Người làm đổi thay xã đặc biệt khó khăn

Phó Chủ tịch UBND xã Can Hồ, Lê Văn Duyên đã làm thay đổi vùng đất khó khăn này bằng những việc làm cụ thể như xây dựng quỹ khuyến học, đưa cây trồng mới thử nghiệm tại địa phương.

Ngay từ khi được phân công về làm Phó Chủ tịch UBND xã Can Hồ, huyện Mường Tè (Lai Châu) theo Đề án 600 trí thức trẻ về làm pchủ tịch xã đặc biệt khó khăn, anh Lê Văn Duyên quyết tâm làm thay đổi vùng đất khó khăn này bằng những việc làm cụ thể như đơn giản hóa thủ tục hành chính, xây dựng quỹ khuyến học, đưa cây trồng mới thử nghiệm tại địa phương...

Anh Duyên (bên phải) hỗ trợ miễn phí cho bà con giống mướp đắng để trồng thử nghiệm và đã thành công.

Xã Can Hồ chỉ cách trung tâm huyện hơn 20km, nhưng đời sống của bà con nơi đây còn rất nhiều khó khăn, với 8 dân tộc sinh sống, trong đó, có 2 dân tộc rất ít người như Si La, Cống sinh sống... Được phân công phụ trách mảng Văn hóa – Xã hội, nhìn thấy các em học sinh miền núi thiếu thốn anh Duyên cảm thấy rất trăn trở. \


Anh Duyên kể: “Có lần, tôi lên bản Nậm Lọ A thấy những trẻ em người Mông đang vui chơi bên cạnh một vũng nước. Các em hồn nhiên ăn bột kem đánh răng, mặt còn vương bùn đất trộn lẫn với màu trắng của kem đánh răng. Nhìn thấy thế tôi cảm thấy rất chạnh lòng”.

Trò chơi bịt mắt bắt vịt trong đêm hội Trăng rằm đầu tiên ở xã Can Hồ.

Trở về, anh Duyên đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức “Đêm hội Trăng rằm 2012” lần đầu tiên cho các em thiếu niên, nhi đồng của bàn xã. “Đêm hội Trăng rằm 2012” để lại nhiều niềm vui trong mỗi trẻ em nơi đây; bà con đến cổ vũ các tiết mục, các hoạt động của các em thiếu niên, nhi đồng rất đông. Thành công lớn nhất của Tết Trung thu 2012 đó là các em được biết Tết trung thu là ngày Tết của các em. Đến nay, hằng năm, “Đêm hội Trăng rằm” vẫn được tổ chức đều đặn ở xã, thu hút thêm sự đóng góp tích cực của cha mẹ các em.


Phụ trách mảng văn hoá – xã hội, anh Duyên còn tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xã thành lập Hội Khuyến học xã với 31 hội viên. Ngay sau khi được thành lập (năm 2012), Hội khuyến học xã đã vận động các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh đóng trên địa bàn góp được trên 7 triệu đồng. Vận động cán bộ, công nhân viên, giáo viên, hội viên, hộ gia đình tại cơ quan, đơn vị, các bản tham gia xây dựng Quỹ khuyến học, khuyến tài đóng góp từ 7-10 triệu đồng/năm, tạo nguồn quỹ ổn định cho triển khai, thực hiện các hoạt động khuyến học, khuyến tài trong toàn xã.


“Những biểu dương, khen thưởng chỉ mới rất nhỏ nhưng đã hỗ trợ kịp thời những em học sinh, sinh viên nghèo vượt khó, học giỏi, trẻ em thuộc đối tượng bảo trợ xã hội; biểu dương, khen thưởng kịp thời cá nhân và tổ chức đã có nhiều đóng góp vào phong trào khuyến học, khuyến tài tại địa phương; giáo viên đạt nhiều thành tích xuất sắc trong sự nghiệp trồng người… tiến tới xây dựng xã hội học tập tại địa phương và góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng xã hội học tập của cả nước”, anh Duyên cho biết.


Ngoài công việc hằng ngày, anh Duyên còn ấp ủ dự định là mang những cây con giống phù hợp để nhân rộng tại địa phương. Tranh thủ những buổi chiều, ngày nghỉ anh phát quang cỏ dại, lên đồi chặt nứa, chặt tre, vào huyện mua dây thép để rào lại cho trâu, bò, lợn, gà không vào phá được. Tận dụng đất làm vườn, mỗi lần về quê lại tìm mua giống rau, củ quả,… để gieo trồng. Anh Duyên đã nhân rộng mô hình trồng mướp đắng ra cho nhiều hộ đồng bào trồng và đã đem lại nguồn thu nhập cho bà con.


“Hiện nay tôi đang thử mô hình vườn – rừng – ao, trong đó có trồng thử nghiệm những giống cây như ổi Đài Loan, ổi không hạt. Tôi đã trồng thử 1 ha cây ăn quả. Đây toàn là những giống cây mới, chưa được trồng ở xã. Nếu thành công tôi sẽ trồng nhiều, nhân giống để bà con cùng trồng và hướng dẫn bà con cách trồng. Qua đây, tôi tin tưởng rằng vườn cây của tôi sẽ góp phần vào việc thay đổi cách thức canh tác của đại bộ phận nhân dân vì phần đông bà con dựa vào việc đi nương, đi rừng để đảm bảo cuộc sống hằng ngày, chưa nói đến việc tăng thu nhập từ tăng gia sản xuất tại gia đình”.


Thấm thoát đã gần 5 năm anh Duyên gắn bó với mảnh đất này. Mỗi năm anh đều cố gắng để làm gì đó thay đổi cuộc sống của người dân. “Trong khoảng thời gian vừa qua chứng kiến cảnh cái đói, cái khổ, sự vất vả của đồng bào các dân tộc nơi đây càng thôi thúc tôi phải cố gắng hơn nữa để cùng với cấp ủy, chính quyền, bà con xóa đi cái đói, cái nghèo góp phần xây dựng bản làng, quê hương”, anh Duyên tâm sự.


Trọng Thủy
Những gương sáng học sinh dân tộc thiểu số
Những gương sáng học sinh dân tộc thiểu số

Cậu học sinh Vừ Mí Kỵ người Mông, tân sinh viên Học viện An ninh, là học sinh đầu tiên của trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc đạt được giải Nhì cấp quốc gia môn lịch sử.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN