Nhờ vậy, thôn Khau Cau có rất nhiều đổi thay, đời sống người dân ngày một nâng cao. Với người dân nơi đây, ông Sểnh là “ngọn lửa” sáng, là người mở lối giúp họ vươn lên thoát nghèo.
Khau Cau có 120 hộ dân, 100% là người dân tộc thiểu số, trong đó 96% là người Dao, còn lại là người Tày. Người dân trong thôn chủ yếu chăn nuôi trâu, bò.
Dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn… là ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi gặp ông Đặng Tòn Sểnh. Ông cho biết: Mặc dù đã chăn nuôi từ lâu nhưng hầu hết các hộ dân trong thôn trước đây chưa có kỹ thuật chăn nuôi, không chịu tiêm vaccine phòng bệnh cho trâu, bò… Vì vậy, trâu, bò chậm lớn, bị còi nên giá bán không cao, thu nhập từ chăn nuôi của người dân cũng chưa đáng kể. Đặc biệt, có năm trong thôn có hàng chục con trâu bị chết vì dịch bệnh, đói rét. Do đó, ông luôn trăn trở tìm cách phổ biến kiến thức chăn nuôi cho bà con, giúp họ nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.
Để có thêm kiến thức về chăn nuôi, ông Sểnh đã xuống huyện học các lớp tập huấn. Sau đó, ông về tuyên truyền lại cho người dân trong thôn. Đặc biệt, vào mùa rét, ông Sểnh còn đến tận nhà các hộ để hướng dẫn người dân cách làm chuồng trại chống rét cho trâu, bò. Nhờ đó, người dân trong thôn đã biết áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi. Trâu, bò nhanh lớn, thu nhập của người dân trong thôn cũng được nâng cao, nhờ đó nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo.
Là hộ thoát nghèo nhờ phát triển chăn nuôi, ở thôn Khau Cau, anh Triệu Tòn Trạn, dân tộc Dao chia sẻ: năm 2016, gia đình anh bắt đầu nuôi 1 con trâu. Khi đó, chưa có kiến thức chăn nuôi nên trâu rất hay bị ốm, chậm lớn. May mắn, năm 2017, được bác Sểnh hướng dẫn cách làm chuồng trại, dự trữ thức ăn cho trâu vào mùa đông, tiêm vaccine phòng bệnh cho trâu… nên việc chăn nuôi thuận lợi hơn. Vì vậy, gia đình anh quyết định vay vốn để mua thêm trâu, bò về nuôi. Từ năm 2018 đến nay, mỗi năm gia đình anh nuôi trung bình từ 5 - 10 con trâu, bò; xuất bán 4 con, thu về trên 80 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 45 triệu đồng/năm. Nhờ nguồn thu này, gia đình anh đã xây được nhà mới khang trang hơn, năm 2020 đã vươn lên thoát nghèo, cuộc sống cũng được nâng lên…
45 tuổi, ông Đặng Tòn Sểnh đã có 15 năm làm Bí thư Chi bộ thôn Khau Cau. Ngoài ra, năm 2018, ông còn được người dân Khau Cau tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn. Cùng lúc đảm nhiệm hai vị trí quan trọng trong thôn nên ông Sểnh luôn cố gắng tìm cách giúp cuộc sống của người dân được nâng lên. Bên cạnh việc vận động người dân áp dụng khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi, đẩy mạnh phát triển kinh tế, ông Sểnh còn xuống huyện "xin" các chương trình, dự án hỗ trợ; tích cực vận động nhân dân đóng góp để xây dựng cơ sở hạ tầng cho thôn. Gần đây nhất, ông đã thành công trong việc huy động nguồn kinh phí để xây cầu bắc qua suối.
Khau Cau có một con suối lớn chạy uốn quanh. Vào mùa mưa bão, nước suối dâng cao, chảy siết khiến 10 hộ dân sinh sống bên kia suối không thể đi qua, bị cô lập với trung tâm của thôn.
Ông Sểnh tâm sự "Khổ nhất là các cháu học sinh, mỗi khi mưa lớn đều phải nghỉ học, khi nước suối rút mới có thể đi học trở lại. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm nên tôi cũng rất lo lắng. Cuối năm 2020, trong một lần đi tập huấn về chương trình chăm sóc trẻ em của Tổ chức Tầm nhìn thế giới tại huyện, tôi đã đề xuất với Tổ chức này hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng cầu qua suối và được chấp thuận. Tuy nhiên, Tổ chức này chỉ hỗ trợ vật liệu xây dựng, còn lại là người dân phải đóng góp kinh phí để mua cây chống, trả tiền công xây dựng".
Từ sự hỗ trợ đó, ông Sểnh tích cực vận động các hộ dân địa phương quyên góp, ủng hộ việc xây cầu. Khi đi vận động, có rất nhiều hộ dân không ủng hộ vì lý do nhà họ không phải đi qua suối, mưa lũ không ảnh hưởng gì. Tuy nhiên, bằng sự kiên trì, ông Sểnh từng bước thuyết phục được họ thay đổi, đồng thuận đóng góp cho việc làm ý nghĩa này. Tháng 5/2021, sau 1 tháng thi công, cây cầu với chiều rộng 3m, chiều dài 12m, bắc qua suối ở thôn Khau Cau đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Ông Triệu Tòn Liều, dân tộc Dao, một trong những hộ dân sống bên kia suối phấn khởi "có cây cầu, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của chúng tôi đã thuận lợi hơn trước rất nhiều. Đặc biệt, các cháu học sinh đã không còn phải nghỉ học mỗi khi có mưa to nữa. Không còn phải lo lắng khi mùa mưa lũ về, gia đình tôi đã an tâm phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống... Có được những điều này, chúng tôi cảm ơn bác Sểnh nhiều lắm".
Khau Cau là thôn còn nhiều khó khăn của xã Phúc Yên. Thôn hiện còn 94 hộ nghèo; tuy nhiên, những năm qua, nhờ sự tuyên truyền, vận động của Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đặng Tòn Sểnh, sự nỗ lực vươn lên của người dân, Khau Cau đã có nhiều thay đổi. Hiện 95% đường nội thôn được bê tông hóa, gần 90% đường nội đồng được kiên cố hóa; trên 70% hộ gia đình có nhà xây kiên cố; 60% hộ gia đình có công trình vệ sinh đạt chuẩn, đời sống của người dân đang từng bước được nâng lên...
Chia sẻ về kinh nghiệm trong công tác vận động nhân dân, ông Đặng Tòn Sểnh cho biết: muốn vận động được nhân dân thì bản thân mình và gia đình mình phải gương mẫu thực hiện trước; phải nắm rõ được các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Nhà nước để phổ biến, phân tích giúp người dân hiểu và thực hiện; đồng thời, công khai, minh bạch các khoản đóng góp, thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”… Khi có được sự đồng thuận của người dân thì việc khó mấy cũng thành.
Thời gian tới, ông Sểnh quyết tâm cùng chính quyền địa phương tiếp tục vận động người dân, tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước, đóng góp để làm đường, phấn đấu 100% đường nội thôn được bê tông hóa; lập nhóm chăn nuôi lợn đen theo hướng hữu cơ để tạo thêm hướng phát triển kinh tế cho người dân…
Nói về ông Sểnh, Bí thư Đảng ủy xã Phúc Yên Nguyễn Văn Tôn cho biết: ông Đặng Tòn Sểnh là một Bí thư chi bộ, Trưởng thôn luôn tận tâm vì công việc. Bằng sự năng động, nhiệt huyết, ham học hỏi, không ngại khó khăn, vất vả, những năm qua, ông luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần thay đổi diện mạo thôn Khau Cau, giúp đời sống của người dân bớt khó khăn. Ông Sểnh là tấm gương sáng cho cán bộ, đảng viên, nhân dân trong xã học tập và noi theo…