Sư Phụng cho biết, tuy là người dân tộc Khmer nhưng vì mang họ mẹ nên tên mới có họ và chữ lót giống với dân tộc Kinh. Ông sinh năm 1966, lớn lên ở vùng quê nghèo Xà Xiêm, gia đình có 9 anh chị em. Tuổi thơ của ông khá vất vả, phải theo cha mẹ, anh em đi làm đồng, mò cua bắt ốc để kiếm cái ăn, cái mặc. Năm 1994, ông xuất gia tu hành báo hiếu cha mẹ. Sau khi xuất gia, được tu tập kinh kệ, học những điều hay từ nhà Phật dạy, sư Phụng lấy đó làm kim chỉ nam để hướng đến làm những cái hay, cái tốt.
Năm 2004, được bổ nhiệm trụ trì chùa Xà Xiêm Cũ, trong lòng sư Phụng mong muốn làm sao để phật tử, nhất là con em trong độ tuổi đi học được đến trường trên những cây cầu, con đường bằng phẳng chứ không phải gập ghềnh bằng con đường mòn đầy cỏ, những cây cầu khỉ trơn trượt.
Sư Phụng cho biết, những năm trước, giao thông nông thôn ở ấp Xà Xiêm gặp nhiều khó khăn, người dân đi lại chủ yếu bằng xuồng, vỏ máy, cấp Tiểu học ra tận gần xã Bình An hơn 4 km, còn lên cấp Trung học Cơ sở phải mất gần 5 km ra thị trấn Minh Lương.
Thấy việc đi học của các cháu quá khó khăn, sư Phụng nghĩ phải làm cách nào sớm hoàn thiện những con đường, cây cầu để phật tử và con em đi lại thuận tiện. Bên cạnh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các phật tử cùng các nhà hảo tâm trong và ngoài phum sóc đã chung tay đóng góp, để Xà Xiêm có sự đổi thay.
Từ năm 2005 đến nay, được sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm cùng nhân dân trong và ngoài tỉnh, sư Phụng đứng ra thiết kế, xây dựng nhiều cây cầu bê tông và hàng ngàn mét đường giao thông nông thôn. Những cây cầu lại do chính sư Phụng đứng ra thiết kế xây dựng, còn phật tử bỏ ngày công lao động ra làm, nhờ vậy chi phí giảm bớt được 1/3. Chẳng hạn, nếu quyên góp được 100 triệu đồng, số tiền này mua vật liệu, sắt đá, còn công thiết kế, xây dựng đến hoàn thành cây cầu tính ra khoảng 70 triệu đồng (nhà chùa hỗ trợ tiền ăn uống), có khi nhà chùa cũng phải thêm từ 5 - 10 triệu cho một cây cầu do thiếu vật tư.
Điều đáng ghi nhận, trong 4 cây cầu nông thôn trên địa bàn do sư đứng ra thiết kế xây dựng có trị giá hơn 1 tỷ đồng, có một cây cầu do nguồn vốn từ UBND xã Bình An góp 300 triệu đồng nhưng nhà chùa chỉ nhận 200 triệu đồng, còn 100 triệu trả lại xã để giúp cho địa phương khác. Lý giải việc này, sư Phụng cho biết, có tiền ai cũng muốn làm nhiều việc phúc lợi cho phật tử, con em địa phương mình nhưng nghĩ vẫn còn nhiều nơi khác cần hơn nên phải chia sẻ. Số tiền thiếu hụt còn lại, nhờ có sự đóng góp của sư sãi nhà chùa, các phật tử mà những con đường, cây cầu mới thật sự có ý nghĩa hơn.
Ngoài ra, hàng năm, sư Phụng còn hỗ trợ gạo, tiền, tập viết cho người nghèo và học sinh. Trong dịp hè, nhà chùa mở lớp dạy chữ Khmer ngữ cho 200 chư tăng và con em đồng bào trên địa bàn, qua đó, góp phần phát huy chữ viết, tiếng nói, văn hóa của dân tộc mình.
Ông Danh Sô Ri Gia, Trưởng ban Mặt trận ấp Xà Xiêm cho biết, thấy sư Phụng vận động đồng bào phật tử, tạo sự đoàn kết, không sợ gian khổ để cùng nhân dân, chính quyền địa phương đóng góp tiền của, công sức để xây dựng chùa, cầu, đường, tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện thì mọi người làm theo. Không chỉ tự nguyện bỏ công lao động, đồng bào phật tử còn góp tiền để bắc cầu, làm đường trên địa bàn cho con em và phật tử đi lại lễ, tết tại chùa, đến trường được thuận tiện.
Điều đặc biệt ở sư Phụng, thông qua việc hưởng ứng phong trào "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", sư xem đây là cách tốt nhất hướng phật tử học tập làm theo để thoát nghèo. Vì vậy, vào những dịp lễ, tết, sư Phụng tranh thủ tuyên truyền các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với phật tử, nhất là nói những bài học sâu sắc về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Việc làm này đã phát huy cách nghĩ, cách làm rất lớn của đồng bào Khmer. Qua đó, đồng bào phật tử ra sức thi đua lao động trong sản xuất, góp phần đáng kể trong công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
Ông Hàng Văn Đô, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Châu Thành cho biết, những năm qua, hưởng ứng phong trào "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", nhiều cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân và chức sắc, tôn giáo làm theo rộng khắp, trong đó điển hình có sư trụ trì chùa Khmer Xà Xiêm Cũ Hà Văn Phụng. Thông qua những câu chuyện, đức tính về Bác, không chỉ bản thân sư Phụng phấn đấu học hỏi làm theo để ra sức làm công tác an sinh xã hội, mà ngay trong phật tử, ai ai cũng nghe theo lời truyền đạt của nhà sư. Không chỉ chăm lo, hướng dẫn đồng bào phật tử cách thức làm ăn, tiết kiệm chi tiêu trong cuộc sống, lo làm giao thông nông thôn, sư Phụng còn hiến 3.000 m2 đất của nhà chùa để xây dựng Trường Tiểu học Bình An 2, giúp học sinh trên địa bàn có ngôi trường mới khang trang sạch đẹp.
Ông Nguyễn Hưng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Bình An cho biết, ngoài việc phật sự, sư Phụng rất nhiệt huyết trong trong công tác làm giao thông nông thôn; dạy chữ cho con em dịp hè. Ngoài ra, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số luôn được sư chuyển tải rất nhanh đến phật tử, giúp người dân tiếp thu để thực hiện thắng lợi công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Nhờ vậy, đến nay, Xà Xiêm còn 52 hộ nghèo trong tổng số 418 hộ toàn ấp.
Với những việc làm thiết thực, sư Hà Văn Phụng, trụ trì chùa Khmer Xà Xiêm Cũ đã được UBND huyện và tỉnh tặng nhiều Giấy khen, Bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác từ thiện xã hội. UBND tỉnh Kiên Giang tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp phát triển dân tộc".