho biết, sau khi địa phương biết nơi đây có nhà thờ Bác Hồ, nhân kỷ niệm 42 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước khoảng 60 người gồm cán bộ chính quyền địa phương, cán bộ hưu trí và đoàn viên thanh niên tổ chức đoàn đến thắp hương, rồi kể chuyện về Bác Hồ… Ngày sinh nhật Bác 19/5 năm nay, ngoài nghi lễ dâng hương, chính quyền địa phương cùng gia đình ông Sơn còn tổ chức nói chuyện về thân thế, sự nghiệp của Bác để học sinh trên địa bàn hiểu thêm về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngoài căn nhà thờ Bác Hồ, ông Sơn còn làm con đường tráng xi măng ngang 1,5 m, dài hơn 200 m dẫn ra nhà thờ Bác tạo thuận lợi cho người dân, con cháu đến thắp hương.
Bí thư Chi bộ khu phố Vĩnh Viễn Trác Minh Bê cho biết, ở tuổi 78 nhưng ông Sơn luôn là đảng viên gương mẫu. Ông luôn có cách làm mới, hiệu quả trong phát triển kinh tế. Nhà thờ Bác Hồ sẽ là địa chỉ đỏ để thế hệ sau hiểu về thân thế, sự nghiệp vị cha già kính yêu của dân tộc.