Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, ông Đặng Tuấn Tú vinh dự là 1 trong 10 cán bộ công đoàn tiêu biểu trong cả nước được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Giải thưởng Nguyễn Văn Linh lần thứ Nhất.
Ông Đặng Tuấn Tú chia sẻ, xuất phát từ vị trí người lao động nên ông hiểu tâm tư, nguyện vọng của công nhân. Vì vậy ông đã mạnh dạn đề xuất với ban lãnh đạo công ty nhiều hoạt động, chính sách chăm lo đời sống cho người lao động.
Theo ông Đặng Tuấn Tú, hầu hết công nhân của công ty là những lao động nhập cư, người dân tộc thiểu số, có trình độ văn hóa thấp, tay nghề chưa cao. Do đó, dưới sự tham mưu của Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở, Ban Giám đốc công ty đã tổ chức các lớp bổ túc văn hóa ban đêm từ lớp 6 đến lớp 12 cho người lao động. Bên cạnh đó, nhiều chế độ phúc lợi khác của người lao động cũng được Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở công ty đặc biệt quan tâm. Năm 2002, khi công đoàn của công ty mới đi vào hoạt động, ông Đặng Tuấn Tú đề xuất với người lao động xây dựng Hội Tương trợ gia đình Changshin.
Tuy nhiên, ban đầu, công nhân phản đối gay gắt chủ trương này vì họ cho rằng điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn, sao có thể đi ủng hộ người khác. Đặc biệt, nhiều người lo lắng số tiền quyên góp này được sử dụng vào mục đích không trong sáng. Sau đó, có một công nhân không may qua đời do tai nạn giao thông, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, ông Đặng Tuấn Tú lại đứng ra kêu gọi người lao động của công ty ủng hộ. Kết quả Công đoàn công ty đã vận động được hơn 13 triệu đồng. Thấy được ý nghĩa của việc làm thiết thực này, nhiều người đã thay đổi suy nghĩ, chủ động ủng hộ những gia đình khó khăn.
Từ ngày thành lập đến nay, Hội Tương trợ gia đình Changshin đã ủng hộ gần 200 gia đình công nhân với tổng số tiền ủng hộ hơn 23 tỉ đồng. Chị Lê Thị Hoa, công nhân của công ty chia sẻ, đồng nghiệp của chị không may bị tai nạn giao thông qua đời. Là lao động chính trong gia đình với cha mẹ già và con nhỏ, đồng nghiệp của chị mất đi, ba người còn lại không biết bấu víu vào đâu, khoản tiền hỗ trợ gần 20 triệu đồng của công ty đã giúp gia đình chị ấy có thể vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Với 7 nhiệm kỳ làm thủ lĩnh công đoàn cơ sở, ông Đặng Tuấn Tú đã thương lượng với chủ doanh nghiệp ký kết thỏa ước lao động tập thể với nhiều điều khoản có lợi cho người lao động như: Hỗ trợ 100.000 đồng/tháng tiền sữa cho con công nhân từ khi sinh đến 6 tuổi; cung cấp bữa ăn ca, sữa cho tất cả người lao động với giá trị 22.000 đồng/ngày; mỗi năm hỗ trợ 10 nhà Mái ấm công đoàn trị giá 50 triệu đồng/căn cho đoàn viên khó khăn về nhà ở; tổ chức các lớp học miễn phí cho con công nhân, thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hiểm cho người lao động…
Nói về bí quyết để Công đoàn cơ sở có thể thực hiện được những hoạt động trên, ông Đặng Tuấn Tú cho biết, trước hết cán bộ công đoàn phải có tâm trong sáng, phải đặt mình vào vị trí của người lao động để nắm được tâm tư, nguyện vọng để biết họ cần gì, muốn gì. Đặc biệt phải căn cứ vào tình hình sản xuất của công ty để đề xuất những nội dung đảm bảo hài hòa lợi ích đôi bên. Cán bộ công đoàn phải làm sao để chủ doanh nghiệp thấy được lợi ích từ những hoạt động mà công đoàn phát động. Để làm được điều này, cán bộ Công đoàn phải có kiến thức, bản lĩnh vững vàng, có khả năng vận động, thuyết phục.